5 điều cần làm ngay để THOÁT NẠN khi đi tàu biển, máy bay - Kinh nghiệm từ cựu tiếp viên top 7 hãng hàng không an toàn nhất thế giới

Chúng ta không bao giờ mong tai nạn xảy ra, nhưng khi nó xảy ra, chỉ những người chuẩn bị sẵn sàng mới có thể bảo vệ bản thân và những người mình yêu thương.

Chị Nguyễn Quý Quỳnh Hạnh - cựu tiếp viên hàng không của một trong 7 hãng hàng không an toàn nhất thế giới - đã chia sẻ những kinh nghiệm về việc đảm bảo an toàn khi di chuyển bằng tàu biển và máy bay trên trang cá nhân và nhận được sự quan tâm lớn của đông đảo người dùng mạng xã hội. Sau những sự cố không mong muốn xảy ra, như vụ việc lật tàu du lịch ở Hạ Long, chị Hạnh nhấn mạnh rằng mỗi người đều có thể làm gì đó để đề phòng và bảo vệ bản thân.

Bài đăng trên trang cá nhân của chị Nguyễn Quý Quỳnh Hạnh

Trong bài viết, chị Hạnh cho biết: "Mình từng là tiếp viên hàng không cho hãng ở top 7 an toàn nhất thế giới. Mình đã trải qua kỳ huấn luyện được đánh giá khó nhất nhì trong các hãng hàng không, luôn phải đạt 100/100 cho tất cả học phần an toàn. Mình đã được hãng dạy rằng: Tất cả tiền bạc, sự nghiệp... ta đều có thể làm lại được, trừ sự an toàn liên quan đến tính mạng chúng ta không được phép sai, dù là 1%". 

1. Luôn lắng nghe và hợp tác với những người hướng dẫn an toàn

Các công ty du thuyền và hãng hàng không đều bắt buộc phải có quy trình hướng dẫn an toàn. Những buổi hướng dẫn này rất quan trọng và không thể bỏ qua. Thông thường, buổi hướng dẫn sẽ bao gồm tóm tắt quy trình hành động dành cho hành khách khi có sự cố xảy ra, giới thiệu các vật dụng trong trường hợp khẩn cấp, chỉ dẫn đường ra các lối thoát hiểm gần nhất, hành động cụ thể cần thực hiện khi có sự cố xảy ra, và khẩu lệnh hay âm thanh báo động mà bạn cần nghe thấy khi cần sơ tán. Nếu họ đã dành thời gian và công sức để tổ chức những buổi hướng dẫn này, chắc chắn đó là điều cần thiết. Trong trường hợp khẩn cấp, tỷ lệ sống sót luôn thuộc về những người biết mình phải làm gì.

2. Tự kiểm tra các vật dụng cứu hộ như trong hướng dẫn

Trên máy bay, bạn cần đảm bảo rằng dây an toàn đã được cài đúng cách, kiểm tra áo phao được niêm phong dưới ghế (chỉ kiểm tra, không lấy ra), xác định cửa thoát hiểm gần nhất và hiểu cách sử dụng mặt nạ oxy trong trường hợp khẩn cấp.

Còn trên tàu thủy, nếu đi trên tàu nhỏ, bạn nên mặc áo phao ngay từ đầu hoặc biết vị trí áo phao nếu là tàu lớn. Ngoài ra, hãy thử mặc áo phao cho cả bản thân và trẻ em trước khi khởi hành, xác định nơi tập trung khi sơ tán và nhận biết âm thanh báo động để không nhầm lẫn với tiếng chuông thông thường.

3. Xem bản đồ thoát hiểm ngay khi tới một địa điểm mới

Mỗi lần lên máy bay, vào khách sạn hay tàu thủy, chị Hạnh đều có thói quen xem bản đồ thoát hiểm. Việc này có thể bị xem là cẩn thận thái quá, nhưng nó giúp chị sẵn sàng cho những tình huống không mong muốn. Hãy nhớ rằng, tỷ lệ sống sót luôn thuộc về những người biết mình phải làm gì trong tình huống khẩn cấp.

Trong các vụ tai nạn, nếu có sự chủ động, cơ hội sống sót sẽ cao hơn

4. Thử mô phỏng một lần sơ tán cùng người thân (Đặc biệt là khi đi cùng trẻ nhỏ)

Chỉ mất khoảng 5 phút, nhưng việc này có thể giúp cả gia đình xử lý tình huống một cách nhanh chóng và hiệu quả khi sự cố xảy ra. Bạn có thể bắt đầu bằng cách đặt ra tình huống: “Nếu có báo động vang lên, ai sẽ làm gì?” Điều này không chỉ giúp mọi người nghĩ ra kế hoạch mà còn có thể hướng dẫn trẻ nhỏ cách phản ứng đúng đắn trong tình huống khẩn cấp.

Tiếp theo, hãy giao nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên trong gia đình. Ai sẽ giữ ai, ai sẽ cầm giấy tờ quan trọng, và ai sẽ đảm bảo rằng trẻ nhỏ được an toàn. Ví dụ, nếu có trẻ nhỏ, bạn có thể để một người lớn giữ trẻ, trong khi người khác lo liệu những thứ cần thiết.

Cuối cùng, hãy thử đi qua lối thoát hiểm gần nhất. Điều này không chỉ giúp mọi người quen thuộc với lối ra mà còn có thể coi như một hoạt động thú vị để khám phá không gian xung quanh.

Đừng ngại giả định những tình huống xấu có thể xảy ra trong một chuyến đi chơi. Giả định xấu nhưng không xảy ra vẫn tốt hơn là không chuẩn bị gì và khi sự cố xảy ra thì không biết xử lý thế nào.

Chị Hạnh chia sẻ thêm: "Mình rất nể phục người châu Âu vì họ luôn bình tĩnh, phản ứng nhanh và không hoảng loạn trong những tình huống khẩn cấp. Điều này không phải là bản năng mà là kết quả của việc được đào tạo từ nhỏ. Mình tin rằng thế hệ tương lai cũng cần trang bị những kỹ năng này để có đủ hành trang khám phá thế giới. Dạy cho trẻ những điều này không hề là chuyện buồn cười, mà thực sự là những kiến thức cần thiết mà sau này chúng sẽ phải học". 

5. Tự mang theo đèn pin nhỏ hoặc thiết bị SOS

Trước mỗi chuyến bay, các tiếp viên của hãng Eva Airways như chị Hạnh đều phải kiểm tra ba thứ quan trọng nhất, bao gồm: Hộ chiếu (giấy tờ cá nhân); Đèn pin mini (cần bật lên trong phòng họp để chứng minh rằng nó hoạt động tốt); Kiến thức an toàn bay.

- Đèn pin nhỏ (loại móc vào chìa khóa) là một chi tiết ít ai nghĩ đến, nhưng nó có thể giúp bạn tìm đường khi mất điện hoặc phát tín hiệu cầu cứu bằng ánh sáng.

- Nếu bạn sử dụng Apple Watch, Garmin hoặc đồng hồ thông minh có chức năng SOS, hãy nhớ bật chế độ “khẩn cấp – phát tín hiệu” khi cần cứu hộ.

Trong sự cố gần đây xảy ra tại vịnh Hạ Long, các tàu cứu hộ đã đến rất nhanh do khu vực này là điểm du lịch trung tâm. Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng trong những hoàn cảnh khác, bạn có thể phải đợi cứu hộ lâu hơn, thậm chí hàng chục giờ hoặc vài ngày. 

"Các hãng hàng không lớn yêu cầu mỗi tiếp viên phải có một đèn pin vì lý do chính đáng. Trên máy bay có thiết bị ELT (Emergency Locator Transmitter) để phát tín hiệu. Thiết bị này tự động phát tín hiệu radio định vị khẩn cấp khi máy bay gặp va chạm mạnh. Tín hiệu sẽ được gửi lên vệ tinh, giúp đội cứu hộ xác định vị trí gặp nạn. Mỗi du thuyền đạt tiêu chuẩn cũng có thiết bị tương tự, nhưng việc tự mình chủ động sẽ tăng cơ hội sống sót thêm một bậc" - Chị Hạnh chia sẻ. 

Chúng ta không bao giờ mong tai nạn xảy ra, nhưng khi nó xảy ra, chỉ những người chuẩn bị sẵn sàng mới có thể bảo vệ bản thân và những người mình yêu thương.

 (Tổng hợp)