Việt Nam có loại cây mọc dại, người Trung Quốc coi là ‘cỏ tài lộc’: Hóa ra là vị thuốc quý

Loại cây này mọc dại khắp Việt Nam nhưng thường bị lãng quên. Trong khi đó tại Trung Quốc, nó được gọi là “cỏ tài lộc” vì mang lại giá trị kinh tế cao.

Loại cây này chính là mã đề, hay còn gọi là xa tiền thảo. Tại Việt Nam, loại cây này thường mọc dại nhiều ở những vùng đất ẩm ướt ven đường, bên bờ ruộng, bìa rừng... Tại Trung Quốc, loại cây này được trồng để phát triển kinh tế. Theo thông tin từ cổng thông tin điện tử của quận Đạt Xuyên, thành phố Đạt Châu (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc), cây mã đề được gọi là “cỏ tài lộc” vì mang lại triển vọng làm giàu cho người dân nơi đây.

Cây mã đề (Ảnh minh họa).

Mã đề - Vị “thuốc toàn năng”

Theo Baidu, cây mã đề có chứa hơn 20 hoạt chất hóa học có tác dụng dược lý. Ngoài ra, loại cây này cũng chứa nhiều khoáng chất như mangan, đồng, sắt, kẽm, magiê,...

Trong y học cổ truyền, cây mã đề có vị ngọt, tính lạnh, đi vào kinh can, thận, bàng quang, phế. Cây có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, trừ đờm, mát huyết, giải độc. Cây mã đề được dùng chủ trị các trường hợp phù thũng, thiểu niệu, tiểu buốt do nhiệt, tiêu chảy do nắng nóng, ẩm thấp, ho do đờm, nôn ra máu, chảy máu cam, mụn nhọt ngoài da. Nó còn có tác dụng làm tăng lượng nước tiểu, thải các chất độc trong thận ra ngoài.

Theo Healthline, nghiên cứu khoa học hiện đại đã chỉ ra các tác dụng sau của mã đề: 

Giảm viêm

Viêm mạn tính là nguyên nhân tiềm ẩn của nhiều bệnh lý, từ gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch cho tới ung thư. Một số nghiên cứu cho thấy cây mã đề có khả năng làm giảm viêm nhờ chứa các hợp chất tự nhiên, bao gồm:

Flavonoid Terpenoid Glycoside Tannin

Trà lá mã đề (Ảnh minh họa).

Một nghiên cứu năm 2015 trên chuột cho thấy chiết xuất mã đề giúp giảm các chỉ số viêm do tổn thương gan. Một nghiên cứu khác cũng ghi nhận mã đề có thể bảo vệ gan khỏi hư tổn.

Đáng chú ý, nghiên cứu trong ống nghiệm năm 2017 còn cho thấy hạt mã đề có thể làm chậm sự phát triển của một số tế bào ung thư. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo không nên xem mã đề là phương pháp điều trị ung thư, vì chưa có đủ nghiên cứu trên người.

Làm lành vết thương

Nghiên cứu trên động vật năm 2018 cho thấy mã đề có khả năng hỗ trợ làm lành vết thương nhờ giảm viêm, ức chế vi khuẩn và giảm đau.

Một nghiên cứu lâm sàng năm 2019 với 40 người tham gia cho thấy gel chứa nha đam và mã đề giúp cải thiện tình trạng loét chân. Cùng năm, một nghiên cứu trên động vật ghi nhận việc bôi hỗn hợp nha đam và mã đề giúp vết thương lành nhanh hơn và thúc đẩy tái tạo mô.

Cải thiện sức khỏe tiêu hóa

Hạt và lá cây mã đề chứa nhiều hoạt chất hữu ích cho hệ tiêu hóa. Đặc biệt, hạt mã đề chứa psyllium - một loại chất xơ có tác dụng hút nước và làm mềm phân, thường được dùng như thuốc nhuận tràng tự nhiên.

Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy lá mã đề có thể làm chậm nhu động ruột, từ đó giúp điều hòa tiêu hóa và cải thiện tình trạng tiêu chảy.

Nghiên cứu trên chuột năm 2011 cũng ghi nhận chiết xuất mã đề giúp chữa lành vết loét dạ dày. Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2016 cho thấy tác dụng chống viêm của mã đề có thể hỗ trợ điều trị các bệnh lý viêm ruột.

Mã đề khô (Ảnh minh họa).

Cách dùng mã đề

Tất cả các bộ phận của cây mã đề đều được sử dụng để làm thuốc. Ngoài ra, lá non của cây mã đề còn được dùng như một loại rau ăn. Bạn có thể dùng lá mã đề non làm salad, xào với thịt hoặc các nguyên liệu khác, nấu súp, nấu cháo.

Theo Healthline, đối với người trưởng thành khỏe mạnh, cây mã đề tươi thường không gây tác dụng phụ khi sử dụng. Tuy nhiên, các chế phẩm từ mã đề dưới dạng thực phẩm bổ sung lại có thể gây ra một số tác dụng phụ nhẹ như:

Buồn nôn Tiêu chảy Đầy bụng Dị ứng da

Ở liều cao, một số người thậm chí có thể gặp phản ứng nghiêm trọng hơn như sốc phản vệ.

Ngoài ra, các sản phẩm bổ sung chất xơ từ hạt mã đề có thể gây khó chịu đường tiêu hóa như:

Chướng bụng Đầy hơi Tức bụng, khó tiêu

Để hạn chế rủi ro, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Đồng thời, nên bắt đầu sử dụng các chế phẩm này với liều lượng nhỏ, tăng từ từ liều lượng và tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng từ bác sĩ. Nếu có dấu hiệu dị ứng, cần ngừng dùng ngay lập tức và xin tư vấn từ bác sĩ.