Bức ảnh sạp rau của mẹ cùng dòng tâm sự nhói lòng: “Mình thất nghiệp, mình không nuôi nổi mẹ”

Không muốn mẹ vất vả nhưng vì không có tiền nên cũng đành bất lực…

Khoảng 2 năm trở lại đây, có lẽ “thất nghiệp” và “cắt giảm nhân sự” là 2 từ khóa thường thấy nhất trong các cộng đồng tâm sự của dân văn phòng. Từ tập đoàn lớn tới công ty nhỏ, dường như đâu đâu cũng có vài đợt sa thải.

Với những người đột ngột mất việc, thứ khiến họ dằn vặt, cảm thấy bản thân là kẻ thất bại đôi khi không phải là câu hỏi “tiền đâu mà sống?” mà là “tiền đâu lo cho gia đình?”... Tâm sự của một người chồng, một người cha và cũng là một người con trong câu chuyện dưới đây là một trường hợp như vậy.

Không có tiền, bất lực nhìn mẹ dầm mưa dãi nắng đi chợ bán rau kiếm từng đồng lẻ

35 tuổi, vừa ly hôn và cũng vừa thất nghiệp, tài sản duy nhất là 1 căn nhà thì đã để lại cho vợ con, người đàn ông này bất lực vì hiện thực có phần cay đắng: 3,5 triệu tiền trợ cấp thất nghiệp hàng tháng không đủ để lo được cho mẹ…

“Công ty cắt giảm nhân sự, mình được lĩnh 7 tháng tiền trợ cấp thất nghiệp, mỗi tháng 3,5 triệu đồng. Mưa bão, mẹ mình vẫn đi ra ruộng hái rau để bán, mình muốn bảo mẹ đừng đi bán ngày mưa bão vì nguy hiểm, nhưng lại nhớ vài lần mẹ nói “không làm thì ai nuôi?”. Thực sự thấy nghẹn đắng, vì bản thân hiện tại không nuôi nổi mẹ” - Anh viết.

Bức ảnh sạp rau của mẹ cùng dòng tâm sự nhói lòng: “Mình thất nghiệp, mình không nuôi nổi mẹ”- Ảnh 1.

Bức ảnh được chia sẻ cùng bài đăng

Trong phần bình luận, nhiều người đồng cảm và động viên anh cố gắng. Không đi làm văn phòng thì đi chạy xe ôm, đi giao hàng, đều là công việc chân chính, kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình để lo cho gia đình, chẳng có gì phải ngại. Quan trọng là bản thân có chấp nhận vất vả để làm công việc tay chân hay không mà thôi.

“Em rất hiểu cảm giác của bác, tầm 2 năm trước em cũng có thời gian như vậy. Cảm thấy mình là người chồng, người con thất bại vì không lo nổi cho bố mẹ, cho gia đình nhỏ của mình. Bản thân em cũng đi làm văn phòng nên nghĩ tới việc dầm mưa dãi nắng kiếm vài đồng tiền lẻ, em cũng ái ngại nhưng lúc không còn lựa chọn nào khác thì phải chấp nhận thôi. Em chạy ship rồi làm xe ôm mất gần nửa năm trời thì mới tìm được việc, thu nhập mới ổn trở lại. Nên là cứ phải cố gắng thôi bác” - Một người chia sẻ.

“Còn mẹ và mẹ vẫn khoẻ là may mắn rồi bác ạ, nhìn vào điều đó để cố gắng thôi. Chứ cuộc đời mà ai cũng có đôi ba bận vật vã cả” - Một người động viên.

“Đang làm văn phòng thu nhập ổn mà đùng cái thất nghiệp thì shock lắm. Người không hiểu thì họ nghĩ mình lười biếng, không cố gắng nhưng cái mệt nhất chính là chấp nhận bỏ hết kinh nghiệm với bằng cấp đi để làm việc tay chân kiếm tiền. Trước em cũng thế mất gần 2 tháng trời, giờ thì ban ngày em đi bốc vác chuyển nhà thuê, tối em đi giao đồ ăn cho mấy quán ruột gần nhà, tháng cũng kiếm 20-21 triệu, đủ trang trải cho bản thân, gửi một ít về cho bố mẹ và tiết kiệm phòng thân 1 khoản nên là cứ kệ hết, kiếm tiền chân chính là được. Chúc bác sớm tự đả thông tư tưởng” - Một người khác bộc bạch.

Giữa làn sóng sa thải, đây là 3 việc phải làm ngay!

Nếu bạn vẫn đang có công việc, có một nguồn thu nhập ổn định hàng tháng, việc đầu tiên cần làm chắc chắn là trân trọng những gì mình đang có, và nỗ lực hoàn thành tốt những gì được giao. So với rất nhiều người đang thất nghiệp, vừa mới bị sa thải, những người có việc để làm và được trả đủ lương, hẳn là những người may mắn.

Nhưng đồng thời, bạn vẫn nên tự chuẩn bị cho mình một “plan B”, phòng trường hợp không mong muốn.

Bức ảnh sạp rau của mẹ cùng dòng tâm sự nhói lòng: “Mình thất nghiệp, mình không nuôi nổi mẹ”- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

1 - Chi tiêu ở mức tối thiểu, tiết kiệm và dự phòng tối đa

Đừng ỷ lại vào việc “thu nhập vẫn đang tốt mà” để vung tay quá trán, thờ ơ với việc xây dựng quỹ dự phòng và tiền tiết kiệm. Vì chẳng có gì chắc chắn trong tương lai gần, chúng ta vẫn còn duy trì được nguồn thu nhập như xưa. Tới lúc thu nhập giảm, hoặc thậm chí là không còn thu nhập, mà trong người lại chẳng còn tiền, cuộc sống sẽ ra sao?

Chỉ cần nghĩ thế thôi, bạn sẽ hiểu tại sao nên cắt giảm chi tiêu để tập trung xây dựng quỹ dự phòng và tiền tiết kiệm.

Nếu đã đang có thói quen tiết kiệm, dự phòng tiền bạc, cũng hãy cố duy trì và tăng thêm tỷ lệ “tiền để dành” hàng tháng. Chẳng có gì bất an và đáng sợ hơn việc đã không có thu nhập, còn không có cả tiền tiết kiệm lẫn tiền dự phòng. Việc này, nếu là người trưởng thành, đã đi làm và đang phải chăm lo cho gia đình, chắc hẳn ai cũng hiểu.

2 - Cố gắng đa dạng thu nhập

Giảm chi tiêu rồi thì cũng nên giảm thời gian thư giãn, vui chơi để tăng thời gian làm việc, kiếm tiền. Không phải tự nhiên mà người ta lại bảo “thời gian là vàng là bạc”.

Bức ảnh sạp rau của mẹ cùng dòng tâm sự nhói lòng: “Mình thất nghiệp, mình không nuôi nổi mẹ”- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Thời buổi khó khăn, hãy cố gắng làm nhiều nhất có thể, kiếm được thêm đồng nào hay đồng ấy. Ban ngày làm văn phòng, buổi tối có thể nhận thêm những công việc khác đúng sở trường để đa dạng hóa thu nhập, hoặc chạy xe ôm công nghệ, làm shipper,... Miễn sao, đừng để bản thân chỉ có một nguồn thu nhập là được.

Việc này không chỉ giúp bạn đảm bảo duy trì được tiền tiết kiệm và quỹ dự phòng, mà còn giống như một “chiếc phao” trong trường hợp không may mất đi công việc - nguồn thu nhập chính.

3 - Không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ

Trong bối cảnh làn sóng sa thải vẫn còn chưa lắng xuống và AI đang phát triển từng ngày như hiện tại, nếu cứ tặc lưỡi hài lòng với kinh nghiệm, kiến thức của bản thân mà không chịu học hỏi, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, khả năng bị thay thế, đào thải là rất lớn.

Học không bao giờ là thừa, dù đang ở độ tuổi nào đi chăng nữa. Bởi thế, đừng trì hoãn việc nâng cấp bản thân - theo mọi nghĩa. Đây cũng chính là việc “tự mua bảo hiểm cho bản thân”. Đợi đến lúc bị sa thải, đến khi thấy bản thân thực sự không có thế mạnh giữa hàng trăm những CV ứng tuyển khác, mới rục rịch đi học, thì có lẽ cũng đã là muộn mất rồi.