Vũ khí bí mật Made in China lộ diện: "Đội quân bóng tối" đưa thương chiến với Mỹ-Trung vào "trận địa mới"

Nhờ đội quân này, Trung Quốc sẽ có thể duy trì mức giá thấp cho nhiều mặt hàng xuất khẩu, tạo lợi thế đối phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại.

Chiến lược quốc gia của Trung Quốc

Vũ khí bí mật của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại chính là đội quân robot công nghiệp điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (AI), lực lượng đang tái định hình toàn bộ ngành sản xuất.

Các nhà máy trên khắp Trung Quốc đang tự động hóa với tốc độ nhanh chóng. Các kỹ sư và thợ điện quản lý đội robot và hoạt động tự động giúp giảm chi phí sản xuất đồng thời cải thiện chất lượng sản phẩm.

Nhờ đó, Trung Quốc có thể duy trì giá xuất khẩu ở mức thấp, tạo lợi thế khi đối phó mức thuế quan cao do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với các rào cản thương mại mới từ Liên minh châu Âu và các nước đang phát triển như Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Thái Lan.

Mức độ tự động hóa tại các nhà máy ở Trung Quốc hiện nay đã vượt xa Mỹ, Đức hoặc Nhật Bản. Theo Liên đoàn Robot quốc tế, Trung Quốc chỉ đứng sau Hàn Quốc và Singapore về mật độ robot nhà máy trên 10.000 công nhân sản xuất.

Đà bứt phá này không phải ngẫu nhiên: Bắc Kinh biến tự động hoá thành ưu tiên quốc gia và bơm những khoản đầu tư khổng lồ để hiện thực hoá. 

Quá trình tự động hóa của Trung Quốc được định hướng bằng chính sách và nhận được khoản đầu tư quy mô lớn. Khi robot thay thế người lao động, tự động hóa sẽ cho phép Trung Quốc tiếp tục thống trị sản xuất hàng loạt ngay cả khi lực lượng lao động của nước này già đi và mọi người ngày càng không muốn đảm nhận các công việc trong ngành công nghiệp.

He Liang — nhà sáng lập kiêm CEO của Yunmu Robotics, một trong những hãng chế tạo rô‑bốt hình người hàng đầu Trung Quốc — cho biết bước đi kế tiếp của Bắc Kinh là biến công nghệ robot thành một mũi nhọn kinh doanh mới.

"Tham vọng với robot hình người là lặp lại kỳ tích của ngành xe điện", ông nhận định. "Nói cách khác, đây chính là một chiến lược quốc gia".

Vũ khí bí mật Made in China lộ diện: "Đội quân bóng tối" đưa thương chiến với Mỹ-Trung vào "trận địa mới"- Ảnh 1.

Tại nhà máy lắp ráp ô tô Zeekr ở Ninh Ba, robot phân loại ốc trước khi lắp ráp. Ảnh: NYT

Trung Quốc nỗ lực đẩy mạnh tự động hóa

Robot không chỉ thay thế công nhân trong các nhà máy ô tô mà còn thay thế công nhân tại hàng nghìn xưởng nhỏ trên khắp Trung Quốc.

Elon Li có một xưởng sản xuất Quảng Châu, một trung tâm thương mại ở phía đông nam Trung Quốc, đã tuyển dụng 11 công nhân cắt và hàn kim loại để sản xuất lò nướng và thiết bị nướng giá rẻ. 

Hiện tại, anh đang lên kế hoạch đầu tư hơn 290.000 NDT để mua một cánh tay robot tích hợp camera từ một công ty trong nước tại Trung Quốc. Thiết bị này ứng dụng AI để quan sát quá trình công nhân hàn các bộ phận của lò nướng, sau đó tự động tái hiện các thao tác đó với sự can thiệp tối thiểu từ con người.

Chỉ bốn năm trước, những hệ thống tương tự chỉ có thể nhập khẩu từ các hãng robot nước ngoài với mức giá gần 1 triệu NDT. "Trước đây, tôi thậm chí không thể hình dung nổi – công nhân chỉ làm việc được 8 tiếng mỗi ngày, còn giờ đây, máy móc có thể hoạt động suốt 24 giờ liên tục", Li chia sẻ.

Ngày càng có nhiều tập đoàn lớn đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ tự động hóa.

Khi vừa khánh thành cách đây bốn năm, nhà máy quy mô lớn của hãng xe điện Trung Quốc Zeekr tại Ninh Ba đã được trang bị 500 robot. Đến nay, con số đó đã tăng lên 820 và công ty còn có kế hoạch tiếp tục mở rộng đội robot của mình.

Trong nhà máy, những chiếc xe tải sàn phẳng tự hành di chuyển nhịp nhàng, phát nhạc Kenny G để cảnh báo công nhân xung quanh về sự hiện diện của chúng. Chúng vận chuyển các tấm nhôm đến thang máy tự động, nơi sẽ đưa vật liệu lên lò nung cao 12 mét, với cỗ máy bên dưới được sản xuất ngay tại Trung Quốc. Sau khi nhôm được nấu chảy, hệ thống sẽ đúc thành các tấm thân xe và nhiều linh kiện khác. Các xe tải tự hành và đôi khi cả xe nâng thủ công sẽ tiếp tục chuyển những bộ phận này vào kho.

Những robot khác đảm nhận việc vận chuyển các tấm pin đến dây chuyền lắp ráp, nơi hàng trăm cánh tay robot phối hợp nhịp nhàng, theo nhóm lên đến 16 chiếc, để hàn pin vào thân xe bằng những chuyển động phức tạp tựa như một điệu nhảy công nghiệp. Khu vực này được gọi là “nhà máy bóng tối” – nơi robot hoạt động hoàn toàn tự động, không cần ánh sáng và gần như không cần sự can thiệp của con người.

Tuy vậy, các nhà máy tại Trung Quốc vẫn dựa vào lực lượng lao động lớn. Dù quy trình đã được tự động hóa phần lớn, công nhân vẫn đóng vai trò then chốt trong việc kiểm tra chất lượng và thực hiện những công đoạn đòi hỏi sự tinh tế của bàn tay con người như lắp ráp dây điện ô tô. Một số nhiệm vụ vẫn nằm ngoài khả năng của camera và máy tính. Trước khi xe được sơn, công nhân đeo găng tay vẫn phải dùng giấy nhám để làm mịn các khuyết điểm nhỏ trên thân xe – một công đoạn mà máy móc chưa thể thay thế.

Tuy nhiên, một số bước kiểm soát chất lượng tiếp theo cũng đang dần được tự động hóa nhờ vào trí tuệ nhân tạo.

Ở cuối dây chuyền lắp ráp của Zeekr, hàng chục camera có độ phân giải cao liên tục chụp ảnh từng chiếc xe hoàn thiện. Những hình ảnh này sau đó được hệ thống máy tính phân tích và đối chiếu với cơ sở dữ liệu gồm hàng loạt mẫu xe đã được lắp ráp chuẩn xác. Nếu phát hiện bất kỳ sai lệch nào, hệ thống sẽ lập tức cảnh báo cho công nhân. Toàn bộ quá trình này diễn ra chỉ trong vài giây – nhanh chóng, chính xác và gần như không cần sự can thiệp của con người.

"Hầu hết công việc của chúng tôi giờ chỉ là ngồi trước màn hình máy tính", Pinky Wu, một nhân viên tại Zeekr, chia sẻ.

Zeekr, cùng với nhiều hãng ô tô Trung Quốc khác, đang tích cực ứng dụng trí tuệ nhân tạo không chỉ trong sản xuất mà còn trong việc thiết kế xe và tối ưu hóa các chức năng bên trong.

Nhà thiết kế Carrie Li làm việc tại văn phòng mới của Zeekr ở Thượng Hải, nơi cô sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích cách các bề mặt khác nhau giao nhau bên trong ô tô.

Tại văn phòng mới của Zeekr ở Thượng Hải, nhà thiết kế Carrie Li đang sử dụng AI để phân tích cách các bề mặt nội thất bên trong xe. "Tôi có nhiều thời gian hơn để sáng tạo và khám phá những xu hướng thời trang có thể truyền cảm hứng cho thiết kế nội thất ô tô", Li cho biết.

Vũ khí bí mật Made in China lộ diện: "Đội quân bóng tối" đưa thương chiến với Mỹ-Trung vào "trận địa mới"- Ảnh 2.

Các cánh tay robot trong nhà máy Zeekr đang hoạt động rất bận rộn. Ảnh: NYT

Thách thức với Mỹ

Các nhà máy ô tô tại Mỹ cũng sử dụng thiết bị tự động, nhưng phần lớn những thiết bị này lại có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong suốt hai thập kỷ qua, phần lớn các nhà máy lắp ráp ô tô mới trên toàn cầu được xây dựng tại Trung Quốc, góp phần hình thành nên một hệ sinh thái công nghiệp tự động hóa rộng lớn và mạnh mẽ.

Không dừng lại ở đó, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc còn mua lại các nhà cung cấp robot tiên tiến từ nước ngoài – điển hình là thương vụ thâu tóm Kuka (Đức) và sau đó chuyển phần lớn hoạt động về trong nước. Khi nhà máy sản xuất xe điện của Volkswagen tại Hợp Phì bắt đầu đi vào vận hành cách đây một năm, chỉ có duy nhất một robot được nhập khẩu từ Đức, trong khi 1.074 robot còn lại đều được sản xuất ngay tại Thượng Hải.

Sự phát triển vượt bậc của ngành robot công nghiệp tại Trung Quốc không phải ngẫu nhiên, mà là kết quả của chiến lược được hoạch định từ cấp cao. Cách đây một thập kỷ, chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch Made in China 2025, trong đó xác định 10 ngành mũi nhọn cần đạt được vị thế cạnh tranh toàn cầu – và công nghệ robot là một trong những lĩnh vực trọng tâm.

Chẳng hạn, để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô khám phá tiềm năng của robot hình người với hai tay, hai chân, năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu các hãng sản xuất ô tô lớn thuê thử nghiệm một số robot loại này. Các công ty sau đó quay video cảnh robot thực hiện nhiệm vụ trong dây chuyền lắp ráp và gửi về cho cơ quan chức năng như một phần của nỗ lực thúc đẩy áp dụng công nghệ mới.

Nhằm thể hiện quyết tâm thúc đẩy tự động hóa, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã tổ chức một cuộc chạy bán marathon vào thứ Bảy (19/4), quy tụ 12.000 vận động viên cùng với 20 robot hình người tham gia tranh tài. Dù chỉ có sáu robot hoàn thành toàn bộ chặng đua, sự kiện vẫn thu hút sự chú ý lớn và góp phần quảng bá mạnh mẽ cho ngành robot.

Tháng trước, trong báo cáo công tác chính phủ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhấn mạnh rằng một trong những trọng tâm của năm nay là "phát triển mạnh mẽ" lĩnh vực robot thông minh. Cùng với đó, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đã công bố một quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia trị giá 1.000 tỷ NDT, nhằm hỗ trợ phát triển robot, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiên tiến khác.

Trong vòng bốn năm qua, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã giải ngân thêm 13,6 nghìn tỷ NDT dưới dạng các khoản vay bổ sung, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp xây dựng nhà máy mới và hiện đại hóa cơ sở sản xuất hiện có.

Mỗi năm, các trường đại học tại Trung Quốc đào tạo khoảng 350.000 kỹ sư cơ khí, cùng với một lực lượng lớn thợ điện, thợ hàn và kỹ thuật viên chuyên ngành – tạo nên nguồn nhân lực dồi dào để phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa và tự động hóa.

Trong khi đó, các trường đại học ở Mỹ đào tạo khoảng 45.000 kỹ sư cơ khí mỗi năm.

Jonathan Hurst, đồng sáng lập kiêm giám đốc công nghệ của Agility Robotics – một trong những công ty robot hàng đầu của Mỹ – thừa nhận rằng việc tuyển dụng nhân sự kỹ thuật trình độ cao là một trong những thách thức lớn nhất mà ông đang đối mặt. 

Ông chia sẻ rằng, khi còn là nghiên cứu sinh tại Viện Robot của Đại học Carnegie Mellon (Pittsburgh, Pennsylvania), ông chỉ là một trong hai sinh viên theo học chuyên ngành kỹ thuật cơ khí sau đại học.

Link nội dung: https://tamnhindautu.vn/vu-khi-bi-mat-made-in-china-lo-dien-doi-quan-bong-toi-dua-thuong-chien-voi-my-trung-vao-tran-dia-moi-a61845.html