Bị ngân hàng kiện đòi trả khoản vay hơn 10 tỷ đồng, người đàn ông khẳng định chưa nhận được tiền nhưng tòa án tuyên bố: “Vẫn phải thanh toán”

Cứ ngỡ hồ sơ vay đã bị ngân hàng từ chối, 4 năm sau, người đàn ông Trung Quốc nhận được tin sốc.

Năm 2023, Từ Lâm, một người đàn ông 34 tuổi đến từ huyện Tạc Thủy, thành phố Thương Lạc, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, bất ngờ nhận được giấy triệu tập từ tòa án địa phương. Nội dung cho biết anh có một khoản vay 2,9 triệu NDT (hơn 10,3 tỷ đồng) từ năm 2019 đã được ngân hàng phê duyệt và giải ngân nhưng mãi chưa hoàn trả. Vì vậy, phía ngân hàng đã khởi kiện và yêu cầu anh trả lại số tiền trên cùng với mức lãi tương ứng.

Anh Từ vô cùng ngạc nhiên khi nhận được thông tin này. Người đàn ông này cho biết vào ngày 28/2/2019, anh từng nộp hồ sơ vay 2,9 triệu NDT tại Ngân hàng Thương mại Nông thôn Tạc Thủy để phục vụ cho một dự án xây dựng trị giá hơn 12 triệu NDT. Ngày 14/3/2019, anh ký "Hợp đồng vay cá nhân" và "Hợp đồng bảo lãnh". Sau khi ký hợp đồng, nhân viên ngân hàng đã giữ lại thẻ ngân hàng và mật khẩu tài khoản của anh với lý do giám sát khoản vay, sau đó yêu cầu anh về nhà chờ thông báo giải ngân.

Tuy nhiên thời gian sau đó, anh Từ không nhận được thông tin nào về khoản vay này nên cho rằng ngân hàng từ chối cấp vốn. Mãi đến năm 2023, khi nhận được giấy triệu tập của tòa án, người đàn ông này mới biết khoản vay đã được giải ngân ngay trong ngày 14/3/2019. Tuy nhiên, số tiền trên được chuyển cho một người có tên là Thái Bằng chứ không phải anh.

Theo hồ sơ vụ kiện do Ngân hàng thương mại nông thôn Tạc Thủy để đệ trình, hồ sơ vay của anh Từ bao gồm: Chứng minh thư của anh và vợ; Giấy chứng nhận kết hôn; Đơn xin vay; Hợp đồng vay, hợp đồng bảo lãnh; Biên lai chuyển tiền; Chứng minh thư của hai người bảo lãnh. Bên cạnh đó, các tài liệu cho thấy mục đích vay của anh Từ là "luân chuyển vốn cho dự án trị giá 12 triệu NDT". Tuy nhiên, điều bất thường là không có tài sản thế chấp nào được ghi nhận, và hợp đồng dự án trị giá 12 triệu NDT mà người này đề cập cũng không được thể hiện trong các giấy tờ bảo lãnh.

Sau khi tìm hiểu, anh Từ biết được số tiền 2,9 triệu NDT mà anh vay ngân hàng đã được chuyển từ tài khoản của anh sang tài khoản của người có tên Thái Bằng vào ngày 14/3/2019. Theo sao kê ngân hàng, từ ngày 15 đến 17/3/2019, toàn bộ khoản tiền chuyển sang tài khoản Thái Bằng đã được rút hết, bao gồm: 761.600 NDT trả lãi cho hai công ty của cha anh; 73.000 NDT chi tại một đại lý ô tô ở Tây An; 3.225 NDT mua bảo hiểm và hơn 2 triệu NDT còn lại không rõ mục đích, chỉ ghi là “chi phí khác”.

Bị ngân hàng kiện đòi trả khoản vay hơn 10 tỷ đồng, người đàn ông khẳng định chưa nhận được tiền nhưng tòa án tuyên bố: “Vẫn phải thanh toán”- Ảnh 1.

Ảnh: News.qq

Anh Từ khẳng định chữ ký trên biên lai chuyển tiền không phải là chữ ký của mình, và cho đến thời điểm đó, anh vẫn không biết Thái Bằng là ai, đồng thời cũng chưa từng có bất kỳ giao dịch nào với người này.

Về vấn đề này, đại diện ngân hàng liên quan cho biết các khoản lãi vay chậm trả của hai công ty do Từ Thái - cha của anh Từ đứng tên từng được thanh toán bằng thẻ mang tên anh. Do đó, họ cho rằng anh Từ có khả năng trả nợ. Đơn vị này cũng xác nhận rằng người ký trên giấy chuyển tiền là nhân viên ngân hàng. Nhân viên này làm vậy vì đã nhận được “giấy ủy quyền” từ anh Từ. Tuy nhiên, anh Từ phủ nhận hoàn toàn việc đã từng ủy quyền cho người khác.

Với vụ việc này, theo Bản án dân sự số (2023) Thiểm Tây 1026, số 314 của Tòa án huyện Tạc Thủy xác định khoản vay 2,9 triệu NDT do anh Từ đứng tên được dùng để trả lãi ngân hàng cho hai công ty của cha anh. Dù không trực tiếp nhận tiền, tòa vẫn buộc anh Từ phải hoàn trả toàn bộ khoản vay và lãi phát sinh. Phía hai công ty liên quan cũng xác nhận khoản vay được thực hiện với sự đồng ý của anh Từ và vợ, nhưng đề nghị ngân hàng miễn hoặc giảm lãi. Anh Từ không đồng tình với phán quyết này của tòa nhưng không kháng cáo kịp thời nên bản án đã có hiệu lực.

Về vụ việc này, Luật sư Triệu Lương Sơn thuộc một Công ty Luật ở Thiểm Tây nhận định có nhiều vi phạm trong quy trình cho vay của ngân hàng liên quan như: Không có tài sản thế chấp hợp pháp; Dự án 12 triệu NDT không được ghi rõ trong giấy tờ bảo lãnh; Nhân viên ngân hàng ký thay người vay; Tiền vay không sử dụng đúng mục đích đã cam kết. Theo luật pháp Trung Quốc, nếu ngân hàng cấp khoản vay không đúng quy định, họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm pháp lý, kể cả bị xử phạt, tịch thu lợi nhuận, hoặc truy cứu hình sự nếu có gian lận.

Luật sư này khẳng định nếu hợp đồng vay vô hiệu, anh Từ sẽ không phải chịu trách nhiệm trả nợ. Trách nhiệm thuộc về ngân hàng và các cá nhân liên quan. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật dân sự Trung Quốc, bên vay không có ủy quyền hợp lệ thì hành động tự ý chuyển tiền của ngân hàng là sai. Dù tòa án địa phương đã tuyên án, nhưng theo luật sư này, với nhiều chi tiết chưa rõ ràng, vụ việc này cần được điều tra lại để làm rõ trách nhiệm của ngân hàng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Dẫu vậy cho đến nay vẫn chưa có thêm thông tin về vụ việc.

 (Theo News.qq)


 

Link nội dung: https://tamnhindautu.vn/bi-ngan-hang-kien-doi-tra-khoan-vay-hon-10-ty-dong-nguoi-dan-ong-khang-dinh-chua-nhan-duoc-tien-nhung-toa-an-tuyen-bo-van-phai-thanh-toan-a62385.html