Bất ngờ vũ khí "Made in Vietnam" diễu binh: Ngôi sao đưa Việt Nam vươn mình, chuyên gia Nga rất muốn thử

Việt Nam đã phát triển và sản xuất được nhiều mẫu vũ khí có tính năng kỹ chiến thuật không thua kém sản phẩm của các nước phát triển.

Tự hào vũ khí “Made in Vietnam” trong lễ diễu binh

Theo báo Tuổi Trẻ, một trong những loại vũ khí đáng chú ý nhất của Việt Nam tại lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) vừa qua chính là loạt súng STV do Viện Vũ khí thiết kế và Nhà máy Z111 sản xuất.

Các biến thể của STV (viết tắt của Súng tiểu liên Việt Nam) đã đồng loạt xuất hiện trên tay các khối diễu binh vũ trang tại sự kiện.

Nổi bật nhất là mẫu STV-215, trang bị cho lực lượng tăng thiết giáp và khối nữ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình. Bên cạnh đó, mẫu STV-022 được biên chế cho lực lượng đặc công, còn mẫu STV-380 là vũ khí tiêu chuẩn của lực lượng lục quân.

Bất ngờ vũ khí "Made in Vietnam" diễu binh: Ngôi sao đưa Việt Nam vươn mình, chuyên gia Nga rất muốn thử- Ảnh 1.

Các mẫu súng STV do Việt Nam sản xuất trong lễ duyệt binh ngày 30/4. Ảnh: Minh Hoàng-Đắc Huy/VTC News

Báo Quân đội Nhân dân cho biết, các mẫu súng STV “Made in Vietnam” trước đó từng xuất hiện tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2024 tổ chức vào tháng 12 tại Hà Nội, thu hút đông đảo quan khách trong và ngoài nước.

Súng STV được phát triển dựa trên mẫu Galil ACE của tập đoàn IWI (Israel) theo hợp đồng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Từ năm 2022, một số đơn vị quân đội đã bắt đầu tiếp nhận các phiên bản của dòng súng này để dần thay thế súng tiểu liên AK – vốn đã gắn bó nhiều thập kỷ với bộ đội Việt Nam.

Nhà máy Z111 hiện sản xuất nhiều biến thể khác nhau của súng STV. Điểm chung của dòng súng này là sử dụng đạn cỡ 7,62x39mm, tương thích với mọi loại băng đạn tiêu chuẩn của AK-47/AKM.

Súng được thiết kế với cần lên đạn nằm ở cạnh phải, cần gạt giống kiểu AK truyền thống, tay súng và ốp lót tay bằng polymer, báng súng có thể gập gọn giúp thao tác thuận tiện.

Bất ngờ vũ khí "Made in Vietnam" diễu binh: Ngôi sao đưa Việt Nam vươn mình, chuyên gia Nga rất muốn thử- Ảnh 2.

Gian trưng bày súng bộ binh, trong đó có súng tiểu liên STV của Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2024. Ảnh: Minh Anh/Quân đội Nhân dân

Việt Nam đã tự chủ được toàn bộ khâu sản xuất súng STV

Theo phóng sự “Việt Nam tự chủ sản xuất súng bộ binh” của Đài VTV4 năm 2022, Nhà máy Z111 đã tự chủ hoàn toàn tất cả các công đoạn sản xuất súng STV. Dòng súng này được Viện Vũ khí và Nhà máy Z111 phối hợp cải tiến, sửa đổi từ hai mẫu Galil ACE 31 và ACE 32 do Israel cung cấp, chuyển giao công nghệ.

Ngay từ tháng 4/2014, Nhà máy Z111 đã hoàn thành dây chuyền sản xuất súng Galil. Tuy nhiên, trong quá trình nghiệm thu và sử dụng, nhà máy nhận thấy một số chi tiết của mẫu súng Israel chưa thực sự phù hợp với bộ đội Việt Nam – chẳng hạn như tay cầm to, khó cầm chắc, hay hệ thống gập báng quá nặng.

Vì vậy, súng STV-125 của Việt Nam đã được cải tiến với phần báng súng nhẹ hơn, khóa an toàn được điều chỉnh giống như súng AK để bộ đội dễ dàng thao tác. Đáng chú ý, những cải tiến này không làm ảnh hưởng đến tính năng của bản gốc mà chỉ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bộ đội Việt Nam trong tác chiến.

Quy trình sản xuất tỉ mỉ, hiện đại

Dây chuyền sản xuất súng STV và các mẫu súng khác tại Nhà máy Z111 trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ.

Bước đầu tiên là tạo phôi đúc: dựa trên bản vẽ thiết kế, hệ thống máy móc hiện đại sẽ làm ra các chi tiết súng bằng sáp dễ nóng chảy. Các chi tiết sáp này sau đó được đưa vào phân xưởng tạo vỏ bọc, trải qua các thùng nước thủy tinh và được rắc cát thạch anh để tạo ra lớp vỏ gốm cứng.

Khi làm nóng khuôn để loại bỏ sáp, người ta sẽ thu được khuôn gốm rỗng dùng để chứa thép nóng chảy. Tại phân xưởng đúc, thép nóng chảy được đổ vào các khuôn gốm này để tạo ra chi tiết súng.

Trước khi rót thép, khung gốm cũng được nung nóng đến nhiệt độ bằng thép nóng chảy, nhằm tránh hiện tượng giãn nở không đồng đều do chênh lệch nhiệt độ – yếu tố có thể ảnh hưởng đến độ bền của chi tiết.

Trong toàn bộ quy trình, chi tiết khó nhất – được coi là công nghệ cốt lõi – chính là chế tạo nòng súng với độ bền cao và tiện được rãnh xoắn. Hiện nay, với dây chuyền hiện đại, Nhà máy Z111 đã tự chủ hoàn toàn việc sản xuất nòng súng bộ binh các loại.

Bất ngờ vũ khí "Made in Vietnam" diễu binh: Ngôi sao đưa Việt Nam vươn mình, chuyên gia Nga rất muốn thử- Ảnh 3.

Dây chuyền sản xuất súng bộ binh tại nhà máy Z111. Ảnh: Quốc phòng Việt Nam

Ngoài ra, một số chi tiết bằng thép của súng, như băng đạn, lò xo, nắp hộp khóa nòng, sẽ được gia công bằng kỹ thuật cơ khí nguội. Đáng chú ý, súng STV dùng chung băng đạn và loại đạn với AK-47 – mẫu súng tiêu chuẩn của quân đội Việt Nam – mang lại lợi thế rất lớn trong công tác hậu cần.

Sau khi hoàn thiện, tất cả các chi tiết sẽ được đưa đến bộ phận kiểm tra chất lượng bằng máy laser tự động để loại bỏ sản phẩm lỗi hoặc sai kích thước (nếu có).

Ở giai đoạn tổng lắp, công nhân nhà máy lắp ráp các bộ phận thành khẩu súng hoàn chỉnh, đồng thời cân chỉnh thước ngắm và lắp thêm các phụ kiện như đèn pin chiến thuật, kính ngắm laser điểm đỏ (nếu khách hàng yêu cầu).

Cuối cùng, tất cả súng sẽ được đưa đi kiểm tra bắn trước khi chuyển vào kho. Hiện nay, súng STV đã được sản xuất hàng loạt với số lượng lớn.

Chế tạo súng bằng phương pháp đúc là công nghệ tiên tiến, tiết kiệm hơn so với gia công cơ khí truyền thống. Dây chuyền đúc của Nhà máy Z111 được trang bị loạt thiết bị hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài.

Trong quá trình vận hành, các cán bộ kỹ thuật của nhà máy cũng đóng góp nhiều sáng kiến cải tiến mang lại hiệu quả cao.

Không thua kém sản phẩm nước ngoài

Với sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng, Việt Nam đã phát triển và sản xuất được nhiều mẫu vũ khí có tính năng kỹ chiến thuật không thua kém sản phẩm của các nước phát triển.

STV chỉ là một trong số rất nhiều “ngôi sao” đang đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên tự chủ chế tạo quốc phòng.

Tờ Defense24.pl (Ba Lan) đánh giá, những sản phẩm quốc phòng “Made in Vietnam” đã khiến cả đối tác quốc tế lẫn người dân trong nước không khỏi bất ngờ, liên tục đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Giờ đây, “Make in Vietnam” không còn chỉ là một khẩu hiệu, mà đã trở thành hiện thực rõ ràng, minh chứng cho khả năng tự chủ, đáp ứng nhu cầu quốc nội, và thậm chí vươn ra thị trường quốc tế.

Bất ngờ vũ khí "Made in Vietnam" diễu binh: Ngôi sao đưa Việt Nam vươn mình, chuyên gia Nga rất muốn thử- Ảnh 4.

Súng tiểu liên STV-022 tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2024. Ảnh: Minh Anh/Quân đội Nhân dân

Chuyên gia Nga rất muốn thử súng do Việt Nam chế tạo

Trong bài viết đăng trên trang tin TheFirearmBlog.com ngay từ tháng 7/2020, chuyên gia vũ khí nổi tiếng người Nga Vladimir Onokoy – từng sang Việt Nam tham dự triển lãm DSE Vietnam tháng 10/2019 và là người vô cùng am hiểu dòng súng AK – đã dành những nhận xét tích cực cho mẫu súng STV do Việt Nam chế tạo.

Ông nhận định, các mẫu STV-215 và STV-380 của Việt Nam đã có nhiều điều chỉnh so với thiết kế gốc. Cụ thể, tay kéo bệ khóa nòng vốn nằm bên trái trên phiên bản ban đầu đã được chuyển sang bên phải, giống thiết kế dòng AK.

Ngoài ra, Việt Nam bỏ đi hai nút chuyển chế độ bắn ở hai bên thân súng kiểu Galil ACE, thay thế bằng cần gạt chọn chế độ bắn kiểu AK đặt bên phải.

Phần báng súng có thể điều chỉnh của Galil ACE nguyên bản cũng được thay bằng báng cố định, lấy cảm hứng từ các mẫu Galil đời cũ hoặc FN FAL Para. Phần ốp lót tay đã loại bỏ các ray Picatinny hai bên, mang dáng vẻ như một phiên bản hiện đại hóa của ốp lót Galil thập niên 1970.

Trong bài viết mới nhất vào tháng 2/2025, ông Onokoy tiếp tục dành lời khen cho mẫu STV-022 của Việt Nam. Theo vị chuyên gia, với những sửa đổi đặc biệt, STV-022 luôn thu hút sự chú ý mỗi lần xuất hiện trên truyền thông.

Ông nhận xét, súng trường do Nhà máy Z111 chế tạo trông rất đẹp mắt, thẩm mỹ cao và bày tỏ hy vọng có dịp tự mình thử nghiệm loại súng trường tiêu chuẩn mới của quân đội Việt Nam.

“Thật thú vị khi thấy Việt Nam có cách tiếp cận khác biệt so với nhiều quốc gia khác” – ông Onokoy nhận định.

Link nội dung: https://tamnhindautu.vn/bat-ngo-vu-khi-made-in-vietnam-dieu-binh-ngoi-sao-dua-viet-nam-vuon-minh-chuyen-gia-nga-rat-muon-thu-a63103.html