Một chuyên giáo dục chia sẻ: “Cảm giác chừng mực là một trong những dấu hiệu của sự trưởng thành”. Việc giáo dục con cái cũng vậy.
Đôi khi, chính các bậc cha mẹ cũng cần thường xuyên nắm rõ vị trí và ranh giới giữa mình và con. Tuy nhiên, trong cuộc sống thực tế, cha mẹ thường can thiệp quá mức, thậm chí bao bọc con cái trong mọi việc... Mà không biết rằng, điều đó lại không có lợi cho sự trưởng thành của con.
Muốn con thực sự trưởng thành, cha mẹ cần biết nắm giữ chừng mực; phải “nhẫn” lại sự thôi thúc muốn làm thay con, để con tự hoàn thành công việc của mình.
Trong 3 việc sau đây, cha mẹ càng biết “nhẫn”, con càng lớn lên sẽ càng tự giác và xuất sắc.
1. Nhẫn nhịn khi con chần chừ, lề mề
Trong cuộc sống, có những đứa trẻ luôn tỏ ra chậm chạp, lề mề. Ví dụ: Buổi sáng ngủ nướng, cha mẹ phải mất cả buổi mới gọi dậy được; buổi tối làm bài tập, đáng lẽ 8 giờ là xong, nhưng con cứ dây dưa đến tận 10 giờ.
Một người mẹ từng nói: “Mỗi tối đến giờ làm bài tập là tôi phải mở ra một cuộc chiến kiên nhẫn với con. Viết chữ mà mỗi nét mất cả phút, ra uống nước cũng mất 5 phút, nhìn thôi đã sốt ruột!”.
Gặp trường hợp như vậy, cha mẹ thường rất sốt ruột, không nhịn được mà thúc giục, thậm chí mắng mỏ. Nhưng càng thúc giục, con lại càng chậm. Con càng chậm, cha mẹ càng sốt ruột – một vòng luẩn quẩn tiêu cực hình thành.

Ảnh minh họa
Thực ra, khi cha mẹ thúc giục quá mức, con sẽ nghĩ rằng: “Những việc này không phải là việc của mình, mà là việc cha mẹ bắt phải làm”. Cha mẹ càng giành lấy những việc thuộc về con, con càng mất động lực, dần hình thành thói quen ỷ lại…
“Dù sao cũng có ba mẹ lo, ba mẹ còn tích cực hơn mình”, con sẽ nghĩ như vậy.
Vậy khi đối diện với sự lề mề của con, cha mẹ nên làm gì?
Bí quyết chỉ có 4 chữ: “Nhẫn lại, đừng giục”.
Khi con lề mề, hãy để con tự chịu hậu quả của việc đó. Ngủ muộn thì để con cảm nhận sự mệt mỏi hôm sau. Lề mề làm bài không xong thì để con bị cô giáo phê bình. Ra khỏi nhà muộn thì để con tự chịu phạt...
Chỉ khi con thật sự quan tâm đến việc của chính mình, không cần cha mẹ thúc đẩy từ bên ngoài, con mới phát triển động lực nội tại.
Khi con nghiêm túc làm việc của mình, sẽ tự nhiên hình thành ý thức về thời gian, tạo nên thói quen tốt và trở nên tự giác hơn.
2. Nhẫn lại, đừng can thiệp
Hiện nay, nhiều đứa trẻ lớn lên trong sự nuông chiều của cha mẹ.
Sợ con bị đau, sợ con ngã, việc gì cũng lo chu toàn, đến mức không nhịn được mà can thiệp mọi chuyện. Khi con phản kháng, cha mẹ thường có một lý do “không thể chối cãi”: “Ba/mẹ làm vậy là vì muốn tốt cho con”,
Nhưng không biết rằng, kiểu yêu thương này dễ khiến cha mẹ trở thành người kiểm soát.
Nếu một người mẹ đỡ con tập đi để con không bước ra khỏi cửa, đó là bảo vệ. Nhưng nếu sau 10 năm vẫn làm vậy, thì đó là kiểm soát quá mức. Khi con sẵn sàng tự làm việc gì, tự hành động mà không cần người lớn giúp đỡ, cha mẹ hãy nhẫn lại, đừng can thiệp – để con tự khám phá.
Nhà giáo dục Xô viết Sukhomlinsky từng nói: “Những việc mà trẻ muốn tự làm trong quá trình trưởng thành, nên để chúng tự làm. Hãy tạo môi trường phát triển tự do để giúp trẻ trưởng thành tốt hơn”.
Cha mẹ làm quá nhiều sẽ kìm hãm sự trưởng thành của con. Ngược lại, cha mẹ buông tay đúng lúc sẽ chắp cánh cho con bay cao hơn.
Trong thực tế, không thiếu bi kịch giáo dục do cha mẹ can thiệp quá mức: Tiến sĩ 48 tuổi du học về vẫn ăn bám cha mẹ, học sinh cấp 2 vẫn không biết gấp chăn,...
Thực tế cho thấy: Cha mẹ can thiệp quá nhiều, con cái chỉ càng có thêm vấn đề: Khả năng tự lập kém, chỉ số vượt khó thấp (vượt qua khó khăn, thách thức trong cuộc sống) và thiếu chính kiến.
Hãy nhẫn lại, đừng can thiệp – con sẽ giỏi hơn cha mẹ tưởng!
3. Nhẫn lại cơn nóng giận dễ bùng phát
Một nhà tâm lý từng kể câu chuyện: Một bé gái 5 tuổi không chịu nói chuyện với cha mẹ, chỉ thường tự nói chuyện với chú gấu bông. Cha mẹ nói gì bé cũng chỉ đáp: “Ừ, biết rồi, vâng”. Không thêm một lời.
Cha mẹ lo bé bị trầm cảm, đưa bé đi khám khắp nơi. Sau thời gian điều trị, bé nói một câu khiến cha mẹ vô cùng hối hận: “Vì gấu bông sẽ không mắng con”.
Hóa ra, mẹ bé nóng tính, thường xuyên ngắt lời và chỉ trích bé mà không nghe hết câu.
Khi bé gọi mẹ, mẹ đáp: “Đừng làm phiền, tự chơi đi”. Bé chơi đau, khóc gọi mẹ – mẹ nói: “Khóc gì mà khóc?”, “Sao mà ngốc thế!”.
Để không bị mẹ mắng, bé dần tránh xa, không còn nói chuyện với mẹ, rồi cũng không muốn nói với ai, chỉ thu mình, tâm sự với gấu bông.
Chúng ta có từng vì những chuyện nhỏ nhặt mà “theo thói quen” phán xét con, hiểu sai hành động của con?
Tại sao không dành vài phút để nghe con nói hết?
Một phụ huynh từng kể: Đi siêu thị, mua hai bắp ngô ngọt. Về đến nhà, gọi con và bà ra ăn. Con cắn một bắp rồi đặt xuống, sau đó cắn thêm bắp kia.
Bà mẹ tức giận quát: “Sao lại không biết điều thế? Mẹ dạy con chia sẻ cơ mà!”. Con sợ đến tái mặt, lí nhí nói: “Con chỉ muốn ngửi xem bắp nào thơm hơn…”.
Mẹ càng giận: “Con chỉ nghĩ cho mình, ích kỷ quá!”.
Bà vội vàng nói: “Bà ăn không được đâu, con ăn hết đi”.
Nghe vậy, bé gái bật khóc: “Răng bà yếu, con cắn thử xem bắp nào mềm, ngửi thử bắp nào thơm nhất để đưa bà…”.
Cha mẹ yêu con nhưng lại hiếm khi thật sự lắng nghe con. Khi lời giải thích của con luôn bị cắt ngang; lhi suy nghĩ của con chẳng bao giờ được nói ra thì con chỉ còn cách chọn im lặng và vâng lời.
Đó là sự cô đơn và bất lực của một đứa trẻ.
Vì vậy, khi con mang bài kiểm tra 5 điểm về, đừng vội mắng – hãy lắng nghe con tự phân tích. Khi con khóc lóc về nhà, đừng trách mắng – hãy nghe con kể chuyện gì đã xảy ra.
Làm cha mẹ là quá trình tu dưỡng không ngừng – hãy học cách kiềm chế cơn giận dễ bùng nổ!
Yêu con, phải tính đến chuyện lâu dài. Chúng ta không thể đi cùng con suốt đời. Nên khi còn có thể, hãy dạy con kỹ năng sống độc lập.
Giáo dục con cũng là quá trình nâng tầm chính mình.
Trong 3 việc này, nếu cha mẹ học được chữ “Nhẫn”, đó là bước đầu tiên giúp chính mình trưởng thành, và giúp con trở nên tự giác hơn.