Theo TS.BS Đỗ Anh Toàn – Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, hiện mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 250–300 bệnh nhân đến khám các bệnh lý tiết niệu nam khoa và niệu nữ. Khoảng 50% là bệnh về sỏi, trong đó sỏi thận chiếm đa số. Sỏi thận là bệnh lý phổ biến, điều trị sỏi thận chiếm khoảng 70% khối lượng công việc can thiệp ngoại khoa của khoa Tiết niệu.
Sỏi thận có xu hướng tăng ở người trẻ do chế độ ăn kém khoa học, lối sống sinh hoạt ít vận động. Sỏi thận nếu không điều trị có thể dẫn đến các biến chứng gây tổn thương thận như: nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm đài bể thận, viêm thận kẽ, viêm hẹp cổ đài thận, giãn đài bể thận, ứ nước, ứ mủ thận, áp xe thận. Đặc biệt, sỏi thận có thể gây ra suy thận do sỏi thận 2 bên gây tắc nghẽn thận.
Nguyên nhân sỏi thận
Có nhiều yếu tố gây ra sỏi thận nhưng chủ yếu là do rối loạn chuyển hóa gây tăng canxi máu và canxi niệu, thay đổi pH nước tiểu; dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh hoặc hẹp đường tiết niệu mắc phải, gây ứ đọng nước tiểu, tạo điều kiện thuận lợi hình thành sỏi thận.
Ngoài ra, bác sĩ cho biết có một số thói quen phổ biến, nhiều người mắc cũng có thể gây nên sỏi thận, đó là:
- Thói quen sử dụng thuốc tùy tiện: Theo thống kê của các chuyên gia tại Anh, việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận.
- Thói quen ăn mặn, nhiều dầu mỡ: Thói quen này khiến thận phải tăng cường lọc các chất khoáng, làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận.
- Thói quen uống ít nước: Thói quen này tạo điều kiện cho các chất khoáng kết tinh lại và gây bệnh sỏi thận.

Bác sĩ Toàn đang can thiệp sỏi thận cho bệnh nhân. (Ảnh M.T)
Điều trị sỏi thận
Theo bác sĩ Toàn, với những viên sỏi nhỏ (kích thước 10–20mm), người bệnh có thể được điều trị bằng kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể hoặc tán sỏi nội soi bằng ống mềm. Quy trình này diễn ra nhanh gọn, không để lại sẹo, bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày.
Với sỏi lớn (trên 20mm), sỏi xuất hiện ở các vị trí phức tạp như sỏi san hô hoặc sỏi thận lạc chỗ, phương pháp tối ưu là tán sỏi qua da. Kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm cùng với sự hỗ trợ của hệ thống trang thiết bị hiện đại. Kỹ thuật mang lại hiệu quả điều trị cao, an toàn và giúp bệnh nhân phục hồi nhanh.
Bác sĩ cũng liệt kê một số trường hợp bệnh nhân đã điều trị sỏi thận nhanh chóng bằng các phương pháp kể trên.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân N.Q. (17 tuổi) đến viện khám do có đau âm ỉ hông. Sau hội chẩn chuyên sâu, các bác sĩ xác định người bệnh bị hẹp niệu quản tái phát kèm sỏi thận thứ phát. Trước đó, bệnh nhân đã phẫu thuật hẹp niệu đạo. Ê-kíp đã tiến hành can thiệp nội soi qua da để tán sỏi bằng Laser, kết hợp nong đoạn niệu quản hẹp và đặt hai ống thông JJ. Toàn bộ ca mổ chỉ kéo dài 60 phút, bệnh nhân xuất viện ngay ngày hôm sau.
Trường hợp bệnh nhân T.T. (53 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng đau âm ỉ vùng hông lưng trái suốt một tháng. Siêu âm tại cơ sở y tế địa phương phát hiện bệnh nhân có sỏi san hô thận trái – loại sỏi phức tạp, thường khó điều trị.
Tại Khoa Tiết niệu, sau khi được thăm khám và làm các xét nghiệm chuyên sâu, các bác sĩ chỉ định thực hiện phương pháp tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ. Chỉ sau 1,5 giờ phẫu thuật, khối sỏi được loại bỏ gần như hoàn toàn, mất máu lượng không đáng kể.
Ngay hôm sau, bệnh nhân T.T. đã có thể đi lại và sinh hoạt bình thường. Đến ngày hậu phẫu thứ hai, bệnh nhân được xuất viện.
Bác sĩ Toàn cho hay, nhờ ứng dụng các kỹ thuật hiện đại, ít xâm lấn, thời gian qua bệnh viện đã đạt nhiều bước tiến trong điều trị sỏi thận, giúp người bệnh giảm thiểu đau đớn, rút ngắn thời gian nằm viện và nâng cao hiệu quả điều trị.

Sỏi thận nếu không được điều trị có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho thận. (Ảnh minh hoạ)
Phòng ngừa nguy cơ tái phát sỏi thận
Bác sĩ Toàn cảnh báo sỏi thận là bệnh lý có nguy cơ tái phát cao. Do đó, sau can thiệp, người bệnh sẽ được xác định bản chất phân tử của viên sỏi để phối hợp cùng chuyên khoa Dinh dưỡng xây dựng chế độ ăn phù hợp, ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
Ngoài ra, người bệnh cần theo dõi định kỳ, điều chỉnh lối sống và kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Theo đó, người dân, đặc biệt là người trẻ, cần xây dựng chế độ ăn khoa học, tăng cường vận động thể dục thể thao, uống thuốc theo đơn và chỉ định của bác sĩ…
“Người dân nên đi khám định kỳ để phát hiện sớm sỏi từ khi chúng có kích thước nhỏ, chưa gây biến chứng. Đặc biệt, nếu có các triệu chứng như: đau hông lưng, tiểu buốt, tiểu máu hay sốt,... người dân nên đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được tầm soát và điều trị kịp thời”, bác sĩ Toàn khuyến cáo.