Triển khai hóa đơn điện tử và bài toán chi phí cho các hộ kinh doanh

“Chi phí tuân thủ” là một trong những yếu tố tác động đến tâm lý lo ngại của hộ kinh doanh, trong bối cảnh nghị định 70/2025/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 6.2025.

Trăn trở từ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ

Chỉ còn ít ngày trước "giờ G" 01/06/2025, thời điểm hàng chục ngàn hộ và cá nhân kinh doanh cả nước cần bắt đầu sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo nghị định 70/2025/NĐ-CP. Nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh trong phạm vi ảnh hưởng đang "chạy nước rút" để chuẩn bị các nguồn lực nhằm kịp thời đáp ứng với quy định mới. Tuy nhiên, với một số không nhỏ nhà bán hàng, đây không chỉ đơn thuần là câu chuyện thay đổi từ hóa đơn giấy sang hình thức điện tử.

Bà Đinh Thị Lan - 55 tuổi, chủ một cửa hàng tạp hóa tại Hoàn Kiếm, Hà Nội - cho biết đã nắm được quy định mới thông qua báo đài. Sau đó, khi được cán bộ thuế ở khu vực phổ biến thông tin, bà bắt đầu tìm hiểu kĩ hơn về quy định pháp luật. Bà sẵn sàng tuân thủ, song tâm lý vẫn còn nhiều trăn trở như: không biết bắt đầu từ đâu, cần mua thêm trang thiết bị, phần mềm như thế nào hay chi phí đầu tư ra sao. "Bán tạp hóa nhỏ như tôi mỗi tháng tôi dư được đôi chút. Giờ cần đầu tư tiền triệu để mua phần mềm, mua hóa đơn, tôi cũng phải cân nhắc ít nhiều. Nhưng tôi vẫn sẽ cố gắng để làm cho chuẩn", bà bộc bạch.

Triển khai hóa đơn điện tử và bài toán chi phí cho các hộ kinh doanh- Ảnh 1.

Vốn ít, không thành thạo thủ tục, công nghệ là những khó khăn của các hộ kinh doanh nhỏ khi chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử

Ở một góc nhìn khác, đối với hộ kinh doanh đã quen thuộc với việc sử dụng công nghệ trong bán hàng thì mối băn khoăn phổ biến là chi phí. Chị Tiên thuộc lứa "GenZ", chủ một quán cà phê nhỏ ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng nằm trong diện chuyển đổi sang bán hàng xuất hóa đơn điện tử theo Nghị định 70. Sau khi liên hệ với một số nhà cung cấp phần mềm, chị quyết định lựa chọn KiotViet bởi chính sách "miễn phí" của đơn vị này.

"Khi dùng phần mềm bán hàng của KiotViet thì sẽ được miễn phí luôn hóa đơn điện tử, chữ ký số. Theo tính toán, sẽ tiết kiệm được mấy triệu mỗi năm nên tôi thấy giảm bớt gánh nặng phần nào, vì mình xác định đầu tư lâu dài nên đỡ được khoản nào thì hay khoản đấy", chị cho hay.

Triển khai hóa đơn điện tử và bài toán chi phí cho các hộ kinh doanh- Ảnh 2.

Quán cafe của chị Tiên xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền cho khách hàng

Những trăn trở của bà Lan, chị Tiên xoay quanh quy định mới, đặc biệt về chi phí tuân thủ là nỗi niềm không của riêng ai. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh, "chi phí" có thể sẽ trở thành một rào cản khiến các hộ kinh doanh e ngại trước quy định mới.

Giải bài toán chi phí

Chuyển từ phương thức truyền thống sang sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được đánh giá cao ở sự tiện lợi, minh bạch, nhưng cũng cần đề cập đến khía cạnh kinh tế và chi phí để duy trì phương thức này.

Quán phở của gia đình cô Hằng ở Hoàn Kiếm, Hà Nội trước nay vẫn quen với việc viết hóa đơn giấy, tính toán thu chi bằng máy tính cầm tay. Được cán bộ thuế tuyên truyền về việc chuyển đổi sang hóa đơn điện tử, cô bắt đầu với việc trang bị một chiếc điện thoại smartphone dành riêng cho công việc bán hàng. Đồng thời cô mua thêm một gói phần mềm bán hàng vì xác định đầu tư lâu dài cho quán.

Tuy nhiên đến khi tìm hiểu về các giải pháp hóa đơn điện tử, cô có phần bối rối trước các khoản chi phí đi cùng các thuật ngữ xa lạ với công việc buôn bán thủ công bao năm qua. Từ phí khởi tạo hóa đơn điện tử (phí khai báo tài khoản, phí duy trì và lưu trữ hóa đơn điện tử trên hệ thống); cho đến "block" hóa đơn điện tử với mức giá từ khoảng 300 đồng - 500 đồng/1 hóa đơn.

"Trung bình 1 ngày tôi có thể bán 400 bát phở, tương ứng với khoảng 200 - 300 hóa đơn. Tính ra chi phí 1 tháng sẽ mất thêm một khoản lên đến 4.500.000 đồng. Chưa kể tôi có thể phải thuê thêm một nhân sự đứng quầy để lên hóa đơn và xử lý các vấn đề liên quan bởi bản thân mình đâu có rành công nghệ", cô Hằng tâm sự.

Nhận thấy các rào cản chi phí có thể khiến hộ kinh doanh nhỏ e ngại khi làm quen với quy định mới, các nhà cung cấp giải pháp đã đưa ra nhiều chương trình ưu đãi nhằm hỗ trợ hộ và cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử.

Một số đơn vị thực hiện giảm giá hóa đơn điện tử trong một khoảng thời gian, hoặc cung cấp miễn phí số lượng hóa đơn nhất định để khuyến khích hộ kinh doanh trong thời gian đầu thực hiện nghị định. Một số đơn vị mạnh tay hơn như Công ty Cổ phần Công nghệ KiotViet thì ra mắt chính sách miễn phí hóa đơn điện tử và chữ ký số cho toàn bộ hộ kinh doanh đang sử dụng phần mềm bán hàng của đơn vị này. Theo đó, tính năng phát hành hóa đơn điện tử và chữ ký số sẽ được tích hợp sẵn và tự động kích hoạt miễn phí trong phần mềm. Nhờ đó, hơn 300.000 khách hàng hiện tại của KiotViet sẽ không phát sinh thêm bất kỳ chi phí nào để tuân thủ quy định mới của nhà nước.

Theo ghi nhận từ phóng viên, nhiều hộ kinh doanh đều mong muốn các nhà cung cấp giải pháp nên có thêm các chương trình đồng hành thiết thực để quá trình triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được thuận tiện, tiết kiệm nhất.

Chị Hằng chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn nhận được thêm sự hỗ trợ về công nghệ và chi phí để tuân thủ quy định mới của nhà nước. Nhờ đó, chúng tôi sẽ được san sẻ áp lực chi phí, yên tâm tuân thủ quy định mà không lo ảnh hưởng đến các việc buôn bán thường ngày."

Link nội dung: https://tamnhindautu.vn/trien-khai-hoa-don-dien-tu-va-bai-toan-chi-phi-cho-cac-ho-kinh-doanh-a65274.html