Trong hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Ấn Độ được ban hành vào năm 2024, ICMR cảnh báo thói quen tái sử dụng dầu thực vật nhiều lần có thể tạo ra các hợp chất độc hại. Hindustan Times thông tin, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh thói quen đun lại dầu ăn nhiều lần có thể dẫn đến sự phát thải các chất độc hại và làm tăng các gốc tự do trong cơ thể. Điều này có thể dẫn tới viêm nhiễm và nhiều bệnh mạn tính bao gồm bệnh tim mạch và ung thư.
Tái sử dụng dầu ăn và nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư

Dầu ăn đã qua sử dụng nhiều lần có thể sản sinh chất gây ung thư (Ảnh minh họa)
Việc dùng đi dùng lại dầu ăn đã qua sử dụng là thói quen phổ biến của nhiều gia đình cũng như các cơ sở kinh doanh đồ ăn. Tuy nhiên, theo ICMR, việc đun lại nhiều lần dầu thực vật có thể dẫn tới quá trình oxy hóa các chất béo không bão hòa đa. Quá trình này làm sản sinh các hợp chất có hại. Thêm vào đó, ở nhiệt độ cao, một số chất béo trong dầu sẽ chuyển thành chất béo chuyển hóa. Đây là loại chất béo có hại, đã được chứng minh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Dầu càng được tái sử dụng nhiều lần, lượng chất béo chuyển hóa sẽ càng tăng.
Bác sĩ Suparna Mukherjee, Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng của Narayana Health (mạng lưới bệnh viện tư nhân tại Ấn Độ), cho hay: “Đun lại nhiều lần dầu thực vật có thể làm hình thành các hợp chất có hại như chất béo chuyển hóa và acrylamide. Những chất này cũng làm tăng nguy cơ ung thư nếu tiêu thụ ở mức nhiều”.
Ngoài ra, theo bác sĩ Suparna Mukherjee, việc hâm nóng và tái sử dụng dầu có thể dẫn đến tích tụ các gốc tự do. Gốc tự do là các phân tử có thể dẫn tới nhiều loại bệnh khác nhau, trong đó có cả các bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ, ung thư, bệnh tim mạch, Medical News Today thông tin.
Dùng dầu ăn thế nào cho an toàn?

Dầu quả bơ (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Suparna Mukherjee cho hay: “Tốt hơn hết, mọi người không nên tái sử dụng dầu ăn để tránh những rủi ro không đáng có về sức khỏe. Thay vào đó, hãy lấy dầu mới để sử dụng. Đồng thời, nên chọn dầu có điểm bốc khói cao như dầu quả bơ hoặc dầu hoa rum”. Điểm bốc khói là nhiệt độ mà tại đó dầu bắt đầu phân hủy và sinh ra khói, Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan giải thích. Khi dầu vượt quá điểm này, các chất dinh dưỡng sẽ bị phá vỡ và có thể hình thành các hợp chất độc hại.
“Ngoài ra, khi nấu nên duy trì nhiệt độ nấu ăn phù hợp, tránh để dầu bị cháy”, bác sĩ Suparna Mukherjee nói thêm.
(Nguồn: Hindustan Times, Medical News Today)