Các nước lãnh đủ khi giới bán lẻ áp chiến lược ‘né đạn’ ở Mỹ

Các thương hiệu toàn cầu như hãng dép Birkenstock và hãng trang sức Pandora đang tính toán phương án phân bổ chi phí gia tăng do Mỹ áp mức thuế mới bằng cách tăng giá bán ở nhiều thị trường, nhằm tránh phải tăng giá quá nhiều ở Mỹ.

Việc hiện diện trên toàn cầu giúp các nhà bán lẻ lớn có lợi thế trong giảm thiểu tác động từ thuế quan. Tuy nhiên, chiến lược này có thể làm lạm phát gia tăng ở các thị trường khác như Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh, nơi giá tiêu dùng mới bắt đầu ổn định trở lại.

Tuần trước, giám đốc tài chính của Birkenstock cho biết việc tăng giá trên toàn cầu sẽ đủ để bù đắp tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Các nước lãnh đủ khi giới bán lẻ áp chiến lược ‘né đạn’ ở Mỹ- Ảnh 1.

Một người xách túi của thương hiệu Birkenstock ở Berlin, Đức. (Ảnh: Reuters)

Ông Alexander Lacik - Tổng giám đốc điều hành của Pandora - cho biết thương hiệu Đan Mạch này đang cân nhắc tăng giá bán sản phẩm trên toàn cầu hoặc tăng mạnh hơn tại Mỹ – thị trường lớn nhất của hãng.

“Các công ty đang thực sự suy nghĩ về cách xử lý tác động của thuế quan. Các nhà sản xuất bên ngoài nước Mỹ có thể tính toán rằng họ không thể tăng giá ở thị trường Mỹ quá nhiều, vì vậy họ sẽ tăng một chút ở Mỹ, một chút ở châu Âu và một chút ở các thị trường khác”, ông Markus Goller - đối tác của hãng tư vấn Simon Kucher ở Bonn, Đức, cho biết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt mức thuế chung 10% với tất cả hàng nhập khẩu từ nước ngoài và đe dọa áp thuế đối ứng với hàng loạt đối tác thương mại.

Khi tập đoàn Walmart thông báo sẽ phải tăng giá để ứng phó với thuế quan, ông Trump nói rằng nhà bán lẻ lớn nhất thế giới phải “tự chịu phần thuế này”.

Việc công bố tăng giá ở nhiều thị trường ngoài nước Mỹ có thể là cách mà các nhà bán lẻ dùng để tránh phản ứng tiêu cực từ quyết định của Tổng thống Trump .

“Rõ ràng là nếu sản phẩm của bạn khi vào Mỹ phải chịu thuế, theo tính toán, bạn phải tăng giá tại Mỹ. Nhưng bạn không muốn bị Nhà Trắng buộc tội tăng giá chỉ vì thuế quan của Mỹ, bạn có thể chứng minh giá cả đang tăng ở khắp nơi thì… nó giống như một lá chắn”, GS Jean-Pierre Dubé, chuyên gia về tiếp thị tại Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago, giải thích.

Theo GS Jason Miller, chuyên gia về quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học bang Michigan, các nhà bán lẻ có thể tăng giá với một số sản phẩm hoặc ở những thị trường nơi người tiêu dùng ít nhạy cảm với giá, rồi dùng phần lợi nhuận này để bù đắp cho các sản phẩm hay thị trường khác.

“Có thể một công ty chỉ hoạt động ở Mỹ phải tăng giá đến 12%, nhưng các công ty toàn cầu chỉ cần tăng 8% vì họ có thể điều chỉnh giá ở những thị trường khác”, ông Miller cho biết.

Nếu nhiều nhà bán lẻ đa quốc gia cùng thực hiện cách phân bổ chi phí thuế quan này, lạm phát có thể lan sang những quốc gia khác.

Đầu tháng này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey đã nêu vấn đề các công ty toàn cầu không phân biệt mức thuế tại từng thị trường mà áp dụng giải pháp tăng giá đồng loạt trên toàn thế giới.

“Tôi nghĩ chúng ta cần phải theo dõi điều đó một cách cẩn thận”, ông Bailey cảnh báo.

Dù mỗi công ty có chiến lược định giá riêng, các nhà kinh tế cảnh báo một số công ty có thể lợi dụng tình hình để tăng giá vượt quá chi phí gia tăng thực tế để kiếm lời nhiều hơn, tương tự như đợt lạm phát giai đoạn đại dịch năm 2021-2022.

“Sẽ rất khó để người tiêu dùng biết được phần nào trong chi phí sản phẩm bị áp thuế hoặc thậm chí là mức thuế cụ thể. Sự bất cân xứng thông tin này tạo điều kiện lý tưởng cho việc lợi dụng, giống như đã từng xảy ra trong thời kỳ COVID”, GS Hal Singer, công tác tại Đại học Utah nhận định.

Theo Reuters

Link nội dung: https://tamnhindautu.vn/cac-nuoc-lanh-du-khi-gioi-ban-le-ap-chien-luoc-ne-dan-o-my-a65473.html