OpenAI chi 6,5 tỷ USD thâu tóm startup của cựu sếp Apple: Màn hợp nhất của ‘giới hoàng gia’ Thung lũng Silicon giúp thế giới đạt đến trình siêu trí tuệ

Thỏa thuận, là thương vụ mua lại lớn nhất của OpenAI, sẽ chiêu mộ cựu sếp Apple và nhóm khoảng 55 kỹ sư, nhà thiết kế và nhà nghiên cứu.

Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi sâu sắc thế giới công nghệ trong những năm gần đây, đảo lộn cách thức tạo ra phần mềm, cách mọi người tìm kiếm thông tin và cách tạo video, hình ảnh. Tất cả sẽ được thực hiện thông qua một vài lời yêu cầu với chatbot.

Tuy nhiên, AI phần lớn vẫn chỉ ứng dụng trên chiếc điện thoại di động, bất chấp nỗ lực của các công ty khởi nghiệp và những bên liên quan nhằm đưa nó vào các thiết bị cần thiết. OpenAI, phòng thí nghiệm AI hàng đầu thế giới, đang giải quyết bài toán này.

Mới đây, Sam Altman, giám đốc điều hành của OpenAI, thông báo công ty đã trả 6,5 tỷ USD để mua IO - startup mới được Jony Ive, cựu giám đốc cấp cao của Apple, thành lập. Thỏa thuận về cơ bản là sự hợp nhất của ‘giới hoàng gia’ Thung lũng Silicon, nhằm mục đích mở ra thứ mà hai người đàn ông gọi là “một dòng sản phẩm mới” cho thời đại trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI).

Thỏa thuận, là thương vụ mua lại lớn nhất của OpenAI, sẽ chiêu mộ ông Ive và nhóm khoảng 55 kỹ sư, nhà thiết kế và nhà nghiên cứu. Họ sẽ vận dụng sự sáng tạo và thiết kế trên toàn OpenAI, đồng thời xây dựng phần cứng giúp mọi người tương tác tốt hơn với công nghệ.

Trong một cuộc phỏng vấn chung, ông Ive và ông Altman từ chối tiết lộ thêm thông tin, kỳ vọng năm tới sẽ có câu trả lời. Ông Ive, 58 tuổi, đã đóng khung tham vọng này, với mục tiêu tạo ra “những sản phẩm tuyệt vời nâng cao nhân loại”.

“Chúng tôi đã chờ đợi điều lớn lao tiếp theo trong 20 năm”, ông Altman, 40 tuổi, nói thêm. “Chúng tôi muốn mang đến cho mọi người thứ gì đó vượt ra ngoài những sản phẩm truyền thống”.

Hai người đàn ông đang thực sự nhìn xa hơn kỷ nguyên của điện thoại thông minh. Nếu thành công, họ có thể thúc đẩy một cuộc cách mạng điện toán, nơi mà thay vì gõ và chụp ảnh trên điện thoại thông minh, các thiết bị trong tương lai như mặt dây chuyền hoặc kính sử dụng AI có thể xử lý mọi thứ theo thời gian thực, trả lời các câu hỏi và phân tích hình ảnh, âm than. Trước đó, Altman đã đầu tư vào Humane, một công ty theo đuổi tầm nhìn này nhưng thất bại.

OpenAI chi 6,5 tỷ USD thâu tóm startup của cựu sếp Apple: Màn hợp nhất của ‘giới hoàng gia’ Thung lũng Silicon giúp thế giới đạt đến trình siêu trí tuệ- Ảnh 1.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây, ông Ive đã bày tỏ một số nghi ngờ về iPhone và cho biết điều đó đã thúc đẩy ông hợp tác với Altman. Altman cũng đồng tình với quan điểm này.

“Tôi không cảm thấy tốt về mối quan hệ của mình với công nghệ”, ông nói. “Cảm giác giống như bị xô đẩy trên một con phố đông đúc ở New York, hay bị tấn công bởi các thông báo và đèn nhấp nháy ở Las Vegas”.

Theo một phần của thỏa thuận, ông Ive và studio thiết kế của ông, LoveFrom, sẽ vẫn đứng độc lập và tiếp tục làm việc trên các dự án riêng biệt với OpenAI. Scott Cannon, Evans Hankey và Tang Tan, các co-founder IO, sẽ trở thành nhân viên của OpenAI. Peter Welinder, phó chủ tịch sản phẩm, người sẽ giám sát bộ phận IO.

OpenAI sở hữu 23% cổ phần của IO theo một thỏa thuận giữa hai công ty vào cuối năm ngoái, vậy nên phải trả khoảng 5 tỷ USD để mua lại hoàn toàn công ty khởi nghiệp này. OpenAI có một Quỹ khởi nghiệp riêng đã đầu tư vào công ty khởi nghiệp của ông Ive vào năm ngoái.

OpenAI đã khởi động sự bùng nổ AI vào cuối năm 2022 khi phát hành chatbot ChatGPT. Vào tháng 3, công ty trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân có giá trị nhất thế giới. Vòng gọi vốn do tập đoàn SoftBank của Nhật Bản dẫn đầu.

Được thành lập vào năm 2015 với tư cách tổ chức phi lợi nhuận, phòng thí nghiệm AI này đã cố gắng trở thành một công ty vì lợi nhuận để có thể dễ dàng huy động tiền từ các nhà đầu tư. Nếu không tái cấu trúc vào cuối năm, SoftBank có thể giảm một nửa khoản đầu tư vào OpenAI.

OpenAI của Altman đã trở thành một trong những công ty khởi nghiệp phát triển nhanh nhất mọi thời đại và đang nỗ lực phát triển vượt ra ngoài mối quan hệ đối tác với Microsoft. Điều đó đã mở đường cho SoftBank, dẫn đầu khoản đầu tư khởi nghiệp lớn nhất từ trước đến nay, trong một vòng gọi vốn 40 tỷ USD vào OpenAI. Đổi lại, Son có được thứ mà ông khao khát: vị trí ở trung tâm của thế giới AI.

Hai người đàn ông tham vọng đã cùng thảo luận về một dự án trung tâm dữ liệu AI trị giá 500 tỷ USD có tên là “Stargate”. Bất chấp mọi sự khác biệt, họ có chung niềm tin tuyệt đối rằng kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo tổng quát — khi máy móc có thể vượt trội hơn con người trên các lĩnh vực nhận thức — đã đến gần.

OpenAI chi 6,5 tỷ USD thâu tóm startup của cựu sếp Apple: Màn hợp nhất của ‘giới hoàng gia’ Thung lũng Silicon giúp thế giới đạt đến trình siêu trí tuệ- Ảnh 2.

“Khi tôi gặp anh, anh đã nói rằng anh sẽ theo đuổi AGI và tôi ngay lập tức nói rằng, ‘Tôi tin anh. Tôi muốn đầu tư”, Son nói với Altman ở Tokyo. “Từ đó, tôi đã tin. Tôi không bao giờ nghi ngờ. Hầu hết mọi người vào thời điểm đó đều nghĩ anh bị điên, đúng không?”.

Theo các tài liệu mà The Times xem xét, OpenAI dự kiến doanh số bán hàng năm nay đạt khoảng 3,7 tỷ USD và năm sau đạt khoảng 11,6 tỷ USD. Công ty cũng đang đàm phán để mua lại Windsurf, một công cụ lập trình hỗ trợ AI, với giá khoảng 3 tỷ USD.

Khi được hỏi OpenAI tìm vốn mua lại IO bằng cách nào, ông Altman cười rằng báo chí đang lo lắng về nguồn tài trợ và doanh thu của OpenAI hơn cả chính công ty.

“Chúng tôi sẽ ổn thôi”, ông nói. “Cảm ơn vì đã quan tâm”.

Thỏa thuận mới đây được thực hiện sau khi ông Ive, học trò của nhà sáng lập Apple Steve Jobs, người đã thiết kế iPod và nhiều sản phẩm khác, thích thú với AI. Ông thừa nhận bản thân cảm thấy hơi lạc lõng sau khi rời Apple vào năm 2019 và rất muốn tìm kiếm mục đích tiếp theo của mình.

Hai năm trước, Charlie Ive, một trong hai người con trai của ông, đã kể cho bố nghe về ChatGPT. Tò mò về sự phấn khích của con mình đối với chatbot, Ive đã kết nối với Altman và trở thành bạn bè.

Ông Ive cho biết ông say mê công nghệ đến nỗi đã thành lập IO vào năm ngoái cùng với một số đồng nghiệp để khái niệm hóa các sản phẩm phần cứng mới phù hợp với AI. Mục tiêu nhằm tạo ra một sản phẩm mới giúp ích cho nhân loại.

“Tôi tin rằng mọi thứ tôi đã làm trong sự nghiệp của mình đều hướng đến điều này”, ông nói.

Được biết, Jony Ive đã rời khỏi Apple vào năm 2019 khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Trong suốt 27 năm làm việc tại nhà Táo, người đàn ông này đã hình thành nên tính thẩm mỹ tối giản cho các sản phẩm. Những thiết kế và bao bì bóng bẩy của ông sau này ảnh hưởng đến mọi thứ, từ vẻ ngoài của tivi đến hình dạng của chai nước.

Theo: The NY Times, WSJ

Link nội dung: https://tamnhindautu.vn/openai-chi-65-ty-usd-thau-tom-startup-cua-cuu-sep-apple-man-hop-nhat-cua-gioi-hoang-gia-thung-lung-silicon-giup-the-gioi-dat-den-trinh-sieu-tri-tue-a65631.html