Giới tài chính Nhật - Mỹ thừa nhận tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato vừa nhất trí rằng tỷ giá hối đoái USD - yên hiện phản ánh các yếu tố cơ bản.

Đây cũng có thể coi là một tuyên bố hiếm hoi và rõ ràng của Bộ Tài chính Mỹ về tình hình thị trường.

Việc Tổng thống Donald Trump tập trung giải quyết thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ và những phát biểu trước đây của ông cáo buộc Nhật Bản cố tình duy trì đồng yên yếu đã khiến thị trường kỳ vọng rằng Tokyo sẽ phải đối mặt với áp lực phải tăng giá đồng tiền của mình so với đồng USD để mang lại lợi thế cạnh tranh cho các nhà sản xuất Mỹ.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một tuyên bố: "Họ tái khẳng định niềm tin chung rằng, tỷ giá hối đoái phải do thị trường quyết định và hiện tại, tỷ giá hối đoái USD - yên phản ánh các yếu tố cơ bản".

Trước thềm cuộc họp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết, các cuộc đàm phán sẽ dựa trên quan điểm chung của họ rằng, sự biến động quá mức về tỷ giá hối đoái là điều không ai mong muốn.

Hai ông Bessent và Kato gặp nhau bên lề cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Nhóm bảy nước tại Banff, Canada. Khi được hỏi về tuyên bố của Bộ Tài chính rằng hai tỷ giá hối đoái đã thỏa thuận phản ánh các yếu tố cơ bản tại một cuộc họp báo sau đó, Kato cho biết ông không có tư cách để bình luận nhưng nói thêm rằng ông không thảo luận về "mức tỷ giá hối đoái". "Chúng tôi nhất trí rằng tỷ giá hối đoái phải do thị trường quyết định", ông nhấn mạnh.

Ở một diễn biến kkhacs, USD tăng vọt lên 144,40 yên sau tuyên bố của Mỹ, nhưng việc thiếu xác nhận rõ ràng từ phía Nhật Bản đã đẩy đồng bạc xanh xuống dưới mức 143,50 yên.

Nhật Bản và Mỹ đã nhất trí tách vấn đề nhạy cảm về tỷ giá hối đoái khỏi các cuộc đàm phán thương mại trực tiếp và dành nó cho các cuộc đàm phán giữa các bộ trưởng tài chính của hai nước.

Đồng yên yếu cũng khiến các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đau đầu vì nó làm tăng tốc lạm phát bằng cách đẩy chi phí nhập khẩu lên cao và gây áp lực lên tiêu dùng. Nhưng đồng yên đã tăng giá khoảng 9% trong năm nay, vì những bất ổn lớn bắt nguồn từ thuế quan sâu rộng của Hoa Kỳ đã khiến các nhà đầu tư mua các loại tiền tệ an toàn như đồng yên.

Trong cuộc họp báo, Kato cho biết ông không trực tiếp thảo luận về việc Nhật Bản nắm giữ lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ với ông Bessent.

Đầu tháng 5, Kato đã khiến thị trường ngạc nhiên khi nói rằng Nhật Bản có thể sử dụng lượng trái phiếu kho bạc trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD của mình làm quân bài trong các cuộc đàm phán thương mại với Washington, nhưng sau đó đã làm rõ rằng bình luận của ông không có ý ám chỉ khả năng bán.

Đồng yên sẽ tăng giá mạnh trong thời gian tới

Đồng yên đang có xu hướng tăng giá mạnh và được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong thời gian tới. Nguyên nhân chủ yếu đến từ kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2025 – một động thái khá hiếm hoi sau thời gian dài Nhật Bản duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Phát biểu mới đây trước Quốc hội, Phó Thống đốc BoJ, ông Shinichi Uchida cho biết, lạm phát cơ bản tại Nhật Bản có thể sẽ tăng trở lại và duy trì quanh mức mục tiêu 2%. Nếu điều này diễn ra đúng như dự báo, BoJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Bên cạnh đó, biên bản cuộc họp gần nhất của BoJ cũng cho thấy các nhà hoạch định chính sách chưa từ bỏ kế hoạch nâng lãi suất thêm nữa.

Đồng USD đã giảm so với một loạt các loại tiền tệ vào phiên giao dịch vừa qua, bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu, đồng thời tăng cường an ninh biên giới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đồng thời, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc cùng kỳ vọng về một thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và Nhật Bản càng khiến đồng yên trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư như một tài sản trú ẩn an toàn.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, đồng USD lại đang chịu áp lực giảm giá. Nguyên nhân là thị trường ngày càng tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất trong năm tới, sau khi các chỉ số lạm phát như CPI, PPI và dữ liệu bán lẻ Mỹ đều kém hơn kỳ vọng. Thêm vào đó, các quan chức Fed cũng tỏ ra lo ngại về triển vọng kinh tế và tác động tiêu cực từ các chính sách thương mại mới của Mỹ.

Dữ liệu mới công bố hôm 21/5 cho thấy cán cân thương mại Nhật Bản bất ngờ chuyển sang thâm hụt trong tháng 4. Tuy nhiên, mức tiêu dùng nội địa đang tăng nhờ tiền lương được điều chỉnh cao trong mùa xuân, đây là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Nhật.

Các nhà đầu tư hiện cũng đang theo dõi sát cuộc đàm phán thương mại cấp cao giữa Mỹ và Nhật Bản. Nếu hai bên sớm đạt được thỏa thuận, đồng Yên có thể sẽ tiếp tục nhận được lực đẩy mạnh mẽ, theo FXStreet.

Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, giới đầu tư toàn cầu hiện vẫn tỏ ra hết sức thận trọng khi chưa có tín hiệu rõ ràng xác nhận chu kỳ giảm của USD - yên đã kết thúc. 

Các diễn biến trong cuộc chiến thuế quan toàn cầu của ông Donald Trump, vốn đã làm thay đổi mạnh mẽ các loại tiền tệ trong những tháng gần đây, đã chậm lại đáng kể trong tuần này, do thời gian hoãn thuế quan kéo dài 90 ngày đối với các đối tác thương mại của Mỹ đang dần kết thúc mà không có thỏa thuận mới nào được đưa ra. Trong khi thị trường vẫn lạc quan rằng, Nhà Trắng mong muốn thúc đẩy hoạt động thương mại trở lại một cách bền vững, thì các cuộc đàm phán với các đồng minh thân cận Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chưa có kết quả cụ thể. Trong bối cảnh đó, đồng yên vẫn duy trì vai trò là nơi trú ẩn an toàn trong bức tranh thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động./.

Link nội dung: https://tamnhindautu.vn/gioi-tai-chinh-nhat-my-thua-nhan-ty-gia-hoi-doai-do-thi-truong-quyet-dinh-a65743.html