7 thứ “ăn cắp tiền điện” còn hơn cả điều hòa: Nhiều nhà không bao giờ tắt, bảo sao hóa đơn điện liên tục tăng

Một số thiết bị quen thuộc trong gia đình thực sự là "kẻ ngốn điện" âm thầm nhưng đáng gờm.

Nhiều người vẫn nghĩ điều hòa nhiệt độ là "thủ phạm" duy nhất nhất khiến hóa đơn tiền điện mỗi tháng đội lên cao.

Tuy nhiên, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), một số thiết bị quen thuộc khác trong gia đình cũng là "kẻ ngốn điện" âm thầm nhưng đáng gờm.

1. Bếp điện

Đứng đầu bảng xếp hạng là bếp điện, đặc biệt là bếp hồng ngoại và bếp từ. Với thời lượng sử dụng trung bình khoảng 3 giờ mỗi ngày, bếp đơn có thể tiêu thụ từ 85–95 kWh/tháng. Bếp đôi có thể tiêu tốn đến 170–190 kWh/tháng.

Điều đáng chú ý là nhiều người nấu ăn hàng ngày mà không để ý rằng việc sử dụng công suất cao liên tục sẽ tạo ra mức tiêu thụ điện rất lớn. So với điều hòa (thường chỉ chạy vào mùa nóng), bếp điện hoạt động quanh năm, làm tăng đáng kể tổng điện năng tiêu thụ.

7 thứ “ăn cắp tiền điện” còn hơn cả điều hòa: Nhiều nhà không bao giờ tắt, bảo sao hóa đơn điện liên tục tăng- Ảnh 1.

2. Bình nóng lạnh

Nếu sử dụng hợp lý, một bình nóng lạnh dung tích 20 lít chỉ tiêu tốn khoảng 70–80 kWh/tháng (khi bật 1 tiếng mỗi ngày). Tuy nhiên, nếu bật liên tục cả ngày: Lượng điện tiêu thụ có thể tăng vọt lên 320–340 kWh/tháng.

Nhiều gia đình có thói quen bật bình nóng lạnh cả ngày để “luôn sẵn sàng”, điều này không chỉ làm tăng tiền điện mà còn rút ngắn tuổi thọ của thiết bị.

3. Tủ lạnh

Là thiết bị hoạt động 24/7, nhưng mức tiêu thụ điện của tủ lạnh lại khá ổn định. Tủ lạnh cỡ trung bình: 30–45 kWh/tháng. Tủ lạnh lớn: 50–65 kWh/tháng. Tủ lạnh mini: 10–15 kWh/tháng.

Tuy nhiên, hiệu suất điện năng còn phụ thuộc vào tuổi đời và công nghệ. Tủ lạnh cũ có thể tiêu tốn nhiều điện hơn đáng kể so với các mẫu mới có nhãn năng lượng tiết kiệm điện.

4. Máy tính để bàn

Máy tính để bàn hoạt động 12 giờ mỗi ngày có thể tiêu thụ khoảng 72–75 kWh/tháng. Nếu đi kèm với màn hình rời hoặc card đồ họa cao cấp, con số này còn cao hơn.

7 thứ “ăn cắp tiền điện” còn hơn cả điều hòa: Nhiều nhà không bao giờ tắt, bảo sao hóa đơn điện liên tục tăng- Ảnh 2.

Mức tiêu thụ điện của các bộ phận, linh kiện trong hệ thống một dàn PC (mang tính chất tham khảo)

Đối với những người làm việc từ xa hoặc sử dụng máy tính cho các tác vụ nặng (dựng video, chơi game), mức tiêu thụ điện tăng lên đáng kể mà không hề hay biết.

5. Tivi

Một chiếc TV LCD có công suất khoảng 150W, nếu được sử dụng 5 tiếng mỗi ngày sẽ tiêu thụ khoảng 20–25 kWh/tháng. Với các loại TV lớn hơn như OLED hoặc QLED, mức tiêu thụ điện còn cao hơn. Nhiều gia đình có thói quen để tivi ở chế độ chờ chứ không bao giờ tắt hẳn. Điều này có thể gây lãng phí điện hơn họ tưởng.

6. Nồi cơm điện

Dù là thiết bị sử dụng đơn giản, nồi cơm điện công suất 500W dùng khoảng 2 tiếng/ngày cũng tiêu thụ tới 20–25 kWh/tháng. Nếu sử dụng thêm chức năng hâm nóng nhiều lần hoặc giữ ấm liên tục, lượng điện tiêu thụ sẽ tăng đáng kể.

7. Bàn là điện

Với công suất trung bình khoảng 1.100W, nếu dùng 30 phút mỗi ngày, bàn là điện sẽ “ngốn” 14–24 kWh/tháng. Việc là quần áo nhiều trong một lần thay vì rải rác hàng ngày có thể giúp giảm chi phí điện đáng kể.

Ngoài ra, các thiết bị khác như lò vi sóng hay thiết bị mạng, camera an ninh… trong nhà cũng được nhắc đến. Chẳng hạn, một chiếc lò vi sóng có công suất 1.000W, nếu sử dụng 30 phút/ngày sẽ tiêu thụ 10–20 kWh/tháng. Lò vi sóng thế hệ mới thường có chức năng tiết kiệm điện hoặc tự động tắt khi không dùng, giúp giảm lượng điện tiêu thụ.

Các thiết bị như router, modem internet có công suất thấp nhưng lại hoạt động liên tục không ngừng nghỉ. Trung bình, mỗi thiết bị này tiêu tốn 8–12 kWh/tháng. Con số này sẽ tăng nếu trong nhà có nhiều thiết bị mạng riêng lẻ như repeater, bộ phát Wi-Fi, camera an ninh...

Lưu ý để tiết kiệm điện hiệu quả trong gia đình

- Chọn thiết bị có nhãn năng lượng cao (5 sao) hoặc chứng nhận Energy Star

- Tắt hẳn thiết bị khi không sử dụng, tránh để ở chế độ chờ (standby)

- Không bật các thiết bị 24/24 nếu không cần thiết

- Bảo dưỡng định kỳ để tăng hiệu suất vận hành, tránh hao tổn điện

Việc nắm rõ mức tiêu thụ điện của từng thiết bị không chỉ giúp bạn chủ động trong việc sử dụng, mà còn là chìa khóa để kiểm soát hóa đơn điện mỗi tháng một cách thông minh hơn.

(Tổng hợp)

Link nội dung: https://tamnhindautu.vn/7-thu-an-cap-tien-dien-con-hon-ca-dieu-hoa-nhieu-nha-khong-bao-gio-tat-bao-sao-hoa-don-dien-lien-tuc-tang-a70068.html