Toyota nhập xe từ Mỹ về bán tại Nhật Bản: Nước đi nghịch lý của hãng ô tô lớn nhất thế giới

Chuyện gì đang diễn ra với Toyota?

Toyota nhập xe từ Mỹ về bán tại Nhật Bản: Nước đi nghịch lý của hãng ô tô lớn nhất thế giới- Ảnh 1.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Nhật vẫn chưa hạ nhiệt và nguy cơ áp thuế quan từ chính quyền Tổng thống Trump lơ lửng trên đầu, gã khổng lồ ô tô Nhật Bản Toyota đang cân nhắc một động thái bất ngờ nhưng đầy tính toán: nhập khẩu chính những chiếc xe họ sản xuất tại Mỹ về bán tại thị trường nội địa Nhật Bản.

Động thái tưởng như nghịch lý này lại là một phần trong chiến lược mềm dẻo của Tokyo nhằm giảm thâm hụt thương mại với Mỹ và tránh đòn thuế 25–35% đang lơ lửng trên đầu các nhà sản xuất xe Nhật.

Tuy nhiên đây không chỉ là một giải pháp tình thế nhằm xoa dịu Washington, mà còn ẩn chứa nhiều toan tính chiến lược trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động không ngừng.

Toyota nhập xe từ Mỹ về bán tại Nhật Bản: Nước đi nghịch lý của hãng ô tô lớn nhất thế giới- Ảnh 2.

Tiền lệ

Ý tưởng này nghe có vẻ mới mẻ nhưng lại có tiền lệ trong lịch sử của Toyota. Vào những năm 1990, để đáp lại áp lực thương mại từ Mỹ, Toyota từng hợp tác với General Motors (GM) để bán mẫu Chevrolet Cavalier và cả mẫu Scepter Station Wagon do chính họ sản xuất tại Mỹ ở thị trường Nhật.

Động thái này khi đó được xem là một nỗ lực thiện chí nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương.

Giờ đây, khi kịch bản tương tự lặp lại với nguy cơ thuế quan lên tới 35% đối với hàng nhập khẩu Nhật Bản, Toyota một lần nữa đứng trước lựa chọn này.

Thông tin được xác nhận từ chính lãnh đạo cấp cao của Toyota. Trong cuộc họp ngày 1/5 giữa Chủ tịch Akio Toyoda và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba, khả năng nhập khẩu xe sản xuất tại Mỹ đã được bàn bạc như một biện pháp "có thể xem xét" nếu cần thiết để làm dịu căng thẳng thương mại.

Lập luận đưa ra rất đơn giản: Toyota sản xuất hàng trăm ngàn xe tại Mỹ mỗi năm. Việc nhập một phần sản lượng này về Nhật vừa giúp giảm thâm hụt thương mại với Mỹ, vừa thể hiện thiện chí hợp tác của Nhật Bản.

Không chỉ dừng lại ở việc nhập khẩu xe do chính họ sản xuất, Toyota còn đưa ra một ý tưởng táo bạo hơn: sử dụng mạng lưới bán hàng khổng lồ của mình tại Nhật Bản để phân phối các thương hiệu xe Mỹ. Phó Chủ tịch điều hành Hiroki Nakajima thậm chí cho biết, nếu cần, Toyota sẵn sàng sử dụng hệ thống hơn 4.000 đại lý của mình để bán xe Mỹ tại Nhật.

Với hơn 4.000 địa điểm bán hàng trên khắp Nhật Bản, so với chỉ 163 địa điểm bán xe Mỹ hiện tại (trong khi xe châu Âu có tới 1.930 địa điểm), đây có thể là một "cú hích" đáng kể cho sự hiện diện của xe Mỹ tại xứ sở mặt trời mọc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã phàn nàn về sự hiện diện hạn chế của xe Mỹ tại Nhật Bản, nơi các thương hiệu như Jeep, Cadillac hay Chevrolet chỉ chiếm thị phần rất nhỏ.

Tuy nhiên, việc xe Mỹ "bén duyên" ở thị trường Nhật Bản không chỉ là câu chuyện về thuế quan hay mạng lưới phân phối. Các rào cản phi thuế quan mới là thách thức thực sự.

Toyota nhập xe từ Mỹ về bán tại Nhật Bản: Nước đi nghịch lý của hãng ô tô lớn nhất thế giới- Ảnh 3.

Câu chuyện bán Chevrolet Cavalier – một sản phẩm của General Motors – dưới thương hiệu Toyota vào thập niên 1990 có kết quả cay đắng khi xe không phù hợp thị hiếu người Nhật, doanh số èo uột và dự án kết thúc trong lặng lẽ.

Dù Nhật Bản đã dỡ bỏ thuế nhập khẩu xe từ năm 1978, xe Mỹ vẫn chật vật do các yếu tố đặc thù của thị trường nội địa Nhật Bản. Đầu tiên là kích thước xe bởi Nhật Bản có nhiều con phố hẹp, khiến những chiếc xe Mỹ thường có kích thước lớn trở nên khó di chuyển.

Ngoài ra, người tiêu dùng Nhật ưa chuộng xe nhỏ, tiết kiệm xăng, tiện lợi, vốn là thế mạnh của các dòng xe nội địa. Xe Mỹ thường bị đánh giá là "thô, to, hao xăng" – không phù hợp gu thẩm mỹ và kỳ vọng của người tiêu dùng Nhật, vốn đặt cao tiêu chí độ bền, chi tiết và dịch vụ hậu mãi.

Tiếp đó, các quy định sản phẩm của Nhật Bản có xu hướng tập trung vào thiết kế giảm chấn cho người đi bộ trong các vụ tai nạn, thay vì chỉ bảo vệ người lái. Điều này đòi hỏi những thay đổi về thiết kế với xe Mỹ khi nhập khẩu vào Nhật Bản.

Một yếu tố nữa là Nhật Bản yêu cầu bắt buộc hệ thống phanh tự động kích hoạt bằng cảm biến nhằm đối phó với số vụ tai nạn gia tăng do người lái lớn tuổi đạp nhầm chân ga. Điều này khiến xe Mỹ phải tốn thêm chi phí lắp đặt nếu muốn tiếp cận thị trường Nhật Bản.

Những yếu tố này đòi hỏi các nhà sản xuất Mỹ phải có sự bản địa hóa đáng kể nếu muốn thành công.

Số liệu từ Hiệp hội Nhập khẩu ô tô Nhật Bản cho thấy trong nửa đầu năm 2025, Chevrolet chỉ chiếm 0,11% thị phần xe nhập, con số này là 0,16% với Cadillac và 2,51% với Jeep 2,51%, cho thấy ô tô Mỹ chưa hợp thị hiếu người tiêu dùng Nhật Bản.

Thỏa hiệp hay cứng rắn?

Việc Toyota cân nhắc nhập xe từ Mỹ không đơn thuần là quyết định kinh doanh. Đây là nước cờ mềm dẻo mang màu sắc ngoại giao kinh tế, phản ánh sự linh hoạt chiến thuật của các tập đoàn Nhật khi đứng giữa áp lực từ chính phủ Mỹ và yêu cầu bảo vệ lợi ích trong nước.

Toyota không cam kết sẽ thực hiện ngay, nhưng họ cho thấy sẵn sàng đàm phán, sẵn sàng mở cửa. Đó là thông điệp quan trọng đối với Washington.

"Chúng tôi không nói là sẽ làm như vậy nhưng đang thảo luận để cân nhắc khả năng này", Phó Chủ tịch điều hành Hiroki Nakajima của Toyota cho biết.

Toyota nhập xe từ Mỹ về bán tại Nhật Bản: Nước đi nghịch lý của hãng ô tô lớn nhất thế giới- Ảnh 4.

Câu hỏi lớn là nếu Toyota thực sự nhập xe Mỹ về, người Nhật có mua không khi các yếu tố thị trường hiện nay vẫn chưa thay đổi nhiều.

Tại Nhật, đại lý ô tô thường chỉ bán xe của một hãng duy nhất, không như ở Mỹ với các đại lý đa thương hiệu. Hậu quả là xe Mỹ không thể cạnh tranh được với những hãng như Toyota về chuỗi phân phối, hậu mãi.

Tuy nhiên, xét trên bình diện chính trị và đối ngoại, động thái này có thể giúp Nhật Bản giành được thêm thời gian đàm phán, hoặc chí ít giảm được mức thuế tiềm năng áp lên xe Nhật tại Mỹ.

Việc Toyota cân nhắc nhập khẩu xe từ Mỹ không chỉ là một phép thử thị trường, mà là tấm gương phản chiếu sự phức tạp của thương mại toàn cầu thời đại địa chính trị hóa. Ở đó, xe hơi không đơn thuần là phương tiện di chuyển – mà còn là biểu tượng quyền lực, lợi ích và chiến lược quốc gia.

Còn người tiêu dùng Nhật, liệu họ có đón nhận những chiếc xe lạ từ bên kia Thái Bình Dương hay không thì vẫn là một câu hỏi để ngỏ.

*Nguồn: Nikkei, Fortune, BI

Link nội dung: https://tamnhindautu.vn/toyota-nhap-xe-tu-my-ve-ban-tai-nhat-ban-nuoc-di-nghich-ly-cua-hang-o-to-lon-nhat-the-gioi-a70757.html