Trong tiếng Việt, có những từ nhìn thì đơn giản, nhưng khi thốt ra lại nặng như cả một tiếng thở dài. Một trong số đó chính là từ "đành" - một từ ngắn gọn, không hoa mỹ, nhưng lại khiến người ta thấy như có cả một thế giới cảm xúc bị ép lại trong một âm tiết ngắn gọn. Cái cảm xúc ấy có thể là bất lực, có thể là cam chịu, đôi khi lại là xót xa, buông xuôi hoặc một kiểu hy sinh âm thầm.
"Đành" trong tiếng Việt là gì?
Theo Từ Điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Viện Ngôn ngữ học, 2003), "đành" nghĩa là "miễn cưỡng bằng lòng vì suy tính thấy không thể khác được".
Người Việt thường nói:
"Thôi, đành vậy...";
"Đành chịu thôi chứ biết sao giờ";
"Nếu không còn cách nào khác thì đành phải vậy...";
…
Nghe những câu như thế, ta thấy rõ "đành" ở đây không phải là lựa chọn mà là không còn lựa chọn nào khác. Nó không giống như "decide" (quyết định), hay "choose" (chọn lựa) trong tiếng Anh. Nó cũng không hẳn là "surrender" (đầu hàng), vì "đành" không phải là thua cuộc mà là cho thấy một lớp nghĩa biểu thị mọi nỗ lực đều vô ích rồi, chỉ còn biết chấp nhận.
Khi người Việt nói "đành", nghĩa là trong lòng họ đã từng cố, từng nghĩ, từng hy vọng nhưng rồi thực tế buộc họ phải chấp thuận một cách lặng lẽ.

Định nghĩa từ "đành" theo Từ Điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Viện Ngôn ngữ học, 2003)
Dịch sang tiếng Anh? Có thể, nhưng khó gói gọn trong một từ
Tiếng Anh có thể dịch "đành" bằng những cụm từ như: have no choice but…/ reluctantly…/ be resigned to…
Nhưng nhiều người cho rằng, những cách diễn đạt ấy hoặc quá lý trí, hoặc không mang đủ cái thở dài mềm lòng như cách người Việt nói "đành". Bởi "đành" trong tiếng Việt là một từ rất… người khi nó mang theo cả câu chuyện phía sau, cả cảm xúc chưa nói, cả một nỗi day dứt không thốt ra thành lời.
Ví dụ:
"Mình không muốn xa nhau, nhưng đành vậy…", "đành" không chỉ là chấp nhận, mà là chấp nhận trong tiếc nuối.
"Mẹ đành ăn ít lại để dành phần cho con", "đành" không chỉ là hy sinh, mà là sự hy sinh âm thầm, không cần được kể công.
Một từ để người Việt bao dung với chính mình
Tiếng Việt có rất nhiều từ để yêu thương, để dặn dò, để nũng nịu. Nhưng "đành" là từ để vỗ về, để tự tha thứ, để gói ghém nỗi bất lực mà vẫn giữ lòng yên bình. Người Việt không gào lên "Tôi chịu thua!", mà chỉ khẽ nói: "Đành vậy". Một cách chấp nhận đầy văn hoá.
Và kỳ lạ thay, đôi khi nói "đành" cũng là một cách mạnh mẽ. Bởi biết mình đã cố hết sức và đủ dũng cảm để dừng lại, cũng là một loại trưởng thành.

Trong những ngày mưa không kịp mang áo, trong những buổi học nhóm không ai đến, trong lúc yêu thương không thành, hay khi đứng trước lựa chọn mà cả hai đường đều khó… người Việt vẫn thường khẽ nói với nhau: "Thôi, đành vậy…".
Không ai dạy ta phải nói từ đó, nhưng ai lớn lên trong tiếng Việt cũng hiểu "đành" là từ để buông mà không hận, là từ để nuốt nước mắt mà vẫn ngẩng đầu, là một tiếng thở dài có văn hoá, mà chỉ người Việt mới cảm được hết tầng tầng lớp lớp phía sau nó.
Nếu bạn từng nói "đành" trong đời, hẳn bạn cũng từng biết rõ cảm giác vừa nhẹ lòng, vừa đau lòng, vừa không biết nên trách ai, cũng chẳng biết phải làm gì hơn. Thì thôi đành thế…
Tổng hợp