Rau nhiễm chì và kim loại năng, làm sao để nhận biết và loại bỏ?

Nếu mua phải rau nhiễm kim loại nặng, chẳng hạn nhiễm chỉ, việc rửa cẩn thận và nấu kỹ có thể giúp loại bỏ chất độc này không, chuyên gia sẽ giải đáp câu hỏi này.

Rau xanh là nguồn thực phẩm thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày, tuy nhiên, nguy cơ rau nhiễm kim loại nặng như chì, cadmium, thủy ngân... khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng.

Có thể để loại bỏ kim loại và chì trong rau?

Trả lời Báo điện tử VTC News, PGS.TS Cao Trường Sơn, giảng viên Học viện Nông Nghiệp Việt Nam cho biết, rau nhiễm kim loại nặng không có dấu hiệu nào giúp nhận biết bằng mắt thường. Chì và các kim loại khác không làm rau đổi màu hay có mùi vị bất thường, cũng không gây ra phản ứng có thể nhìn thấy khi nấu.

Do đó, phân biệt rau có nhiễm độc hay không bằng cảm quan đối với người tiêu dùng gần như là không thể, trừ khi họ lấy mẫu đem đi phân tích tại các phòng thí nghiệm chuyên môn.

Điều đáng lo ngại hơn là dù có rửa kỹ lưỡng, ngâm nước muối hay nấu chín, bạn cũng không loại bỏ được kim loại nặng đã ngấm sâu vào thân và lá rau. Các chất độc hại này đã tích tụ trong mô thực vật, việc xử lý để khử chúng gần như không khả thi trong điều kiện gia đình.

PGS.TS Cao Trường Sơn nhấn mạnh: “Khi rau đã bị nhiễm kim loại nặng, tốt nhất là không ăn. Các phương pháp loại bỏ kim loại nặng nếu có cũng rất khó thực hiện, đòi hỏi công nghệ cao và chi phí tốn kém, không phù hợp trong sản xuất nhỏ lẻ hay tiêu dùng thông thường".

Rau nhiễm chì và kim loại năng, làm sao để nhận biết và loại bỏ?- Ảnh 1.

Rất khó để loại bỏ kim loại nặng và chì nhiễm trong rau.

Nguyên nhân rau nhiễm kim loại nặng

PGS.TS Cao Trường Sơn cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến rau bị nhiễm chì và các kim loại nặng khác xuất phát từ chính môi trường trồng trọt:

- Nơi trồng: Nếu vùng trồng chứa lượng kim loại nặng vượt ngưỡng cho phép (do ô nhiễm từ các nguồn thải công nghiệp, bãi rác, hoặc do lâu ngày tích tụ phân bón kém chất lượng), rau trồng trên đó sẽ hấp thu các chất độc hại này trong suốt quá trình phát triển.

- Nguồn nước tưới: Nước sông, nước thải từ hoạt động chăn nuôi hoặc một số ngành công nghiệp (như luyện kim, sản xuất hóa chất) có thể mang theo lượng lớn kim loại nặng. Khi tưới cho rau, các chất này dễ dàng thẩm thấu vào rễ, thân và lá cây.

- Phân bón: Một số loại phân bón như phân lân nung chảy, phân chuồng, phân bón công nghiệp giá rẻ có thể chứa lượng kim loại nặng nhất định. Nếu không kiểm soát kỹ, lượng tồn dư này sẽ dần tích tụ trong đất và rau.

- Ô nhiễm không khí: Khu vực trồng rau gần nhà máy, khu công nghiệp, nơi có ống khói thải ra bụi chứa kim loại nặng hoặc đường giao thông lớn thường ô nhiễm không khí. Các hạt bụi rơi xuống đất hoặc bám lên lá rau, lâu ngày dẫn đến nhiễm độc.

Rau nhiễm chì và kim loại năng, làm sao để nhận biết và loại bỏ?- Ảnh 2.

Nếu vùng trồng có chứa lượng kim loại nặng, rau trồng trên đó sẽ hấp thu các chất độc hại này. (Ảnh: Vườn Sài Gòn)

Thay vì tìm cách xử lý khi rau đã nhiễm kim loại, chuyên gia khuyến cáo người dân và nhà sản xuất rau chú trọng ngay từ khâu đầu tiên; lựa chọn đất trồng sạch, không có nguồn ô nhiễm kim loại nặng, tránh trồng rau ven các khu công nghiệp, bãi rác hoặc khu có chất thải chưa xử lý.

Cần sử dụng nguồn nước tưới sạch, không dùng nước thải sinh hoạt, nước sông bị ô nhiễm hay nước từ các khu chăn nuôi không kiểm soát.

Ngoài ra, cần chọn phân bón đạt tiêu chuẩn, tránh lạm dụng phân chuồng không ủ kỹ hoặc phân bón công nghiệp không rõ nguồn gốc. Không trồng rau gần đường lớn hoặc nơi có khói bụi công nghiệp để hạn chế nguy cơ hấp thu kim loại nặng từ không khí.

Người tiêu dùng nên mua rau có nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên sản phẩm được kiểm định chất lượng, rau hữu cơ hoặc đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Link nội dung: https://tamnhindautu.vn/rau-nhiem-chi-va-kim-loai-nang-lam-sao-de-nhan-biet-va-loai-bo-a71481.html