Sau khi hoàn thiện tổ ấm mới, nhiều người thường không kiềm chế được việc mua sắm thêm đủ loại vật dụng gia đình. Thấy món gì dễ thương, giá rẻ là mua về. Nhưng rồi chỉ sau một thời gian ngắn, không gian sống bị lấp đầy bởi những món đồ ít được dùng tới, thậm chí chưa dùng lần nào. Khi nhìn lại, mới thấy có quá nhiều thứ thực chất chỉ mang tính trang trí, hoàn toàn không có giá trị sử dụng và số tiền bỏ ra cũng theo đó mà "đổ sông đổ biển".
1. Nồi chảoLấy ví dụ đơn giản từ các loại nồi chảo, nhà nào cũng có ít nhất vài loại từ chảo chống dính, nồi hấp, đến nồi đất. Nhưng sau vài lần dùng, phần lớn đều bị đẩy vào góc tủ bếp và phủ đầy bụi. Với những gian bếp nhỏ, số lượng nồi nhiều chỉ khiến việc nấu nướng thêm chật chội, khó vệ sinh. Thay vì tích trữ, chỉ cần chuẩn bị một chiếc chảo gang để chiên xào và một nồi inox hấp nấu cơ bản là đã đủ dùng, tiện lợi và tiết kiệm diện tích.

2. Thiết bị nhà bếp nhỏ
Một món lãng phí khác là các thiết bị nhà bếp nhỏ. Nồi chiên không dầu, máy làm mì, máy ép trái cây... được quảng cáo rầm rộ trên mạng như thể là "phép màu" cho căn bếp. Thế nhưng khi mang về nhà, phần lớn lại trở thành đồ dùng một lần. Sự hứng khởi chỉ kéo dài vài ngày, rồi chúng bị đẩy ra ban công, bám bụi không thương tiếc. Máy nướng thì rườm rà, máy xay thịt thì vệ sinh còn mệt hơn thái tay. Nhìn từng món một, giá thành có thể không quá cao, nhưng cộng lại cũng đủ để mua được một chiếc tủ lạnh cao cấp. Nếu không thực sự cần thiết, chỉ nên giữ lại những món thiết yếu như lò vi sóng hoặc nồi cơm điện – những thiết bị được sử dụng hàng ngày.

3. Cốc, bình nước đủ loại
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với những chiếc cốc, bình nước đủ loại. Chỉ vì thấy mẫu mã đẹp, nhiều người liên tục "rút ví", khiến tủ bếp chật kín nhưng chẳng mấy khi dùng hết. Cốc nhựa để lâu dễ mốc, bình giữ nhiệt mua dư chỉ tổ phí phạm. Trong khi đó, chỉ cần 2-3 bộ ly thủy tinh chất lượng để xoay vòng, kèm theo một chiếc bình nước đơn giản nhưng sạch sẽ là đã đủ cho sinh hoạt thường ngày.

4. Chậu hoa, chậu cây
Trên ban công, các chậu hoa cũng không ngoại lệ. Người yêu cây cối thường có thói quen tích chậu, mỗi lần thay cây lại để dành chậu cũ vì "tiếc". Dần dần, ban công biến thành kho chứa lộn xộn, nhiều bụi, khó vệ sinh. Trên thực tế, khi cây phát triển ổn định thì không cần đổi chậu quá thường xuyên. Nếu không dùng nữa, hãy mạnh dạn loại bỏ để không gian gọn gàng hơn.

Các thiết bị chăm sóc sức khỏe tại nhà cũng dễ rơi vào tình trạng tương tự. Máy massage, bồn ngâm chân… nghe thì có vẻ tiện nghi, sang trọng, nhưng dùng vài lần lại thấy không hiệu quả như mong đợi. Máy massage cổ khiến cổ đau hơn, tinh dầu bay hơi nhanh và khá tốn kém. Đặc biệt, những chiếc bồn ngâm chân "thông minh" giá cao có thể trở nên dư thừa sau vài lần sử dụng vì mất thời gian chờ nước nóng, lười vệ sinh và cồng kềnh. Một chiếc chậu nhựa đơn giản dùng khi cần thiết vẫn là giải pháp hợp lý hơn.

Tóm lại, đằng sau những món đồ vô dụng trong gia đình thường là những quyết định chi tiêu bốc đồng: mua theo xu hướng, chạy theo cái đẹp, tin vào quảng cáo quá mức. Hậu quả là tiền mất, nhà chật, tâm trạng cũng nặng nề. Sống tối giản không có nghĩa là thiếu thốn – mà là chọn lọc thông minh. Hãy mua sắm dựa trên nhu cầu thực tế thay vì cảm tính. Giảm bớt những món đồ không cần thiết, bạn sẽ thấy ngôi nhà nhẹ nhõm hơn và ví tiền cũng… thở phào.