Suốt 4 tháng liền, cô Lưu (khoảng 40 tuổi, sống tại Đài Loan - Trung Quốc) không hiểu điều gì đang xảy ra với cơ thể mình. Mỗi ngày, cô đều cảm thấy chướng bụng, đầy hơi, ăn không ngon và đặc biệt buồn nôn ngay cả khi chỉ uống nước lọc. Cảm giác chán ăn, khó chịu ở vùng bụng trên kéo dài dai dẳng rồi lan dần sang bên trái thắt lưng. Nhưng cô chưa bao giờ nghĩ đó là dấu hiệu ung thư.

Ảnh minh họa
Ban đầu, cô cho rằng mình bị trào ngược dạ dày. Kết quả nội soi tại phòng khám cũng chỉ ra điều đó, không có gì nghiêm trọng. Thậm chí chụp X-quang để kiểm tra xương cũng đều bình thường, không phát hiện bất kỳ tổn thương rõ ràng nào. Sau vài tháng như vậy, cô Lưu bắt đầu nghi ngờ là mình mang thai bởi 3 lý do.
Đầu tiên, mấy tháng gần đây kinh nguyệt của cô đột ngột biến mất dù trước đó rất đều. Thứ 2, xét thời gian thì đúng vào thời điểm người chồng thường đi làm xa nghỉ phép dài ngày, quan hệ vợ chồng đều đặn mà không có biện pháp bảo vệ. Cuối cùng, cô cảm thấy các triệu chứng này rất giống khi mang thai 2 đứa con nhiều năm trước.
Lúc đầu, cô Lưu cảm thấy mang thai khi con đã lớn rất xấu hổ nên tạm thời không nói cho ai biết, cũng chủ quan không dùng que thử thai, phó mặc cho “ý trời”. Thế nhưng, đã 4 tháng trôi qua mà cảm giác buồn nôn, mệt mỏi cô cho là thai nghén không kết thúc, còn nặng hơn. Đúng là cô có dấu hiệu tăng cân, bụng to lên nhưng không đáng kể. Vậy là cô quyết định âm thầm tới khoa sản khám.
Thật không ngờ, bác sĩ khoa sản khẳng định cô không hề mang thai mà còn có dấu hiệu mắc ung thư ở hệ tiêu hóa. cô Lưu tới khoa ung bướu và kết quả chỉ ra cô thật sự có khối u tuyến tụy 3cm.
Đừng mất cảnh giác với dấu hiệu của ung thư tuyến tụy!
Bác sĩ điều trị của cô Lưu - Lin Xianghong (Đài Loan, Trung Quốc) chia sẻ: “Lúc đi khám, các chỉ số sinh hóa vẫn chưa rõ ràng nên dễ bị bỏ qua. Đặc biệt là khối u ở phần đuôi tụy - một vị trí rất khó quan sát bằng siêu âm thông thường do bị che khuất bởi khí đường ruột”.
Cũng theo ông, ung thư tuyến tụy được mệnh danh là “vua ung thư” bởi 3 đặc điểm: khó phát hiện, tiến triển âm thầm và tiên lượng cực xấu nếu không được phát hiện sớm. Trường hợp của cô Lưu là minh chứng điển hình.
Vậy vì sao ung thư tụy lại gây buồn nôn, thậm chí khi chỉ uống nước? Bác sĩ Lin giải thích: "Tuyến tụy đóng vai trò quan trọng trong hệ tiêu hóa, tiết ra enzym tiêu hóa và điều hòa đường huyết. Khi khối u hình thành, đặc biệt ở phần đuôi tuyến tụy, nó có thể chèn ép lên các cơ quan lân cận và làm rối loạn quá trình tiêu hóa. Hậu quả là người bệnh dễ cảm thấy đầy bụng, nhanh no, chán ăn và buồn nôn liên tục, đặc biệt sau khi ăn uống".

Ảnh minh họa
Ngoài buồn nôn và nôn mửa, bác sĩ Lin cảnh báo 7 triệu chứng điển hình khác có thể là dấu hiệu sớm của ung thư tuyến tụy như:
- Đau bụng âm ỉ vùng trên rốn, không liên quan đến ăn uống.
- Đau lưng dai dẳng, có thể lan sang eo hoặc vùng vai.
- Chán ăn, nhanh no, ăn ít nhưng không thấy đói trở lại.
- Sụt cân nhanh, dù không ăn kiêng hay thay đổi sinh hoạt.
- Đầy bụng, khó tiêu, kéo dài nhiều ngày không dứt.
- Vàng da, ngứa da, hoặc phân có màu đất sét.
- Xuất hiện khối cứng vùng bụng, có thể kèm cổ trướng.
“Nếu không được chẩn đoán kịp thời, bệnh có thể tiến triển sang giai đoạn muộn rất nhanh. Đáng nói, tuyến tụy nằm sâu trong ổ bụng, nên các khối u tụy thường bị giấu kỹ, khó phát hiện qua siêu âm bụng thông thường. Do đó, nội soi siêu âm hoặc chụp MRI, CT chuyên sâu là cần thiết khi các dấu hiệu kéo dài bất thường” - bác sĩ Lin nói thêm.
Nguồn và ảnh: Stheadline, Aboluowang