Sau nhiều cuộc tranh luận rôm rả nhưng “chẳng thấy có hồi kết” về vấn đề kẻ lương cao, người lương thấp, cuối cùng nhiều người cũng nhận ra: Than thở chê lương của mình, hay hoài nghi về số tiền người khác kiếm được, hình như cũng chẳng giải quyết vấn đề gì ngoài việc... tốn thời gian, lắm khi còn rước bực vào người.
Trong khi đó rõ ràng, người thu nhập mấy chục triệu đến cả trăm triệu/tháng là có. Vậy thì học hỏi từ họ, chẳng phải là tốt hơn sao?
Người lương thấp hỏi người lương cao: Làm sao kiếm mấy chục đến cả trăm triệu/tháng?
Đây là topic "nóng" không kém câu chuyện "lương 20 triệu là siêu thấp luôn á" trong những ngày vừa qua. Từ bức xúc với những lời khẳng định có phần chê bai công sức lao động để kiếm từng đồng lương, không ít người đã chuyển mood sang tinh thần cầu thị, học hỏi.

"Cư dân Threads" chán chuyện chê lương rồi (Ảnh chụp màn hình)
Không chỉ ở Threads, thắc mắc này cũng là một chủ đề cứ thi thoảng lại được bàn tán sôi nổi trong các cộng đồng tâm sự, tìm kiếm việc làm. Suy cho cùng thì đúng là ai cũng muốn tăng thu nhập, việc học hỏi lẫn nhau là chuyện nên làm.
Ở phần bình luận của những bài đăng này, không ít người có mức thu nhập đáng mơ ước, dao động từ 30-50 triệu/tháng tới hơn 100 triệu/tháng, đã thủ thỉ tâm tình coi như 1 phút nhìn lại hành trình tăng thu nhập của bản thân.
Mỗi người một ngành nghề, một chặng đường khác nhau nhưng tất cả đều có 1 điểm chung: Không ngừng học hỏi, làm việc không "nề hà" gì hết rồi cuối cùng cũng thoát cảnh lương thấp.

Đa số dân văn phòng đều khẳng định phải trải qua vài năm nỗ lực, học hỏi thì thu nhập mới cải thiện (Ảnh minh họa)
Gắn bó với 1 công ty, và theo đuổi lộ trình thăng tiến ở đó để tăng lương là lựa chọn của không ít người. Nhưng bên cạnh đó, nhiều người còn kết hợp tìm thêm việc ngoài giờ hành chính, đặc biệt là tìm việc ở nước ngoài - những công việc cho phép làm từ xa. Thế là thành công "chạm" vào mức thu nhập lên tới cả trăm triệu/tháng.

Chia sẻ của người 200-250 triệu/tháng (Ảnh chụp màn hình)

Người thu nhập trung bình 50 triệu/tháng thì cho biết "phải nhận job từ nước ngoài thì tiền mới cao" (Ảnh chụp màn hình)
Khá khó để đúc kết 1 bộ quy tắc hoặc bí quyết "kiếm trăm triệu/tháng", nhưng có thể thấy phần lớn những người làm được điều này đều có những điểm chung, như sau:
1. Thành thạo một ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ, như vậy mới có thể ở Việt Nam mà làm công việc ở nước ngoài.
2. Không ngừng học hỏi, không tiếc tiền nâng cấp "cần câu cơm". Điều này thì dễ hiểu thôi, phải có kỹ năng nghiệp vụ tốt, mới tìm được việc ổn, trả lương cao. Công cụ làm việc nhanh thì hiệu suất làm việc cũng cao, càng có thêm thời gian nghỉ ngơi hoặc tìm thêm việc khác.
3. Chấp nhận vất vả. Đương nhiên rồi, làm gì có chuyện rảnh rang, thảnh thơi mà kiếm cả trăm triệu/tháng được?
Thu nhập cao không phải đích đến cuối cùng, giữ lại được bao nhiêu mới là điều quan trọng
Cố gắng để tăng thu nhập là tinh thần đáng khen ngợi, nhưng trên hành trình ấy, mong chúng ta không quên mất điều cơ bản này: Giữ lại được bao nhiêu tiền quan trọng hơn việc kiếm được bao nhiêu tiền!

Ảnh minh họa
Thực tế cho thấy không ít người kiếm gần trăm triệu/tháng nhưng cuối cùng vẫn trắng tay, vì tháng nào "xào" tháng đó. Họ lao vào vòng xoáy bào sức kiếm tiền, để rồi lại chỉ biết tiêu tiền bù lại sự lao lực.
Thế nên công tâm mà nói, thu nhập cao mà không tiết kiệm được đồng nào, không biết cách đầu tư để tiền sinh lời, suy cho cùng cũng thành vô nghĩa. Giống như việc xả nước vào một chiếc xô, nếu xô thủng thì nước không bao giờ đầy được.
Và bản chất của sự ổn định không nằm ở thu nhập cao, mà ở khả năng kiểm soát dòng tiền, tạo lập lớp đệm tài chính và tích lũy tài sản thực sự.
Chúng ta thường nghe rằng tiền không mua được hạnh phúc. Điều đó đúng nếu tiền chỉ đến rồi đi, hoặc khiến con người rơi vào vòng xoáy của sự so sánh và áp lực tiêu dùng. Nhưng nếu tiền được giữ lại một cách thông minh, thông qua tiết kiệm, đầu tư, nó có thể mang lại sự tự do và cả sự an tâm.
Vậy nên song song với việc học hỏi, tìm cách tăng thu nhập, thiết nghĩ chúng ta cũng nên dành thời gian học cách quản lý tài chính, biết rõ mỗi đồng ra đi vì mục đích gì, và mỗi đồng ở lại đang nằm ở đâu. Chỉ khi làm được điều đó, thu nhập cao mới thực sự là thứ xứng đáng để chúng ta nỗ lực đạt được.