Nữ sinh thi điểm cao nhưng không đại học nào nhận, 1 năm sau mới có giấy báo đỗ nhưng nhà trường tuyên bố: "Em không đủ điều kiện nhập học"

Những tưởng đã nắm chắc tấm vé vào cổng đại học danh giá, nữ sinh Trung Quốc và gia đình ngỡ ngàng khi nghe thông báo của nhà trường.

Ước mơ chạm tay vào cánh cổng đại học danh giá

Ngay từ nhỏ, Lữ Hân Hân ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành một nhà thiết kế chuyên nghiệp. Để hiện thực hóa giấc mơ đó, cô đặt mục tiêu thi đỗ khoa Mỹ thuật của Đại học Thanh Hoa, trường đại học hàng đầu Trung Quốc. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2004, Lữ Hân Hân đã đạt số điểm vượt qua mức chuẩn xét tuyển của Thanh Hoa. Gia đình cô tràn ngập niềm vui, tin rằng con gái sắp bước chân vào ngôi trường mơ ước.

Tuy nhiên, suốt cả mùa hè, trong khi bạn bè đồng trang lứa lần lượt nhận được giấy báo trúng tuyển từ các trường đại học, Lữ Hân Hân vẫn mỏi mòn chờ đợi trong vô vọng. Điều lạ là không chỉ giấy báo của Đại học Thanh Hoa không đến, mà kể cả những nguyện vọng khác mà nữ sinh vốn đủ điểm xét tuyển cũng hoàn toàn bặt vô âm tín.

Thời điểm đó, khi công nghệ thông tin và các dịch vụ tra cứu chưa phát triển, việc tìm hiểu nguyên nhân trở nên cực kỳ khó khăn. Không còn lựa chọn nào khác, Lữ Hân Hân đành nộp hồ sơ và nhập học tại một trường cao đẳng nghề ở Bắc Kinh để tiếp tục con đường học tập.

Nữ sinh thi điểm cao nhưng không đại học nào nhận, 1 năm sau mới có giấy báo đỗ nhưng nhà trường tuyên bố: "Em không đủ điều kiện nhập học"- Ảnh 1.

Đại học Thanh Hoa - ngôi trường danh giá bậc nhất xứ tỷ dân

Sau một năm học tập chăm chỉ tại trường cao đẳng, cuộc sống của Lữ Hân Hân dần ổn định. Thế nhưng, một biến cố bất ngờ đã xảy ra vào cuối năm học thứ nhất. Trong một lần kiểm tra hộp thư, bố cô phát hiện một phong bì lớn, bên ngoài ghi rõ: Giấy báo trúng tuyển Đại học Thanh Hoa, kèm theo tên của chính con gái ông - Lữ Hân Hân.

Quá bất ngờ và xúc động, gia đình lập tức mang giấy báo đến Đại học Thanh Hoa với hy vọng vẫn còn cơ hội nhập học. Tuy nhiên, đại diện phòng tuyển sinh của trường sau khi xác minh đã trả lời: "Giấy báo này được gửi đi từ năm ngoái và đã hết hiệu lực. Em không đủ điều kiện nhập học, trừ khi thi lại kỳ thi tuyển sinh đại học."

Câu trả lời như một cú sốc lớn đối với Lữ Hân Hân. Cô bật khóc ngay tại phòng tuyển sinh, khi nhận ra mình đã thực sự trúng tuyển, nhưng lại không hề hay biết vì không nhận được giấy báo đúng thời điểm.

Tìm kiếm nguyên nhân

Không thể chấp nhận sự việc vô lý này, bố của Lữ Hân Hân đã lặn lội đến bưu điện địa phương, nơi phụ trách việc phát thư và giấy báo trúng tuyển của các học sinh trong khu vực để yêu cầu làm rõ nguyên nhân. Ban đầu, phía bưu điện phủ nhận trách nhiệm, cho rằng sự việc đã xảy ra quá lâu nên không thể xác minh.

Sau nhiều nỗ lực đấu tranh của gia đình, bưu điện cuối cùng phải rà soát lại hệ thống phân phát thư từ và thừa nhận sai sót. Theo đó, một nhân viên bưu tá mới vào nghề trong quá trình phát giấy báo trúng tuyển cho Lữ Hân Hân đã đặt nhầm phong bì vào tủ giao sữa thay vì tủ thư tín của gia đình.

Tại nhiều khu dân cư ở Trung Quốc, người dân thường có hai loại tủ riêng biệt đặt bên ngoài nhà, một tủ dành cho thư từ và một tủ khác để nhận sữa giao hàng ngày. Do sơ suất và thiếu kinh nghiệm, người giao thư đã bỏ nhầm giấy báo quan trọng vào ngăn tủ giao sữa, khiến gia đình hoàn toàn không hay biết trong suốt một năm.

Đến khi một nhân viên giao thư khác vô tình mở nhầm ngăn và phát hiện phong bì, giấy báo mới được đưa về đúng địa chỉ.

Nữ sinh thi điểm cao nhưng không đại học nào nhận, 1 năm sau mới có giấy báo đỗ nhưng nhà trường tuyên bố: "Em không đủ điều kiện nhập học"- Ảnh 2.

Tủ thư tín thường đặt ở các khu tập thể hay chung cư tại Trung Quốc

Dù đã xác nhận sai sót, phía bưu điện cho biết họ không thể có biện pháp khắc phục nào ngoài việc sa thải nhân viên gây ra lỗi. Gia đình Lữ Hân Hân rất thất vọng, nhưng không có thêm lựa chọn nào.

Trước tình cảnh đó, thay vì chìm đắm trong oán trách, nữ sinh Lữ Hân Hân đã đưa ra quyết định đáng khâm phục là trở về ngôi trường cao đẳng và tiếp tục học tập chăm chỉ như trước. Dù Đại học Thanh Hoa là giấc mơ từ thuở nhỏ, nhưng cô hiểu rằng cuộc đời không chỉ có một con đường để thành công. Cô vẫn giữ vững mục tiêu trở thành nhà thiết kế giỏi, tin rằng nỗ lực và đam mê mới là yếu tố quyết định, chứ không chỉ là tên tuổi của một ngôi trường.

(Theo Sohu)

Link nội dung: https://tamnhindautu.vn/nu-sinh-thi-diem-cao-nhung-khong-dai-hoc-nao-nhan-1-nam-sau-moi-co-giay-bao-do-nhung-nha-truong-tuyen-bo-em-khong-du-dieu-kien-nhap-hoc-a73654.html