Conic Boulevard

2 anh em trong 1 gia đình cùng mắc ung thư gan: Phát hiện 'thủ phạm' ẩn khuất đã lâu

Sau khi 2 anh em cùng phát hiện mắc ung thư gan, bác sĩ truy tìm nguyên nhân và phát hiện 'thủ phạm' ẩn khuất trong gia đình đã lâu.

2 anh em trong 1 gia đình cùng mắc ung thư gan

Các trường hợp ung thư gan liên quan tới yếu tố gia đình không phải là quá hiếm gặp với các bác sĩ ung bướu.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Anh, nguyên bác sĩ Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân - Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Trung tâm Ung bướu, Xạ trị và Y học hạt nhân Quốc Tế (Bệnh viện Đa khoa Phương Đông), cho biết trong quá trình thăm khám, bác sĩ đã từng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam (khoảng 70 tuổi tại Hà Nội) đi khám do đau tức vùng bụng, phát hiện khối ung thư gan phải kích thước lớn.

Sau quá trình thăm khám và xét nghiệm, người bệnh được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô tế bào gan – giai đoạn tiến triển. Bệnh nhân được điều trị liệu pháp toàn thân (truyền “thuốc kháng thể đơn dòng kết hợp thuốc miễn dịch” 3 tuần 1 lần). Quá trình điều trị hiệu quả, giai đoạn ung thư giảm từ tiến triển thành trung gian và sau đó đã phẫu thuật cắt được u.

Em gái của bệnh nhân ở nhà cũng đau bụng, vàng da, vàng mắt. Khi đi khám, người này phát hiện ung thư gan giai đoạn muộn hơn. Cô cũng được điều trị liệu pháp toàn thân, nhưng khối u ở vị trí trung tâm của gan, xâm lấn vào ống dẫn mật chính nên không thể phẫu thuật như anh trai, bác sĩ Duy Anh nói.

2 anh em trong 1 gia đình cùng mắc ung thư gan: Phát hiện 'thủ phạm' ẩn khuất đã lâu- Ảnh 1.

Ảnh chụp gan của nam bệnh nhân nam 70 tuổi trước và sau điều trị. (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Bác sĩ Duy Anh cho biết hai anh em trên đều có kết quả xét nghiệm cho thấy virus viêm gan B đang hoạt động. Virus viêm gan B chính là nguyên nhân chính gây ra ung thư gan cho cả hai người.

Sau đó, bác sĩ đã tư vấn cho cả gia đình 2 bệnh nhân xét nghiệm viêm gan B. Trong đó, một số người con được phát hiện nhiễm virus và được tư vấn khám truyền nhiễm để uống thuốc kháng virus.

Bác sĩ Duy Anh cho biết viêm gan virus là thủ phạm hàng đầu gây ra ung thư gan ở Việt Nam. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra người mang virus viêm gan hoạt động nếu không điều trị thì sau 10-20 năm, bệnh có thể tiến triển thành xơ gan, ung thư gan.

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ ung thư gan

Ngoài viêm gan virus, bác sĩ Duy Anh cho biết thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, uống nhiều rượu bia, béo phì là nguyên nhân khiến tỷ lệ ung thư gan ở người trẻ gia tăng những năm gần đây.

Trong đó, ung thư gan gia tăng mạnh do gan nhiễm mỡ và béo phì. Gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ung thư biểu mô tế bào gan. Điểm đáng lo ngại, gan nhiễm mỡ không có triệu chứng sớm, dẫn đến chẩn đoán muộn khi ung thư đã tiến triển.

Ngoài ra, ung thư gan do rượu vẫn duy trì ở mức cao. Rượu gây viêm gan, xơ gan và cuối cùng là ung thư biểu mô tế bào gan, đặc biệt nếu kết hợp với béo phì hoặc viêm gan virus. Việc ăn uống các loại thực phẩm có nhiễm nấm mốc cũng làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư gan.

Để phòng ngừa ung thư gan, bác sĩ Duy Anh khuyên mọi người cần tầm soát có nhiễm viêm gan virus hay không. Nếu nhiễm viêm gan virus thể hoạt động, cần theo dõi điều trị thuốc kháng virus thường xuyên, kết hợp siêu âm tầm soát tổn thương gan và chất chỉ điểm u AFP định kỳ. Trường hợp virus không hoạt động, cần theo dõi định kỳ tầm soát các tổn thương của gan. Tiêm vaccine phòng viêm gan B góp phần ngăn ngừa ung thư.

Người uống rượu cần bỏ rượu bia. Đối với trường hợp gan nhiễm mỡ, cần điều chỉnh lại chế độ ăn, khám và uống thuốc theo chỉ định.

Với những trường hợp có bệnh lý rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, mỡ máu… cần phải siêu âm gan định kỳ (6 tháng/lần). Nếu có gan nhiễm mỡ thời gian siêu âm rút ngắn 4 tháng/lần để tầm soát tổn thương nếu có. 

Bên cạnh đó, người dân cần giữ lối sống lành mạnh, ăn đủ chất, hạn chế thức ăn nhanh giàu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất bảo quản; tập thể dục thường xuyên, kiểm soát cân nặng hợp lý.