Conic Boulevard

2 thứ bẩn nhất trên giường, chứa cả ổ “bệnh” nhưng nhiều người chẳng bao giờ giặt dù đêm nào cũng dùng

Ngay cả những người chăm dọn dẹp nhà cửa cũng rất dễ “bỏ quên” 2 thứ này ở trên giường. Thậm chí nhiều người còn cho rằng chúng sạch nên không cần giặt thường xuyên.

Có không ít người sẵn sàng thay quần áo mỗi ngày, lau sàn thường xuyên, thậm chí ngày nào cũng giặt thảm chùi chân nhưng lại dễ quên 2 thứ cực bẩn trên giường. Đó là lõi gối và nệm (đệm).

Lý do có thể do quá bận rộn hoặc đơn giản là lười biếng hoặc cho rằng giặt vỏ gối và ga giường là đủ, gối và nệm khó bẩn, không cần quá chú trọng vệ sinh. Chúng cũng cồng kềnh, khó giặt và nhiều người cho rằng đem phơi nắng hay phủi qua là đủ sạch. Tuy nhiên, ngay cả các loại gối/nệm kháng khuẩn cũng không “miễn nhiễm” với chất bẩn nếu không được vệ sinh định kỳ và cần thay mới định kỳ. Đây là lý do gối và nệm trở thành 2 thứ bẩn nhất trên giường, thậm chí chứa cả “ổ bệnh” nếu lười vệ sinh:

Tại sao lõi gối lại bẩn đến vậy?

Gối là nơi bạn đặt đầu, mặt và tóc suốt đêm. Nhưng cũng chính vì thế, mỗi đêm, gối “hấp thụ” không ít dầu, mồ hôi, tế bào chết, bụi bẩn và bã nhờn từ da bạn. Dù trông sạch sẽ bên ngoài, bên trong lõi gối lại là môi trường lý tưởng để vi khuẩn và mạt bụi sinh sôi. Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy rằng hơn một phần ba trọng lượng của một chiếc gối đã sử dụng trong hai năm có thể là da chết, phân mạt bụi và vi khuẩn.

2 thứ bẩn nhất trên giường, chứa cả ổ “bệnh” nhưng nhiều người chẳng bao giờ giặt dù đêm nào cũng dùng- Ảnh 1.

Nhất là vào mùa hè, lượng mồ hôi và dầu tiết ra tăng đáng kể, khiến gối nhanh chóng trở thành ổ chứa chất bẩn. Nếu không vệ sinh hoặc thay mới định kỳ, hậu quả nhẹ là nổi mụn, dị ứng. Nặng hơn có thể gây nghẹt mũi, ho hoặc hen suyễn.

Các loại gối phổ biến như gối bông hóa học, gối cao su hay gối lông vũ đều có nhược điểm riêng. Gối từ vải cotton tổng hợp giá rẻ thường khó thoát khí, dễ bám bụi. Gối cao su tuy có tính kháng khuẩn nhưng vẫn cần vệ sinh kỹ lưỡng và đúng cách. Gối cũng dễ tiếp xúc với tay, để điện thoại nên càng dễ bẩn.

Lời khuyên về vệ sinh gối: Cũng giống như vỏ gối, lõi gối cần được giặt thường xuyên. Nếu vỏ gối cần giặt 3 - 5 ngày 1 lần hoặc bất cứ khi nào bẩn thì nên giặt lõi gối ít nhất 6 tháng một lần, gần hơn càng tốt. Nên vứt bỏ lõi gối khi có màu, mùi lạ, biến dạng hoặc thay mới 2 năm 1 lần. Gối sợi tổng hợp có thể giặt máy, nên cho vào túi giặt còn gối cao su không nên vắt mạnh hay phơi nắng. Gối lông vũ nên giặt nhẹ bằng nước lạnh để tránh vón cục. Đồng thời nên phơi gối mỗi tháng 1 - 2 lần, không quá lâu. Có thể dùng gói hút ẩm để giữ lõi gối khô và nên có 2-3 chiếc gối để thay luân phiên.

Nệm bẩn hơn nhiều người tưởng!

Không ít người nghĩ rằng phủ ga giường và giặt nó là đủ sạch, nhưng thực tế, nệm là một trong những vật dụng bẩn nhất trong nhà, thậm chí còn bẩn hơn cả bệ ngồi bồn cầu.

2 thứ bẩn nhất trên giường, chứa cả ổ “bệnh” nhưng nhiều người chẳng bao giờ giặt dù đêm nào cũng dùng- Ảnh 2.

Theo nghiên cứu từ Đại học Bang Ohio (Mỹ), một tấm nệm đã qua sử dụng có thể chứa từ 100.000 đến 10 triệu con mạt bụi - cao hơn rất nhiều so với bồn cầu. Những sinh vật siêu nhỏ này sống bằng cách tiêu thụ tế bào da chết mà con người thải ra hàng ngày. Chúng không chỉ gây ra các vấn đề về da như ngứa ngáy và mụn trứng cá, mà còn có thể kích hoạt các triệu chứng dị ứng và hen suyễn ở những người nhạy cảm.

Ngoài ra, một nghiên cứu được công bố trên Journal of Allergy and Clinical Immunology cho thấy 84% giường ngủ tại các hộ gia đình ở Mỹ có mức độ dị nguyên mạt bụi có thể phát hiện được, với nhiều trường hợp đạt đến ngưỡng có thể gây dị ứng và hen suyễn. Những người bị dị ứng, khó chịu mũi, đau lưng khi thức dậy hoàn toàn có thể đang chịu tác động từ chiếc nệm bẩn chứ không phải do cơ thể họ có vấn đề.

2 thứ bẩn nhất trên giường, chứa cả ổ “bệnh” nhưng nhiều người chẳng bao giờ giặt dù đêm nào cũng dùng- Ảnh 3.

Lời khuyên về vệ sinh nệm: Bạn cần vệ sinh sâu nệm ít nhất mỗi năm một lần. Nếu có điều kiện, sử dụng máy xông hơi nhiệt độ cao để diệt khuẩn hoặc thuê dịch vụ chuyên nghiệp làm sạch tại nhà. Đồng thời nên hút bụi nệm ít nhất 2 lần mỗi tháng, đặc biệt ở các góc và kẽ. Có thể rắc baking soda khử mùi, sau vài giờ hút sạch lại. Quan trọng không kém là không nên nằm nệm trực tiếp, cần thêm lớp bảo vệ nệm (ngoài ga giường) để dễ dàng thay giặt thường xuyên. Cũng có thể phơi nắng nệm 1 tháng 1 - 2 lần khoảng 30 phút.

Nguồn và ảnh: Aboluowang, Family Doctor