3 đặc điểm của đứa trẻ "tố cáo" thẳng thừng mối quan hệ giữa cha mẹ có vấn đề, mong gia đình bạn không có!

Con bạn có 3 đặc điểm này không?

Mới đây, một người mẹ chia sẻ câu chuyện của mình khiến cộng đồng mạng không khỏi suy ngẫm: "Con tôi dạo này đặc biệt cáu gắt, động tí là đập đồ, quát tháo. Ban đầu, tôi nghĩ chắc do con bước vào tuổi dậy thì. Nhưng sau mới nhận ra, vấn đề không nằm ở con, mà nằm ở chính vợ chồng tôi".

Câu chuyện ấy đã chạm đến tâm lý của nhiều bậc phụ huynh, bởi thực tế, rất nhiều biểu hiện "lạ" của con cái lại là tấm gương phản chiếu trạng thái của cha mẹ trong gia đình.

3 đặc điểm của đứa trẻ "tố cáo" thẳng thừng mối quan hệ giữa cha mẹ có vấn đề, mong gia đình bạn không có!- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Khi con "bất ổn", hãy xem lại mối quan hệ của chính mình

Trong tâm lý học có một khái niệm gọi là "lây lan cảm xúc", tức là cảm xúc giữa các thành viên trong gia đình có thể ảnh hưởng lẫn nhau, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Các em rất nhạy cảm với không khí giữa cha và mẹ. Nếu bố mẹ thường xuyên căng thẳng, xung đột, dù không nói ra, con vẫn sẽ "cảm" thấy được và có những phản ứng nhất định.

Dưới đây là 3 biểu hiện phổ biến ở trẻ, tưởng như là vấn đề cá nhân, nhưng thực chất có thể bắt nguồn từ chính sự bất ổn trong quan hệ cha mẹ.

1. Trẻ dễ nổi nóng, mất kiểm soát cảm xúc

Một người mẹ kể lại rằng, con trai chị gần đây rất dễ nổi cáu. Em có thể gắt lên chỉ vì em gái vô tình chạm vào người, hoặc hét lên với bạn khi bị đổ đồ chơi: "Mày cố tình đúng không? Cút đi!".

Ban đầu chị cho rằng đó là tính khí con thay đổi do lớn lên. Nhưng rồi chị nhận ra: những câu nói ấy... rất giống lời chị từng lớn tiếng với chồng trong một lần cãi vã. Dù lúc đó hai vợ chồng tưởng con đang ở trong phòng và không nghe thấy, thì hóa ra, mọi chuyện đều in sâu trong tâm trí đứa trẻ.

Trẻ nhỏ thường không thể phân biệt đâu là hành động "của người lớn", đâu là hành vi cần tránh. Chúng vô thức ghi nhớ cách cha mẹ xử lý mâu thuẫn, bằng giận dữ, quát mắng và dần tái hiện lại trong các tình huống với bạn bè, người thân.

2. Trẻ hay tự trách mình khi bố mẹ mâu thuẫn

Một hình ảnh ám ảnh không ít người lớn: khi bố mẹ đang tranh cãi, đứa trẻ bất ngờ bật khóc và gào lên: "Đừng cãi nhau nữa! Là lỗi của con, con sai rồi…".

Trẻ em chưa đủ khả năng lý giải các mâu thuẫn phức tạp của người lớn. Theo nhà tâm lý học Bowlby, trong tình huống xung đột, trẻ thường có xu hướng nghĩ: "Có phải vì con không ngoan nên bố mẹ mới cãi nhau?".

Nếu tình trạng này kéo dài, đứa trẻ sẽ hình thành tâm lý "lấy lòng người khác để giữ hòa khí", trở thành người luôn cố gắng làm hài lòng, kiềm chế bản thân để không bị trách mắng. Hệ quả là trẻ dễ trở thành người sống phụ thuộc cảm xúc vào người khác, thiếu lòng tin vào bản thân và luôn sợ làm người khác thất vọng.

3. Trẻ trở nên lạnh lùng, khép kín

Một cô bé từng rất cởi mở, hòa đồng, bỗng dưng trở nên khó gần, dễ cáu bẳn. Bạn bè rủ chơi thì tỏ ra khó chịu, người khác nói chuyện thì đáp lại bằng thái độ châm chọc, thậm chí là lời lẽ xúc phạm. Khi thấy bạn cùng lớp bị ngã, thay vì giúp đỡ, em lại cười nhạo: "Xem kìa, ngã như chó ăn đất!".

Hóa ra, thời điểm đó là lúc bố mẹ em đang rạn nứt nghiêm trọng. Cãi vã, chia cách và lạnh nhạt đã tạo ra một khoảng trống lớn trong cảm xúc đứa trẻ. Không được yêu thương đủ đầy, em dần tự "bọc" mình bằng lớp vỏ sắc sảo, lạnh lùng để tự vệ.

Trẻ em lớn lên trong môi trường thiếu sự kết nối tình cảm giữa cha mẹ dễ có cảm giác bất an, mất niềm tin vào các mối quan hệ. Dần dà, chúng thu mình, sợ bị tổn thương và cũng chẳng muốn gần gũi ai.

Cha mẹ đừng nghĩ "chuyện người lớn" là trẻ con không hiểu

Nhiều bậc phụ huynh vẫn cho rằng, chỉ cần cho con ăn no, mặc ấm, học hành đầy đủ là đủ tròn trách nhiệm làm cha mẹ. Nhưng họ quên mất, thứ quan trọng nhất một đứa trẻ cần, chính là cảm giác an toàn mà cảm giác ấy đến từ sự gắn kết, yêu thương giữa bố và mẹ.

Một đứa trẻ sống trong mái nhà mà cha mẹ luôn lạnh nhạt, cáu gắt hoặc phớt lờ nhau, dù đầy đủ vật chất đến đâu, cũng không thể thực sự hạnh phúc.

Vậy cha mẹ có nên tuyệt đối không cãi nhau trước mặt con? Không cần phải lý tưởng hóa như vậy. Nhưng có những điều cần nhớ để con không trở thành nạn nhân của những cuộc chiến cảm xúc.

Làm sao để giữ con khỏi "bão tố" của cha mẹ?

1. Đừng cãi nhau trước mặt con, hoặc ít nhất phải biết dừng đúng lúc

Không ai tránh được mâu thuẫn trong hôn nhân, nhưng điều quan trọng là cách chúng ta ứng xử.

Nếu có bất đồng, hãy tìm không gian riêng để trao đổi. Nếu lỡ nóng giận trước mặt con, hãy quay lại giải thích: "Bố mẹ vừa có ý kiến không giống nhau, nên hơi lớn tiếng. Nhưng đó không phải lỗi của con. Bố mẹ vẫn yêu thương nhau và yêu con".

2. Thường xuyên thể hiện tình cảm trước mặt con

Không cần phải quá lãng mạn. Chỉ cần là những điều nhỏ như gắp thức ăn cho nhau, một cái ôm trước khi đi làm, hay lời cảm ơn giữa vợ chồng. Những hành động tưởng đơn giản lại giúp trẻ cảm thấy nhà là nơi ấm áp và an toàn.

3. Đừng để con trở thành trung tâm duy nhất trong mối quan hệ

Nhiều người nghĩ: "Phải đặt con lên hàng đầu", nhưng thật ra, nếu bố mẹ quên mất mối quan hệ của chính mình, chỉ dồn hết mọi quan tâm vào con, thì khi con lớn, rạn nứt là điều khó tránh.

Tình cảm vợ chồng là nền móng. Khi bố mẹ gắn bó, yêu thương nhau, đó mới là món quà tinh thần lớn nhất dành cho con.

Một đứa trẻ có tâm lý khỏe mạnh thường lớn lên trong một mái nhà êm ấm.

Đừng vội trách con nóng nảy, lạnh lùng hay sống khép kín. Hãy nhìn lại chính mình, nhìn lại bầu không khí trong gia đình. Bởi đôi khi, thay vì "giáo dục" con, điều con cần nhất lại là cha mẹ biết "yêu nhau đúng cách".