Vai trò của nước với cơ thể
Trước tiên, uống nước giúp bạn giải tỏa cơn khát của cơ thể, ngăn ngừa tình trạng thiếu nước, mất nước và mang lại sự tỉnh táo để tiếp tục công việc. Vai trò của nước trong sức khỏe và hệ miễn dịch là không thể phủ nhận.

Nước chiếm phần lớn trọng lượng cơ thể (Nguồn ảnh: Aboluowang)
Nó không chỉ giúp duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể mà còn giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa, làm mềm và bôi trơn các mô, giúp làm sạch cơ thể bằng cách loại bỏ các chất độc hại. Ngoài ra, nước cũng giúp duy trì độ ẩm cho da và mắt, cải thiện tư duy và tăng cường năng lượng.
Hầu hết nhu cầu chất lỏng của mỗi người được đáp ứng thông qua việc bổ sung nước, bổ sung các loại đồ uống hằng ngày, hoặc thực phẩm có hàm lượng nước cao như trái cây mọng nước, rau quả. Nghiên cứu chỉ ra rằng không có đủ nước trong cơ thể người có thể tác động tiêu cực đến khả năng tập trung, sự tỉnh táo và trí nhớ ngắn hạn.
3 không khi uống nước
Theo Aboluowang , dưới đây là 3 lưu ý bạn cần thực hiện khi bổ sung nước vào cơ thể, tránh gây hại tới mạch máu.
Không uống quá nhiều nước một lúc
Nhiều người có thói quen không chia nhỏ các lần uống nước mà tập trung uống một lượng lớn nước vào một thời điểm nào đó, đặc biệt là sau khi tập thể dục hoặc khi cảm thấy khát.
Tuy nhiên, cách làm này rất có hại cho mạch máu. Việc hấp thụ một lượng lớn nước cùng một lúc sẽ khiến lượng chất lỏng trong cơ thể tăng lên đột ngột, dẫn đến thể tích máu tăng vọt trong thời gian ngắn, áp lực lên mạch máu tăng lên, từ đó có thể đẩy nhanh quá trình tổn thương mạch máu.
Đặc biệt là những bệnh nhân mắc bệnh tim hoặc huyết áp cao, rất dễ bị vỡ mạch máu hoặc thậm chí là suy tim do lượng nước tăng đột ngột này. Vì vậy, bạn nên chia nhỏ lượng nước uống, không nên uống tập trung, để tránh gây quá nhiều áp lực cho mạch máu.
Không đợi khát mới bổ sung nước
Khát nước là cách cơ thể phản ứng với tình trạng thiếu nước, báo động cơ thể đang mất nước khá nhiều. Một số người thường bỏ qua việc bổ sung nước, dẫn đến máu đặc, làm tăng gánh nặng cho mạch máu, thậm chí gây ra các vấn đề như huyết áp cao và xơ vữa động mạch. Bạn nên chú ý bổ sung nước phù hợp trong ngày, không nên để tình trạng khát nước xảy ra.
Không uống nước quá nóng hoặc quá lạnh
Vào mùa hè, nước lạnh trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều người; còn vào mùa đông, nước nóng thường được dùng để làm ấm cơ thể. Tuy nhiên, nước quá lạnh hoặc quá nóng đều có thể gây kích ứng mạch máu.
Nước lạnh có thể khiến mạch máu co lại đột ngột, còn nước nóng sẽ làm giãn mạch máu. Sự dao động nhiệt độ thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến độ đàn hồi của mạch máu, thậm chí có thể gây vỡ mạch máu.
Ngoài ra, uống nước quá nóng, trên 65 độ cũng gây nguy cơ mắc ung thư thực quản cao. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), đã phân loại đồ uống nóng trên 65 độ C là chất gây ung thư nhóm 2A. Nghĩa là có thể gây ung thư cho con người.