Conic Boulevard

50 công trình làm thay đổi diện mạo, vị thế TPHCM

Tròn 50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, TPHCM đã chứng kiến sự ra đời của hàng loạt công trình và cụm công trình trọng điểm, không chỉ làm thay đổi diện mạo đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần nâng cao vị thế của thành phố, hòa nhịp cùng bước tiến mạnh mẽ của cả dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Ngày 26/4 vừa qua, Thành ủy TPHCM đã tổ chức công bố, vinh danh 50 công trình, cụm công trình xây dựng tiêu biểu của thành phố, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Các công trình/cụm công trình được vinh danh bao gồm: 8 công trình thuộc nhóm y tế, 5 công trình thuộc nhóm dân dụng - công nghiệp, 17 công trình thuộc nhóm văn hóa - giáo dục, 15 công trình thuộc nhóm hạ tầng - giao thông và 5 công trình thuộc nhóm khu đô thị - nhà ở. Trong số đó, nhiều công trình được đánh giá góp phần thay đổi diện mạo đô thị , thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố.

Đòn bẩy phát triển

Một trong những công trình được vinh danh là dự án nhà ga T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Chia sẻ với PV, ông Lê Khắc Hồng - Trưởng Ban Quản lý dự án nhà ga T3 cho biết, chỉ một tuần trước, nhà ga T3 đã khánh thành và đưa vào khai thác, đánh dấu bước ngoặt lớn cho hệ thống hạ tầng hàng không TPHCM.

50 công trình làm thay đổi diện mạo, vị thế TPHCM- Ảnh 1.

Tháp Tài chính Bitexco - một trong 50 công trình tiêu biểu ở TPHCM Ảnh: Phạm Nguyễn

Theo ông Hồng, trước đó, sân bay Tân Sơn Nhất với hai nhà ga T1 và T2 liên tục quá tải. Nhà ga T1 thiết kế cho 15 triệu hành khách/năm nhưng từng phục vụ đến 26 triệu khách; nhà ga T2 thiết kế cho 13 triệu khách nhưng có lúc khai thác tới 16 triệu khách mỗi năm. Tình trạng ùn tắc cả trên không lẫn dưới mặt đất khiến nhu cầu mở rộng sân bay trở nên cấp thiết.

“Nhà ga T3 – nhà ga quốc nội lớn nhất Việt Nam hiện nay – có công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, nâng tổng năng lực khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu lượt khách/năm, hoàn thiện đúng quy hoạch đề ra. Đây cũng là nhà ga đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ phân loại hành lý tự động và công nghệ sinh trắc học (nhận diện gương mặt) thông qua VNeID, cho phép hành khách tự làm thủ tục nhanh chóng, tiện lợi mà không cần nhân viên hỗ trợ”- ông Lê Khắc Hồng thông tin.

Nói về công trình nhóm nhà ở - khu đô thị, ông Nguyễn Đình Thọ – Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng – chia sẻ về quá trình quy hoạch và phát triển khu đô thị Phú Mỹ Hưng từ năm 1993. Theo ông Thọ, ngay từ đầu, đơn vị đã xác định phát triển đồng bộ hạ tầng nhằm đảm bảo không gian sống chất lượng cho cư dân. Đáng chú ý, hơn 50% diện tích khu đô thị được dành cho cây xanh, mặt nước, tạo môi trường trong lành, gần gũi thiên nhiên. Quy hoạch chức năng cũng được phân chia rõ ràng, kết nối chặt chẽ giữa các khu vực nhà ở, y tế, giáo dục, thương mại và tài chính...

50 công trình làm thay đổi diện mạo, vị thế TPHCM- Ảnh 2.

Một góc của công trình nhà ga T3 - Tân Sơn Nhất. Ảnh: ACV

50 công trình làm thay đổi diện mạo, vị thế TPHCM- Ảnh 3.

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Một công trình được xem là biểu tượng mới trên sông Sài Gòn là cầu Ba Son. Công trình này được khánh thành và thông xe vào dịp 30/4/2022. Ông Nguyễn Quốc Trung – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh (đại diện chủ đầu tư) cho biết công trình này là trọng điểm trên trục giao thông Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng. Cầu dài 1,5km, bắc qua sông Sài Gòn gồm 6 làn xe, thiết kế dây văng với trụ tháp nghiêng về phía Thủ Thiêm. Sau khi hoàn thành, cầu Ba Son đã giúp giảm tải lưu lượng cho hầm Thủ Thiêm và cầu Thủ Thiêm 1, đồng thời kết nối trực tiếp quận 1 với khu đô thị mới Thủ Thiêm và TP Thủ Đức.

“Trong giai đoạn thiết kế, công ty đã mời đơn vị thiết kế cầu dây văng danh tiếng của Phần Lan tham gia, cùng với đội ngũ tư vấn giám sát từ Hàn Quốc và các nhà thầu có kinh nghiệm trong khu vực. Dù gặp không ít khó khăn trong thi công, công trình vẫn đảm bảo tiến độ, chất lượng và đã được nghiệm thu, đưa vào khai thác”- ông Trung cho hay.

Trong khi đó, Khu Công nghệ cao TPHCM và Công viên phần mềm Quang Trung là hai điểm sáng trong lĩnh vực công nghệ, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tri thức của thành phố. Đại học Quốc gia TPHCM trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu quy mô lớn, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả khu vực phía Nam.

Nâng tầm chăm sóc sức khỏe

Về nhóm công trình y tế, ông Lê Văn Dũng – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM chia sẻ: Một trong những công trình trọng điểm là Bệnh viện Nhi đồng Thành phố với quy mô 1.000 giường bệnh, là một trong ba bệnh viện chuyên khoa Nhi tuyến cuối của TPHCM và các tỉnh phía Nam. Bệnh viện được đặt trong quy hoạch tổng thể cụm y tế chuyên sâu tại xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh), nằm ở vị trí chiến lược giao giữa quốc lộ 1, Đại lộ Đông Tây, Vành đai 2 và cao tốc TPHCM – Trung Lương.

Ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, 50 công trình/cụm công trình xây dựng tiêu biểu được bình chọn dựa trên các tiêu chí, như: có quy mô từ nhóm B trở lên, không phân biệt phương thức đầu tư, đã hoàn thành hoặc khởi công trong 50 năm qua. Các công trình không vướng mắc pháp lý, không bị cơ quan chức năng kết luận có sai phạm trong quá trình thực hiện. Quan trọng hơn, công trình nằm trong danh mục đầu tư được xác định tại các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM qua các thời kỳ. Công trình cần có tính chất liên kết vùng, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho TPHCM và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.

“Điều này không chỉ góp phần nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho trẻ em tại TPHCM mà còn hỗ trợ hiệu quả cho các tỉnh như Long An, Tây Ninh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” - ông Dũng nói.

Về công trình Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cơ sở 2 ở TP Thủ Đức, TS.BS Diệp Bảo Tuấn – Giám đốc bệnh viện cho biết, công trình có quy mô lớn, hiện đại với 1.000 giường nội trú, phục vụ khoảng 50.000 lượt bệnh nhân đến khám mỗi ngày. Bệnh viện được khởi công vào năm 2016 và đến năm 2020, khu khám bệnh của bệnh viện đi vào hoạt động nhằm giải quyết tình trạng quá tải tại cơ sở 1. Hiện nay, bệnh viện có 18 phòng mổ hiện đại, tích hợp hệ thống không khí áp lực dương tiên tiến nhằm hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn. Các phòng bệnh đều được trang bị điều hòa trung tâm, nhà vệ sinh khép kín, đáp ứng tiêu chuẩn chăm sóc bệnh nhân quốc tế. Đặc biệt, bệnh viện còn có sân bay trực thăng, sẵn sàng tham gia hệ thống cấp cứu hàng không cho khu vực phía Đông TPHCM trong tương lai. Công trình kết nối thuận tiện với tuyến Metro số 1 và Bến xe Miền Đông mới, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao.

“Chúng tôi hướng tới xây dựng cơ sở y tế chuyên về ung bướu ngang tầm khu vực Đông Nam Á” - TS.BS Diệp Bảo Tuấn cho hay.