Trong thời đại giao tiếp số lên ngôi, nhắn tin không đơn thuần chỉ là phương tiện truyền tải thông tin mà còn phản ánh trình độ cảm xúc, mức độ tinh tế và khả năng duy trì các mối quan hệ. Người sở hữu EQ cao – những người giàu thấu cảm, giỏi kiểm soát cảm xúc và cư xử chừng mực – thường có những quy chuẩn nhất định trong cách họ gửi tin nhắn. Ngược lại, người EQ thấp dễ khiến cuộc trò chuyện mất kết nối, thậm chí vô tình làm người khác tổn thương.
Dưới đây là 3 kiểu nhắn tin mà người EQ cao "ghét cay ghét đắng", trong khi người EQ thấp lại vô tư sử dụng:
1. Nhắn cụt lủn
Nhiều người thường dùng những câu ngắn, cụt lủn khi nhắn tin như: “Ừ”, “Biết rồi”, “Tùy”. Kiểu nhắn này không sai – nhưng trong nhiều trường hợp, nó có thể tạo cảm giác lạnh lùng, dửng dưng hoặc thiếu thiện chí. Người EQ thấp lại thường chọn kiểu nhắn này để… tiết kiệm thời gian hoặc “cho nhanh gọn”, mà không cân nhắc cảm xúc người nhận.
Trong khi đó, người EQ cao lại không sử dụng những kiểu câu này. Họ hiểu rõ rằng giao tiếp không chỉ là câu chữ, mà còn là cảm xúc và thiện chí. Việc nhắn tin cụt lủn, không biểu đạt được thái độ khiến họ cảm thấy đối phương đang lạnh lùng, thiếu tôn trọng hoặc muốn kết thúc cuộc trò chuyện.
2. Chèn cảm xúc tiêu cực một cách vô thức
“Sao cũng được”, “Thấy cũng chẳng vui”, “Thế thì thôi vậy”.... là những kiểu nhắn nặng tính thụ động và tiêu cực, thường khiến cuộc trò chuyện trở nên nặng nề. Người EQ thấp hay dùng những câu kiểu “có cũng như không” để mong đối phương đoán ý hoặc phải tự hiểu. Vấn đề là: không ai có khả năng đọc được suy nghĩ người khác qua màn hình. Bên cạnh đó, kiểu nhắn này dễ khiến đối phương thấy nặng nề, bị hút vào trạng thái tiêu cực mà không biết phản hồi ra sao.
Trong khi đó, người có trí tuệ cảm xúc cao luôn nỗ lực duy trì bầu không khí tích cực trong giao tiếp. Họ không chối bỏ cảm xúc tiêu cực, nhưng biết cách diễn đạt sao cho không làm ảnh hưởng đến tâm trạng người đối diện. Họ chọn bày tỏ một cách chừng mực, tránh khiến người khác cảm thấy bị áp lực hay áy náy.
3. Trả lời quá nhanh hoặc quá chậm để "dằn mặt" người khác
Tin nhắn không chỉ truyền tải nội dung qua câu chữ, mà còn thể hiện thái độ qua cách và thời điểm phản hồi. Người có EQ thấp thường rơi vào hai cực đoan: hoặc cố tình "seen nhưng không trả lời" như một cách thể hiện sự thờ ơ, hoặc liên tục nhắn tin dồn dập khi chưa nhận được phản hồi, tạo áp lực cho người đối thoại. Cả hai đều là biểu hiện của sự thiếu tinh tế trong việc điều tiết cảm xúc và thấu hiểu người khác.
Trong khi đó, người có EQ cao luôn cân nhắc hoàn cảnh và tâm lý của đối phương. Họ biết khi nào nên trả lời ngay, khi nào nên chờ thời điểm thích hợp; và nếu buộc phải phản hồi muộn, họ sẽ chủ động xin lỗi hoặc giải thích – để đối phương không phải băn khoăn, suy đoán hay cảm thấy bị phớt lờ.
(Theo Sohu)