3 kiểu trả lời tin nhắn người EQ cao luôn tránh

Nếu muốn trở thành người giao tiếp tinh tế hơn, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất.

EQ cao không chỉ thể hiện qua cách nói chuyện ngoài đời, mà còn hiện rõ qua từng dòng tin nhắn. Có những người dù không cố ý nhưng cách phản hồi lại vô tình khiến người khác tổn thương, mất hứng, thậm chí thấy mình đang bị coi thường. Trong khi đó, người có EQ cao lại rất tinh tế, luôn biết tránh những cách trả lời dễ gây hiểu lầm hoặc tạo cảm giác tiêu cực cho người nhận.

Một bạn trẻ từng đặt câu hỏi với ChatGPT rằng: "EQ cao có thể hiện trong tin nhắn không?". Câu trả lời là có, và thậm chí còn rất rõ. Bởi vì khác với giao tiếp trực tiếp, tin nhắn không có giọng điệu, không có biểu cảm, nên chỉ cần một cách diễn đạt không khéo léo cũng dễ gây hiểu sai. Người EQ cao hiểu điều đó, nên họ rất thận trọng với cách phản hồi của mình.

Dưới đây là 3 kiểu trả lời tin nhắn mà người EQ cao luôn tránh, không phải vì họ sợ nói sai, mà vì họ luôn đặt cảm xúc của người đối diện lên hàng đầu.

1. "Tùy"/ "Sao cũng được"/ "Thế nào cũng được"

Nghe qua thì tưởng là một cách tôn trọng ý kiến người khác, nhưng thực tế, những câu này dễ tạo cảm giác thờ ơ, thiếu nhiệt tình. Trong nhiều tình huống, nó còn khiến người hỏi cảm thấy như đang bị "giao kèo ngược", bị ép phải quyết thay cả phần người kia.

Thay vì né tránh quyết định bằng những câu trả lời lửng lơ, người EQ cao sẽ chọn cách chủ động hơn, chẳng hạn như: "Mình thấy đi quán A sẽ ổn hơn vì gần, cậu thấy sao?" hoặc "Mình ok cả hai, nếu cậu thích B thì mình theo nhé!". Cách này vừa thể hiện sự quan tâm, vừa không khiến đối phương phải gánh hết trách nhiệm lựa chọn.

Ảnh minh họa

2. Trả lời cụt lủn, thiếu cảm xúc

Những phản hồi kiểu "ừ", "ok", "biết rồi", "ờ" có thể làm người khác thấy bị cụt hứng, nhất là trong những cuộc trò chuyện cần sự tương tác tình cảm. Dù ý định ban đầu chỉ là xác nhận thông tin, nhưng sự tối giản quá mức dễ bị hiểu lầm là thiếu thiện chí hoặc đang khó chịu.

Người EQ cao thường thêm chút "gia vị" vào tin nhắn của mình để giữ sự kết nối, ví dụ như: "Ừa mình thấy rồi nè, cảm ơn nhé!" hoặc "Okie, mai gặp nha!". Một chút ấm áp, thân thiện không tốn thời gian nhưng lại giúp duy trì mối quan hệ tốt hơn rất nhiều.

3. "Tui đã nói rồi mà"/ "Đã bảo rồi"

Những câu này nghe thì vô hại nhưng dễ khiến người khác cảm thấy bị dằn mặt hoặc không được tôn trọng. Khi đối phương sai hoặc không để ý điều gì đó, việc nhắc lại mình đúng không giúp ích gì, mà còn khiến họ cảm thấy nhỏ bé, ngại ngùng.

Người EQ cao hiểu rằng đúng sai không quan trọng bằng cảm xúc. Thay vì "bồi thêm" vào chỗ sai của người khác, họ chọn cách giải quyết nhẹ nhàng như: "Không sao đâu, giờ mình biết rồi là được" hoặc "May mà giờ phát hiện kịp, ổn mà!". Nhẹ nhàng như vậy, vừa giữ được sự thoải mái cho người kia, vừa thể hiện sự tôn trọng và tinh tế của chính mình.