3,7 triệu lao động nước ngoài cần lưu ý trước thông tin mới được chính phủ Nhật Bản công bố

Cơ quan mới này có thể đề xuất cấm cấp visa hoặc tái nhập cảnh với người nước ngoài tại Nhật Bản.

Trong một động thái đáng chú ý ngay trước thềm cuộc bầu cử thượng viện vào Chủ Nhật, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã công bố thành lập một lực lượng đặc nhiệm mới, chính thức được gọi là "Văn phòng Xúc tiến Xã hội Cùng Tồn Tại Hài Hòa với Người Nước Ngoài" (Office for the Promotion of a Society of Harmonious Coexistence with Foreign Nationals).

Hãng tin CNN cho hay quyết định này không chỉ phản ánh những lo ngại ngày càng tăng về tác động của người nước ngoài và du khách đối với xã hội Nhật Bản mà còn là một nước cờ chính trị nhạy bén trong bối cảnh cuộc đua giành phiếu bầu đang nóng lên.

Theo Thủ tướng Shigeru Ishiba, lực lượng đặc nhiệm mới sẽ đóng vai trò là một "trung tâm chỉ huy", phụ trách các vấn đề liên quan đến người nước ngoài: từ kiểm soát nhập cư, mua đất, trốn đóng bảo hiểm, đến nợ viện phí.

"Chúng tôi sẽ hành động nghiêm khắc với những người không tuân thủ luật lệ," ông nhấn mạnh.

Vấn đề nóng

Trong nhiều năm, Nhật Bản đã nỗ lực thu hút người nước ngoài để vực dậy nền kinh tế trì trệ, vốn phải đối mặt với tỷ lệ sinh giảm sâu và dân số già hóa nhanh chóng. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng số lượng lao động nước ngoài và đặc biệt là sự bùng nổ của ngành du lịch sau đại dịch COVID-19, những bức xúc trong xã hội Nhật Bản cũng bắt đầu nổi lên.

Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, nước này đã đón tiếp kỷ lục 21,5 triệu du khách nước ngoài trong nửa đầu năm nay. Năm ngoái, Nhật Bản là địa điểm du lịch hút khách nhiều thứ 8 thế giới và top đầu Châu Á.

Mặc dù người nước ngoài chỉ chiếm khoảng 3% tổng dân số hơn 120 triệu người, sự gia tăng đột biến của du khách đã gây ra nhiều phiền toái cho người dân địa phương.

Từ việc quá tải ở các điểm du lịch nổi tiếng (ví dụ như việc phải tạm thời chặn tầm nhìn núi Phú Sĩ từ một cửa hàng tiện lợi do quá đông người), đến lo ngại về thiếu hụt nguồn cung (đặc biệt là gạo) và lạm phát, những căng thẳng này đã trở thành một vấn đề được tranh luận gay gắt.

Một số thậm chí còn đổ lỗi cho người nước ngoài làm quá tải hệ thống bảo hiểm y tế, thu mua bất động sản đẩy giá nhà lên cao hay cướp việc của người bản địa.

"Người nước ngoài đến Nhật Bản vì họ không có thu nhập tốt tại quê hương", một cụ bà Nhật Bản 78 tuổi trả lời hãng tin CNN.

"Văn hóa quá khác biệt nên chúng tôi không thể sống cùng nhau. Tôi nghĩ trợ cấp của chính phủ vẫn chưa ưu tiên đủ nhiều cho người Nhật Bản bản địa", cô Kouyama Nanami, một nhân viên văn phòng nói với CNN khi đọc được nhiều thông tin rằng nhiều chương trình an sinh xã hội được áp dụng cho người nước ngoài không phải công dân Nhật Bản.

Tuy nhiên, liệu những lo ngại này có chính đáng? Giáo sư xã hội học Shunsuke Tanabe của Đại học Waseda cho rằng nhiều niềm tin tiêu cực xung quanh người nhập cư – như ý tưởng về tỷ lệ tội phạm gia tăng – xuất phát từ những thông tin sai lệch và tuyên bố gây hiểu lầm trong các chiến dịch tranh cử.

Ông chỉ ra rằng tội phạm ở Nhật Bản đã giảm trong 20 năm qua, bất chấp sự gia tăng của khách du lịch và cư dân nước ngoài.

"Rõ ràng là có nhiều người nước ngoài hơn ở Nhật Bản và người dân bắt đầu cho rằng vì thế mà an ninh công cộng trở nên tệ hơn. Hậu quả là các chiến dịch tiêu cực lan truyền trên mạng xã hội được nhiều người hưởng ứng, khiến họ nghĩ rằng các đảng phái hứa hẹn ‘bảo vệ’ xã hội khỏi những mối đe dọa tưởng tượng này", giáo sư Tanabe khẳng định.

"Hầu như không có sự khác biệt giữa công dân Nhật Bản và người nước ngoài về tỷ lệ tội phạm," ông Tanabe bổ sung.

Theo sách trắng của Bộ Tư pháp Nhật Bản năm 2023, nước này bắt giữ 9.726 người nước ngoài vì các cáo buộc phạm tội, chiếm 5,3% tổng số người bị bắt. Con số này bao gồm cả khách du lịch và cư dân nước ngoài.

Trớ trêu hơn là chính phủ Nhật trong nhiều năm qua đã cố gắng mở cửa đón người nước ngoài để đối phó với tình trạng dân số già và tỷ lệ sinh chạm đáy (1,15 năm 2024 – mức thấp kỷ lục). Hàng triệu lao động ngoại quốc đã đến Nhật theo diện "lao động kỹ năng đặc định", làm việc trong các lĩnh vực thiếu nhân lực như điều dưỡng, du lịch, xây dựng, hàng không...

Thực tế là Nhật Bản vẫn cần người lao động nước ngoài một cách cấp thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.

Thủ tướng Shigeru Ishiba cũng đã thừa nhận điều này trong thông báo của mình: "Khi Nhật Bản đối mặt với những thách thức về tỷ lệ sinh giảm và dân số già hóa, điều cần thiết là chúng ta phải tiếp thu sức sống của cộng đồng quốc tế, thông qua việc chấp nhận một số lượng nhất định lao động nước ngoài và mở rộng du lịch inbound, để đảm bảo một quá trình chuyển đổi suôn sẻ sang nền kinh tế định hướng tăng trưởng."

Áp lực

Theo CNN, Thủ tướng Shigeru Ishiba đã viện dẫn "các tội phạm hoặc hành vi gây phiền toái do một số người nước ngoài gây ra" và "việc sử dụng không phù hợp các hệ thống chính phủ" như lý do để thành lập lực lượng đặc nhiệm này.

Ông cam kết sẽ "có hành động nghiêm khắc đối với những người không tuân thủ quy tắc", đồng thời cho biết văn phòng mới sẽ điều phối các chính sách về nhập cư, việc mua đất của người nước ngoài và các vấn đề bảo hiểm xã hội chưa thanh toán.

Sự xuất hiện của lực lượng đặc nhiệm này không thể tách rời khỏi bối cảnh chính trị hiện tại. Các nhà phân tích cho rằng Thủ tướng Shigeru Ishiba đang chịu áp lực lớn khi chiến dịch tranh cử bước vào giai đoạn cuối, nơi những lo ngại về "người nước ngoài vô trách nhiệm" và "khách du lịch vô kỷ luật" đã trở thành tâm điểm.

Đáng chú ý là sự trỗi dậy của Sanseito, một đảng cánh hữu nhỏ đang vận động chống lại người nhập cư và thúc đẩy các chính sách "Nhật Bản trên hết". Mặc dù Sanseito khó có thể giành đa số, nhưng dự kiến sẽ giành được 10 đến 15 ghế, có khả năng làm suy yếu đa số của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Shigeru Ishiba.

Năm 2024, lần đầu tiên sau 15 năm, đảng LDP cầm quyền và đối tác liên minh Komeito đã mất đa số tại hạ viện và việc mất thượng viện vào cuối tuần này có thể gây thêm áp lực buộc Thủ tướng Shigeru Ishiba phải từ chức.

Giảng viên nghiên cứu Nhật Bản Jeffrey Hall tại Đại học Quốc tế Kanda nhận định: "Các đảng chống nhập cư như Sanseito đang tận dụng cơ hội này để lợi dụng những quan niệm sai lầm của công chúng, nỗi sợ hãi của công chúng về nhập cư và về người nước ngoài để lấy phiếu từ LDP."

Việc thành lập văn phòng mới có thể giúp LDP thể hiện rằng họ đang "cứng rắn về vấn đề này", nhưng Hall cảnh báo rằng sẽ phải trả giá.

"Nếu Nhật Bản trở thành một xã hội giám sát chặt chẽ người nước ngoài đến mức họ cảm thấy không được chào đón, điều đó có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng của các doanh nghiệp trong việc thu hút những lao động nước ngoài mà họ cần," ông nói.

*Nguồn: CNN, Fortune, BI