5 dấu hiệu người sắp thoát khỏi vận đen tài chính

Bạn đếm xem mình đang có những dấu hiệu nào nhé.

Làm hoài vẫn không dư ra được đồng nào, xài tiền như có ai xui khiến, tháng nào cũng kết thúc với cụm từ "rút tiếp quỹ dự phòng" (mà đôi khi còn chẳng có quỹ nào để rút). Thậm chí có thời điểm, mọi thứ xảy ra liên tiếp: laptop hỏng, công ty cắt lương, người thân hỏi vay gấp… Cảm giác tiền bạc cứ tuột khỏi tay nhanh hơn cả tốc độ mở ví. Và khi tình trạng đó kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, người ta bắt đầu gọi tên nó là: vận đen tài chính.

Không ít người tự nhận mình “đen” về tiền bạc. Nhưng thực tế, thứ được gọi là “vận đen” ấy lại thường bắt nguồn từ một chuỗi thói quen sai lầm lặp đi lặp lại: tiêu tiền để giải khuây, không kiểm soát chi tiêu, né tránh đối mặt với tình hình tài chính, hoặc đơn giản là thiếu kiến thức cơ bản về tiền.

Bạn rơi vào trạng thái "vận đen tài chính". Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, nếu bạn đang bắt đầu nhận ra những chuyển biến nhỏ, đó có thể là tín hiệu rõ ràng rằng bạn đang từng bước thoát khỏi vùng xám xịt ấy. Không nhờ trúng số, không cần tăng lương bất ngờ, mà là nhờ chính bạn đang thay đổi cách sống với tiền, theo hướng khôn ngoan hơn.

1. Bạn bắt đầu biết mình đang có bao nhiêu - và thiếu bao nhiêu

Điều tưởng chừng đơn giản này lại là điều rất nhiều người trẻ né tránh. Bởi khi chưa có nhiều tiền, người ta thường có xu hướng "nhắm mắt cho qua": không kiểm tra số dư ngân hàng, không đối chiếu chi tiêu, không biết mình nợ bao nhiêu, cũng không chắc mình đã chi vào đâu.

Nhưng khi bạn có khoảnh khắc nghiêm túc nhìn vào tài khoản, liệt kê từng khoản vay, đối chiếu dòng tiền thu – chi trong tháng, bạn đã vượt qua một trong những rào cản tâm lý lớn nhất. Forbes từng viết: "Không ai có thể sửa chữa điều mà họ không biết là đang hỏng". Việc nhận thức rõ bức tranh tài chính cá nhân - dù có thể hơi "toang" cũng là bước đầu tiên để thoát ra khỏi nó.

2. Bạn ngưng đổ lỗi cho hoàn cảnh, và bắt đầu thay đổi từ bản thân

Đúng là lương thấp, vật giá leo thang, nhiều gánh nặng không tên - đó là những yếu tố khách quan không thể phủ nhận. 

Nhưng sẽ có một bước ngoặt xảy ra khi bạn ngừng lặp lại câu "Tại vì…" và chuyển sang câu hỏi "Giờ mình nên làm gì?". 

Bạn tập thói quen đi chợ nấu ăn chẳng hạn. Ảnh minh họa.

Bạn không còn chờ đợi người khác hỗ trợ hay hy vọng tình hình tự tốt lên. Thay vào đó, bạn chủ động tìm cách sống vừa với thu nhập, cắt bỏ những khoản chi thiếu kiểm soát, nhận thêm việc nếu cần, học cách từ chối những lời rủ rê "tạm vui" mà hậu quả là đầu tháng ăn sang, cuối tháng ăn mì gói.

Đó không chỉ là dấu hiệu của người thoát đen tài chính, mà còn là biểu hiện của một người dần kiểm soát cuộc đời mình.

3. Bạn biết cách từ chối những khoản chi "mua vui nhất thời"

Rất nhiều người trẻ rơi vào tình trạng chi tiêu vì cảm xúc - tiêu tiền như một cách chữa lành tâm trạng. Mệt thì phải tự thưởng, buồn thì phải đi mua sắm, stress thì phải order trà sữa.

 Nhưng bạn biết mình đang thay đổi khi trước một món đồ đang sale hay một buổi tụ tập cuối tháng, bạn có thể dừng lại vài giây để tự hỏi: "Mình có thực sự cần cái này không?", "Mình đang chi vì lý do gì?". 

Khi bạn bắt đầu suy nghĩ như vậy, có nghĩa là bạn đang đặt tiền dưới sự điều khiển của lý trí, chứ không phải cảm xúc. Đây là dấu hiệu của "sự trưởng thành tài chính ban đầu": khả năng phân biệt mong muốn và nhu cầu – kỹ năng sống sót cực kỳ quan trọng trong thế giới vật chất đầy cám dỗ này.

4. Bạn có một khoản tiền bắt đầu "đứng yên" trong tài khoản

Có thể chưa đủ lớn để gọi là tiết kiệm, chưa gọi được tên là "quỹ đầu tư", nhưng nó không còn biến mất hoàn toàn sau mỗi kỳ lương.

Ảnh minh họa.

Đó có thể là 500 nghìn còn dư cuối tháng, hoặc vài trăm ngàn bạn chủ động giữ lại thay vì tiêu cho bằng hết. Khoản tiền ấy chính là hạt giống đầu tiên của việc xây dựng tài chính lành mạnh. Khi bạn nhận ra mình không còn tiêu sạch mọi thứ mình kiếm được, bạn đã bắt đầu tách mình ra khỏi vòng xoáy "thu bao nhiêu - hết bấy nhiêu" vốn là đặc điểm điển hình của người chưa làm chủ được tài chính.

5. Bạn bắt đầu thoải mái nói về tiền và có mục tiêu tài chính cụ thể

Đây là tín hiệu rõ ràng nhất của việc thoát khỏi vận đen tài chính. Rất nhiều người từng né tránh mọi cuộc trò chuyện liên quan đến tiền, vì ngại, vì xấu hổ, vì không biết bắt đầu từ đâu.

 Nhưng khi bạn dám hỏi bạn bè về cách họ tiết kiệm, bắt đầu tìm đọc sách tài chính cá nhân, nghe podcast về đầu tư, hay đơn giản là bắt đầu nói ra: "Tôi muốn để dành 5 triệu cho Tết" - nghĩa là bạn đang bước sang vùng đất mới: vùng của người biết mình muốn gì với tiền.

Vận đen tài chính không tự nhiên sinh ra, và cũng không tự dưng biến mất. Nó là kết quả của một chuỗi thói quen, lối sống và tư duy kéo dài và để thoát ra khỏi nó cũng cần một chuỗi lựa chọn mới. Những dấu hiệu ở trên có thể nhỏ, có thể chưa đủ giúp bạn bỗng nhiên giàu lên sau một đêm, nhưng chúng là nền móng để bạn xây lại mối quan hệ lành mạnh với tiền. Tiền bạc sẽ luôn là một phần không thể thiếu của cuộc sống, và cách bạn đối xử với tiền cũng phản ánh cách bạn đối xử với chính mình: bạn có cho mình cơ hội được sống dễ thở hơn, được an tâm hơn, hay cứ chấp nhận lặp lại chuỗi ngày chạy theo hóa đơn, mượn tạm để lấp chỗ trống rồi lại rơi vào hố sâu mới?