Anh trai bật khóc ôm chặt kỷ vật của người em liệt sĩ sau 58 năm đợi chờ: Khoảnh khắc vỡ òa của nỗi nhớ, nỗi đau, không thể diễn tả bằng lời!

Khoảnh khắc người thân liệt sĩ Kha Văn Việt ôm chặt kỷ vật, nước mắt lăn dài, là minh chứng cho giá trị của hòa bình và sự hy sinh thầm lặng của thế hệ cha ông.

Tối 27/4, chương trình cầu truyền hình chính luận nghệ thuật “Vang mãi khúc khải hoàn” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại 3 điểm cầu Hà Nội, Quảng Trị và TP.HCM, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Chương trình có sự tham dự của Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở 3 điểm cầu: Hà Nội, Quảng Trị và TP.HCM. Cùng với đó là sự góp mặt của các vị lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ và các chứng nhân lịch sử.

Cựu binh Mỹ trao trả kỷ vật cho gia đình liệt sĩ sau 58 năm

Điểm nhấn đầy cảm xúc của chương trình là câu chuyện về liệt sĩ Kha Văn Việt, sinh ra tại huyện miền núi nghèo Tương Dương, Nghệ An. Liệt sĩ Kha Văn Việt đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khi tuổi đời mới chỉ 20. Nỗi đau và mất mát của gia đình liệt sĩ Kha Văn Việt càng nhân lên khi người chiến sĩ ấy ra đi mà không để lại một kỷ vật nào ngoài tờ giấy chứng tử.

Tờ giấy chứng tử và tấm bằng Tổ Quốc ghi công là những gì mà liệt sĩ Kha Văn Việt để lại cho gia đình.

Những tưởng hình ảnh về người em trai, người con Kha Văn Việt sẽ chỉ còn lại trong trí nhớ, trong những mảng kí ức của người thân, thế nhưng sau hơn 50 năm ngày liệt sĩ Kha Văn Việt hy sinh, những kỷ vật của người chiến sĩ anh dũng lần đầu tiên được trả về với gia đình.

Một cựu binh Mỹ tên Adolph Novello đã mang kỷ vật của liệt sĩ Kha Văn Việt cùng nhiều liệt sĩ khác trở lại Việt Nam, với mong muốn trao trả cho thân nhân các liệt sĩ.

Ông Adolph Novello, cựu binh Mỹ ở Đại đội E, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Thủy quân lục chiến, quân đội Hoa Kỳ. Trước đây, ông từng tham chiến tại Việt Nam giai đoạn 1967 – 1968. Với ông, sự tàn khốc của chiến tranh vẫn như những đoạn phim đen trắng lặp đi lặp lại trong ký ức mà ông luôn tìm cách tránh né. Tất cả được ông giữ kín trong tim và đóng chặt trong một chiếc hộp.

Những kỷ vật của liệt sĩ Kha Văn Việt từng được ông Adolph Novello cất giữ suốt 58 năm và khoảnh khắc đầy xúc động trên sân khấu "Vang mãi khúc khải hoàn".

Ekip Vang mãi khúc khải hoàn đã tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa người cựu binh Mỹ và gia đình liệt sĩ Kha Văn Việt, ngay tại sân khấu của cầu truyền hình.

Khoảnh khắc cầm trên tay chiếc hộp chứa đựng những kỷ vật của liệt sĩ Kha Văn Việt, ông Kha Dương Tiến, anh trai của liệt sĩ Kha Văn Việt đã không kìm được nước mắt.

Anh trai liệt sĩ Kha Văn Việt nghẹn ngào ôm chặt kỷ vật của em trai.

Ngoài kỷ vật của liệt sĩ Kha Văn Việt, ông Adolph cũng lưu giữ các kỷ vật của nhiều liệt sĩ khác nhưng vẫn chưa tìm được chủ nhân. Những kỷ vật này sau đó đã được trao lại Cục Chính sách xã hội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam để tiếp tục tìm kiếm và trao trả cho gia đình các liệt sĩ.

Ông Adolph Novello, cựu chiến binh Mỹ nghẹn ngào với những ký ức về cuộc chiến ở Việt Nam.

Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ

Dưới khán đài, Chủ tịch nước Lương Cường cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước không kìm được nước mắt khi chứng kiến khoảnh khắc gia đình liệt sĩ Kha Văn Kiệt nhận lại kỷ vật.

Khoảnh khắc Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Nguyễn Hoà Bình nghẹn ngào khi chứng kiến những di vật của liệt sĩ Kha Văn Việt được trao trả lại lại cho gia đình đã khiến hàng triệu khán giả xúc động. Đó k hông chỉ là sự đồng cảm với nỗi đau mất mát của gia đình liệt sĩ, mà còn là biểu tượng của lòng tri ân sâu sắc đối với những người đã hy sinh cho độc lập dân tộc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình không ngăn nổi những giọt nước mắt xúc động khi chứng kiến những di vật của liệt sĩ Kha Văn Việt được trao trả cho gia đình.

50 năm đã trôi qua kể từ ngày 30/4/1975 - dấu mốc lịch sử kết lại một chương bi tráng trong bản hùng ca của dân tộc Việt Nam. Sau nửa thế kỷ, những người lính từng đứng hai bên chiến tuyến đã vượt qua khác biệt, khép lại đau thương của quá khứ. Cái nắm tay hôm nay không chỉ là sự gặp gỡ giữa những người từng đối đầu trên chiến trận, mà còn là minh chứng cho sức mạnh của lòng nhân ái và biểu tượng của sự hàn gắn.

Giữa lòng Việt Nam hòa bình và thống nhất, tinh thần hòa giải ấy sẽ tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta vững bước vào kỷ nguyên mới, cùng nhau vun đắp một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ hiện tại và mai sau.

Ông Kha Dương Tiến không kìm được nước mắt khi đón nhận di ảnh đã được phục chế của n.gười em trai liệt sĩ Kha Văn Việt.

Cầu truyền hình “Vang mãi khúc khải hoàn” không chỉ lan tỏa tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của Đại thắng Mùa xuân 1975 mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, bồi đắp lý tưởng cách mạng và niềm tin vào sự nghiệp đổi mới đất nước. Những câu chuyện như của liệt sĩ Kha Văn Kiệt là lời nhắc nhở về giá trị của hòa bình, đồng thời khẳng định tinh thần nhân văn của dân tộc Việt Nam – nơi những kỷ vật nhỏ bé cũng được trân trọng trao trả, hàn gắn vết thương chiến tranh.