APEC đối mặt thách thức về tăng trưởng

Nhật Bản, một nền kinh tế thành viên APEC, ghi nhận GDP trong quý I/2025 giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vừa dự báo kinh tế khu vực này sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm nay, giảm mạnh so với mức 3,6% trong năm 2024. Mức dự báo này cũng thấp hơn con số 2,9% đối với phần còn lại của thế giới. Cũng theo báo cáo công bố hôm 16-5, tăng trưởng kinh tế trong khu vực APEC có thể đạt mức 2,7% vào năm 2026.

Theo báo cáo, APEC đang đối mặt mức hạ dự báo tăng trưởng như trên do tranh chấp thương mại gia tăng, chủ nghĩa bảo hộ và sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng trong bối cảnh môi trường toàn cầu phức tạp. "Bất ổn và biến động thương mại gia tăng đang làm suy yếu nhu cầu, xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, làm chậm xuất khẩu và kìm hãm triển vọng tăng trưởng" - báo cáo nhận định, cũng như dự báo khối lượng xuất khẩu trong APEC chỉ tăng 0,4% vào năm 2025, so với mức tăng 5,7% của năm trước.

Ông Carlos Kuriyama, Giám đốc Đơn vị Hỗ trợ Chính sách APEC, nhận định APEC đang chứng kiến một môi trường không thuận lợi về thương mại. Điều này đang làm ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp, khiến nhiều công ty trì hoãn đầu tư và ra mắt sản phẩm mới cho đến khi tình hình trở nên "dễ đoán định hơn".

Báo cáo trên được công bố nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC diễn ra tại đảo Jeju - Hàn Quốc trong 2 ngày 15 và 16-5. Theo hãng tin Yonhap, hội nghị đã tập trung thảo luận về đổi mới trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tạo thuận lợi cho thương mại, kết nối bằng hệ thống thương mại đa phương và thịnh vượng thông qua thương mại bền vững.

Nền kinh tế Nhật Bản đang suy yếu trong bối cảnh nhu cầu từ các đối tác thương mại giảm. Trong ảnh: Một cảng container ở thủ đô Tokyo - Nhật Bản. Ảnh: AP

Bên lề hội nghị, theo hãng tin Yonhap, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Duk-geun có cuộc hội đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer hôm 16-5. Phát biểu sau cuộc gặp, ông Ahn Duk-geun cho biết hai bên đặt mục tiêu đạt thỏa thuận thương mại trước ngày 8-7. Hai bên cũng nhất trí tiến hành các cuộc tham vấn kỹ thuật vào tuần tới tại Mỹ về các lĩnh vực như thương mại cân bằng, các biện pháp phi thuế quan, an ninh kinh tế, thương mại kỹ thuật số...

Căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng cũng buộc Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) gần đây giảm dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc xuống còn 0,8% trong năm 2025. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) lần lượt đưa ra dự báo về mức tăng trưởng 1% và 1,5%.

Nhật Bản, một nền kinh tế thành viên APEC khác, hôm 16-5 ghi nhận GDP trong quý I/2025 giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cao hơn nhiều so với dự báo là giảm 0,2%. Giới phân tích nhận định nền kinh tế Nhật Bản thiếu động lực tăng trưởng do xuất khẩu và tiêu dùng đều yếu. Theo họ, số liệu mới nói trên có thể dẫn đến những lời kêu gọi gia tăng chi tiêu tài khóa.

Nền kinh tế Nhật Bản đã ở trong tình trạng dễ tổn thương trong một thời gian khá dài. Dân số già khiến chính phủ phải chi nhiều hơn cho phúc lợi nhưng lại gây áp lực lên nền kinh tế do thiếu nhân lực và nhu cầu tiêu dùng suy giảm. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong thời gian dài đã duy trì chính sách lãi suất âm để kích thích nền kinh tế nhưng bắt đầu tăng lãi suất dần dần từ năm ngoái.