Bản đồ sao cổ nhất thế giới của Trung Quốc hé lộ bí ẩn 2.300 năm

Bản đồ sao của Trung Quốc có thể có niên đại từ năm 355 trước CN, vượt xa phương Tây hơn 2 thế kỷ.

Bản đồ sao cổ Trung Quốc. Bản đồ mô tả bầu trời phương Nam, với bố cục tròn, các chòm sao được phân vùng rõ rệt và thể hiện bằng các ký hiệu ngôi sao cùng chú thích chữ Hán cổ.

Một nghiên cứu mới công bố cho thấy, bản đồ sao cổ “Thiên văn thư của thầy Thạch” (Star Manual of Master Shi) có thể là bản đồ thiên văn học có cấu trúc cổ nhất thế giới, với niên đại khoảng 355 năm trước CN – sớm hơn hơn 2 thế kỷ so với ước tính trước đây.

Theo tạp chí Archaeology Magazine và Live Science , nhóm nghiên cứu tại Đài thiên văn quốc gia Trung Quốc đã sử dụng kỹ thuật xử lý ảnh tiên tiến, đặc biệt là thuật toán Generalized Hough Transform và công nghệ AI để phân tích vị trí của các ngôi sao trên bản đồ và so sánh với tọa độ hiện đại.

Bản đồ sao này ghi lại chi tiết vị trí của 120 ngôi sao, trong đó có 118 ngôi sao có đầy đủ dữ liệu. Dù người Babylon từng mô tả vị trí các ngôi sao từ thế kỷ 8 trước CN, nghiên cứu này nhấn mạnh vào yếu tố "có cấu trúc" của bản đồ, điều giúp “Thiên văn thư” trở nên đặc biệt.

Ban đầu, bản đồ được cho là ra đời vào khoảng năm 125 sau CN, nhưng với các bằng chứng mới, các nhà khoa học xác định bản gốc nhiều khả năng được tác giả ghi lại vào thế kỷ IV trước CN, sau đó được chỉnh sửa lại ở thế kỷ II.

Các chuyên gia cho rằng tác giả đã áp dụng hệ tọa độ cầu, có thể liên quan đến sự ra đời của hỗn thiên nghi (armillary sphere) – công cụ thiên văn gồm các vòng tròn xoay mô phỏng chuyển động của các chòm sao, được phát minh tại Trung Quốc cổ đại.

Tuy bản đồ có một số sai lệch do hiệu ứng thời gian và thiết bị, phát hiện này đã giải mã được tranh cãi nhiều thập kỷ về nguồn gốc và tuổi thọ của nó.

Các nhà nghiên cứu khẳng định: “Quan sát thiên văn cổ đại là di sản văn hóa quý giá, ảnh hưởng sâu rộng đến cả lĩnh vực văn hóa và nghiên cứu khoa học hiện đại.”

Theo Archaeology Magazine , việc xác lập bản đồ sao cổ nhất còn mang ý nghĩa cạnh tranh chính trị giữa các quốc gia, khi nhiều nền văn minh như Babylon, Trung Quốc hay khu vực Nam Mỹ đều muốn giành vị thế đi tiên phong trong lĩnh vực quan sát vũ trụ.

Theo IE