Tập đoàn năng lượng BP từng là biểu tượng của ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu. Với chiến lược “Beyond Petroleum” và những cam kết mạnh mẽ nhằm giảm phát thải carbon, BP từng đi trước nhiều đối thủ trong việc tái định hình danh tính từ một gã khổng lồ dầu mỏ sang nhà tiên phong năng lượng sạch.
Thế nhưng, chỉ sau hơn một thập kỷ theo đuổi mục tiêu ấy, BP không những không bứt phá được về tài chính, mà còn trở nên yếu thế, chậm nhịp trong cuộc đua doanh thu với các tập đoàn cùng ngành như Shell, ExxonMobil hay Chevron. Những gì từng là tầm nhìn táo bạo giờ đây đang khiến BP trở thành một “miếng mồi ngon” dễ bị thâu tóm.
Trong năm 2025, truyền thông rộ lên thông tin rằng Shell – đối thủ lâu năm và có quy mô gấp gần ba lần BP – đang thăm dò khả năng mua lại tập đoàn này. Mặc dù Shell nhanh chóng phủ nhận, cam kết không có bất kỳ cuộc đàm phán nào với BP, nhưng động thái trên cũng không thể dập tắt tin đồn và lo ngại từ giới đầu tư. Theo WSJ, Shell từng cân nhắc khả năng thâu tóm BP trong một thương vụ có thể lên đến 80 tỷ USD nhằm tận dụng tình thế cổ phiếu BP đang mất giá trầm trọng và tái định hình bản đồ năng lượng toàn cầu. Nếu thương vụ này xảy ra, nó sẽ là một trong những vụ sáp nhập lớn nhất trong ngành dầu khí kể từ khi Exxon và Mobil hợp nhất cuối thế kỷ 20.
Thế khó của BP là sự đảo ngược lớn đối với hình tượng từng là một trong những cái tên mạo hiểm và hung hăng nhất ngành dầu mỏ. Vào cuối thế kỷ trước, giám đốc điều hành của BP lúc bấy giờ, John Browne, đã dẫn đầu một làn sóng sáp nhập với các thỏa thuận trị giá hàng chục tỷ USD cho các công ty như Amoco và Arco, hai nhà sản xuất dầu lớn của Mỹ. Người đàn ông này cũng đi đầu trong cuộc xâm nhập của các công ty năng lượng phương Tây vào Nga.
Tuy nhiên, dưới thời những người kế nhiệm ông Browne, BP vấp phải loạt sự cố và trở nên tệ hơn, bao gồm vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon năm 2010. Sự cố cho đến nay vẫn dai dẳng, khiến công ty này phải trả khoảng 1 tỷ USD tiền bồi thường thiệt hại mỗi năm.
“BP đã lạc lối trong những năm gần đây”, ông Kelty, một cựu nhân viên của BP, viết.
Chuỗi sai lầm gần đây nhất diễn ra sau khi Bernard Looney được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành vào năm 2020. Ngay sau khi nhậm chức đầu, người đàn ông này đã công bố chiến lược “Reinvent BP”, tuyên bố BP sẽ giảm 40% sản lượng dầu khí vào năm 2030 và đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió ngoài khơi, năng lượng mặt trời, hydro xanh và công nghệ thu giữ carbon (CCUS). Ông cũng đặt ra mục tiêu đạt net zero carbon vào năm 2050 hoặc sớm hơn.
Tuy nhiên, giá dầu, vốn đã giảm mạnh trong thời kỳ đại dịch, lại tăng ngay sau khi căng thẳng Nga-Ukraine diễn ra. Mục tiêu giảm sản lượng dầu của BP theo đó trở nên khó chịu đối với phần đông các nhà đầu tư.
Đồng thời, giá vật liệu, thiết bị và lãi suất tăng làm tổn hại đến một số dự án năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, nơi ông Looney đặt cược lớn. Gần đây nhất, động thái của chính quyền Tổng thống Donald Trump khi dập tắt phần lớn các dự án điện gió ngoài khơi càng khiến mọi thứ chệch hướng.
Kết quả, tháng 9/2023, Bernard Looney từ chức đột ngột sau khi BP xác nhận ông không khai báo đầy đủ các mối quan hệ cá nhân trong nội bộ công ty. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn đánh giá di sản của ông là bước ngoặt táo bạo – dù dang dở – trong hành trình biến đổi một gã khổng lồ dầu khí thành một tập đoàn năng lượng hiện đại.
Tới tháng 1/2024, Murray Auchincloss chính thức được bổ nhiệm làm tân CEO. Trước đó, ông từng là Giám đốc tài chính của BP và là một trong những kiến trúc sư chính của chiến lược chuyển đổi năng lượng mà công ty theo đuổi dưới thời Bernard Looney.
Được biết ngay sau khi lên nắm quyền điều hành, Murray Auchincloss đã có những điều chỉnh để quay trở lại với các hoạt động dầu khí truyền thống, tăng cổ tức và tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn nhằm trấn an các nhà đầu tư và vực dậy giá cổ phiếu đang suy giảm. Dẫu vậy, vẫn cần thời gian để tập đoàn này hấp thụ tối đa hiệu quả của chính sách dưới thời tân CEO.
Thực tế, BP hiện tại đang gặp khó khăn đáng kể. Giá trị vốn hóa của tập đoàn chỉ còn khoảng 80 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với Shell (trên 200 tỷ USD) và không đủ sức hấp dẫn để duy trì vị thế độc lập nếu không cải tổ sâu.
Sau nhiều năm theo đuổi năng lượng tái tạo một cách quyết liệt dưới thời cựu CEO Bernard Looney, BP hiện đang quay lại với dầu khí, cố gắng vực dậy lợi nhuận ngắn hạn để chiều lòng cổ đông. Tuy nhiên, sự thay đổi định hướng giữa chừng, cộng thêm quá khứ bị tổn thương từ thảm họa tràn dầu Deepwater Horizon, đã khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào ban điều hành hiện tại. Thêm vào đó, các quỹ đầu cơ như Elliott Management cũng đang gây áp lực lớn lên BP, yêu cầu họ cắt giảm mạnh đầu tư xanh và tập trung trở lại vào dầu khí – dấu hiệu cho thấy nội bộ công ty cũng đang rơi vào thế lưỡng nan.
Lý do khiến BP trở thành mục tiêu thâu tóm không chỉ vì giá trị cổ phiếu thấp mà còn bởi họ đang nắm giữ nhiều tài sản chiến lược có giá trị cao nhưng chưa được thị trường định giá đúng mức. Các mỏ khai thác deepwater tại Vịnh Mexico, đơn vị dầu đá phiến BPX Energy tại Mỹ, các dự án khí đốt lớn tại Abu Dhabi, Azerbaijan và nhiều tài sản trung lưu khác đang khiến các đối thủ như Shell hay TotalEnergies “nhìn chằm chằm”.
Theo Financial Times, nếu được quản lý hiệu quả, các tài sản này sẽ tạo ra dòng tiền bền vững trong nhiều năm tới. Đó cũng là lý do vì sao các cuộc khảo sát kín của ngân hàng đầu tư về khả năng hợp nhất đang ngày càng tăng, dù không bên nào công khai xác nhận.
Shell – dù đã phủ nhận có đàm phán – vẫn là nhân vật chính trong các phân tích chiến lược gần đây. Theo giới quan sát, việc Shell công bố sẽ không thực hiện thương vụ thâu tóm không có nghĩa họ từ bỏ hoàn toàn cơ hội. Luật quy định rằng khi một công ty công khai phủ nhận ý định mua lại, họ sẽ không được tiếp cận mục tiêu trong vòng sáu tháng – trừ khi có sự đồng thuận từ đối phương hoặc có bên thứ ba đưa ra đề nghị trước. Điều đó khiến tình thế giữa Shell và BP trở thành một cuộc chơi kéo dài và chỉ cần một sự kiện nhỏ cũng có thể thay đổi cục diện.
Thực trạng hiện nay buộc BP phải đối mặt với câu hỏi sống còn: làm thế nào để tránh việc bị mất quyền kiểm soát vào tay đối thủ? Việc cắt giảm đầu tư năng lượng sạch – vốn là định hướng dài hạn – đang khiến nhiều nhà đầu tư tổ chức quay lưng, trong khi chưa thể thu hút lại nhóm cổ đông trọng yếu mới. Kế hoạch bán bớt tài sản trị giá 20 tỷ USD trong vòng hai năm tới, bao gồm cả đơn vị năng lượng mặt trời Lightsource BP và công ty dầu nhớt Castrol, có thể giúp cải thiện dòng tiền nhưng đồng thời lại làm suy yếu cấu trúc tích hợp khép kín vốn là lợi thế truyền thống của BP.
“Vấn đề chính của BP là bị kẹt giữa các chiến lược”, Raghavendra Rau, giáo sư tại Trường Kinh doanh Judge thuộc Đại học Cambridge, cho biết. “Công ty cần đưa ra một cách tiếp cận rõ ràng, nhất quán hơn”.
Nếu không thể khôi phục niềm tin nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu đang phục hồi, BP sẽ tiếp tục trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các tập đoàn lớn hơn, nhiều tiền mặt hơn và có chiến lược rõ ràng hơn. Hiện ban điều hành BP đang chịu rất nhiều áp lực để cải tổ nhân sự cấp cao, từ đó tạo ra hình ảnh nhất quán thay vì liên tục thay CEO như trong vài năm qua.
Irene Himona, nhà phân tích tại Bernstein, một công ty nghiên cứu Phố Wall, nhận định: “Thí nghiệm chuyển đổi thất bại kéo dài 4 năm của BP đã phá hủy uy tín và giá trị của thị trường”.
Từ một tập đoàn từng dám mơ lớn với tầm nhìn xanh hóa toàn cầu, BP hiện đang ở ngã ba đường. Họ hoặc phải khẩn trương chứng minh khả năng sinh lời, hoặc sẽ bị nuốt chửng trong một làn sóng hợp nhất toàn cầu mới của ngành năng lượng. Thị trường vốn không dành chỗ cho những chiến lược không mang lại lợi nhuận thực tế.
Theo: The NY Times, WSJ