Bức tranh thương mại toàn cầu vẫn rối

Mỹ có thể không đạt được thỏa thuận với một số đối tác và sẽ áp "mức thuế nhất định" trong 2-3 tuần tới

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 4-5 tuyên bố Mỹ đang đàm phán thương mại với nhiều đối tác, bao gồm Trung Quốc, và mục tiêu chính của ông là đạt được thỏa thuận thương mại công bằng với Bắc Kinh.

Trên chuyên cơ Không lực Một, ông Donald Trump cho biết ông không có kế hoạch điện đàm trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này nhưng các quan chức Mỹ đang trao đổi với phía Trung Quốc về nhiều vấn đề khác nhau.

Khi được hỏi liệu có thỏa thuận thương mại nào được công bố trong tuần này hay không, ông Donald Trump trả lời rằng "rất có thể" nhưng không tiết lộ chi tiết. Kể từ ngày 2-4, khi ông Donald Trump áp thuế 10% lên hầu hết đối tác của Mỹ và mức thuế đối ứng cao hơn lên nhiều đối tác (sau đó tạm hoãn 90 ngày), các quan chức cấp cao trong chính quyền ông đã liên tục gặp các đối tác thương mại của Mỹ. Ông cũng áp thuế 25% lên ô tô, thép, nhôm, 25% đối với Canada và Mexico và 145% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Xe tải và container tại cảng Los Angeles, bang California - Mỹ cuối tháng 4-2025. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Ông Donald Trump ám chỉ ông có thể không đạt được thỏa thuận với một số đối tác và thay vào đó sẽ áp "một mức thuế nhất định" trong 2 - 3 tuần tới. Không rõ có phải ông đề cập các mức thuế đối ứng được công bố vào ngày 2-4, dự kiến có hiệu lực từ ngày 8-7 sau 90 ngày tạm hoãn hay không.

Chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump đang làm đình trệ nền kinh tế thế giới, vốn phụ thuộc vào thương mại tự do và ổn định trong nhiều thập kỷ. Tuần qua, từ các tập đoàn đa quốc gia lớn đến những doanh nghiệp thương mại điện tử nhỏ đã cắt giảm mục tiêu doanh số, cảnh báo sa thải nhân viên và xem xét lại kế hoạch kinh doanh. Các nền kinh tế lớn cũng hạ dự báo tăng trưởng do số liệu kinh tế ảm đạm.

Theo CNBC, thuế quan do ông Donald Trump áp đặt đang khiến đơn hàng từ Trung Quốc giảm mạnh, buộc nước này phải hỗ trợ các nhà xuất khẩu chuyển hướng trở về thị trường nội địa. Tuy nhiên, động thái này có nguy cơ đẩy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào vòng xoáy giảm phát nghiêm trọng hơn.

Các tập đoàn thương mại điện tử như JD.com, Tencent và ứng dụng mạng xã hội Douyin tích cực quảng bá các sản phẩm lẽ ra xuất sang Mỹ tới người tiêu dùng Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ Thương mại Sheng Qiuping nhấn mạnh thị trường nội địa rộng lớn là "lá chắn" giúp các nhà xuất khẩu vượt qua cú sốc bên ngoài, kêu gọi chính quyền địa phương phối hợp ổn định xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Yingke Zhou tại Ngân hàng Barclays (Anh), điều này dẫn đến tác dụng phụ là cuộc chiến giá cả khốc liệt giữa các công ty Trung Quốc. Chẳng hạn, JD.com cam kết chi 200 tỉ nhân dân tệ (khoảng 28 tỉ USD) để hỗ trợ các nhà xuất khẩu, mở danh mục riêng đối với nhóm hàng hóa ban đầu dự định xuất sang Mỹ với mức giảm giá lên tới 55%. Làn sóng hàng giá rẻ tràn vào thị trường làm xói mòn lợi nhuận, gây áp lực lên việc làm và làm suy yếu nhu cầu tiêu dùng vốn đã èo uột - theo chuyên gia Zhou. Giám đốc Shen Meng tại Ngân hàng đầu tư Chanson & Co (Trung Quốc) nhận định: "Việc bán hàng tại thị trường nội địa Trung Quốc chỉ là cách giải quyết lượng hàng tồn kho và giảm bớt áp lực dòng tiền ngắn hạn chứ gần như không có lợi nhuận". Chuyên gia Wang Dan tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ) cảnh báo nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sắp phá sản, đẩy tỉ lệ thất nghiệp đô thị lên 5,7%, vượt mức mục tiêu 5,5%.

Trong khi đó, cũng nhằm ứng phó trước đòn thuế quan từ Mỹ, Malaysia đang tập trung vào thương mại khu vực. Theo Bộ trưởng Giao thông Malaysia, nước này dự kiến khởi động dịch vụ tàu hàng trực tiếp từ thủ đô Kuala Lumpur đến Bangkok - Thái Lan trong năm nay. 

Giá dầu giảm mạnh

Giá dầu có lúc giảm hơn 2% trong ngày 5-5 sau khi OPEC+ quyết định tiếp tục tăng sản lượng khai thác vào cuối tuần trước, làm dấy lên lo ngại rằng nguồn cung lớn hơn sẽ đổ vào thị trường trong lúc triển vọng nhu cầu không chắc chắn.

Giá dầu thô Brent tương lai giảm 2,07%, còn 60,02 USD/thùng; còn giá dầu thô WTI của Mỹ ở mức 56,96 USD/thùng, giảm 2,28%. Như vậy, hợp đồng tương lai của cả 2 loại đều chạm mức thấp nhất kể từ ngày 9-4 khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần. Mức giảm này tiếp nối mức giảm mạnh hơn 4% của giá dầu thô Mỹ tương lai hôm 4-5. Trong năm nay, giá dầu đã giảm hơn 20%, theo CNBC.

Trước đó, OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng khai thác trong tháng thứ 2 liên tiếp, nâng sản lượng dự kiến trong tháng 6 lên thêm 411.000 thùng/ngày. Mức tăng này - đến từ 8 nhà sản xuất trong nhóm OPEC+ - sẽ nâng tổng mức tăng trong tháng 4, 5 và 6 lên 960.000 thùng/ngày.

Các nguồn tin cho hay nhóm này có thể hủy bỏ hoàn toàn các biện pháp cắt giảm tự nguyện vào tháng 10 tới với áp lực chính đến từ phía Ả Rập Saudi, nếu các thành viên như Iraq và Kazakhstan không cải thiện việc tuân thủ hạn ngạch sản xuất. Điều này không chỉ thách thức nguồn cung dầu đá phiến từ Mỹ mà còn nhằm trừng phạt các thành viên đang hưởng lợi từ giá cao nhưng không tuân thủ các điều kiện chung.

Anh Thư