Trong khi thế giới đang hối hả chạy theo làn sóng xe điện (EV), Nhật Bản, một trong những cường quốc ô tô hàng đầu, lại tỏ ra hoài nghi và chậm chạp.
Từ những toan tính chiến lược của chính phủ và các ông lớn ô tô đến nỗi lo thường trực của người dân, đâu là lý do thực sự khiến xe điện chưa thể chinh phục được thị trường khó tính này?
Sự hoài nghi và cẩn trọng của người Nhật
Ngược lại với các quốc gia tin vào xe điện là tương lai, tại Nhật Bản, các nhà sản xuất ô tô và chính phủ đặt dấu hỏi về xu hướng xe điện toàn cầu. Họ tỏ ra hoài nghi, ít nhất là trong ngắn và trung hạn, về tiềm năng lợi nhuận và ưu thế môi trường thực sự của xe điện.
Mặc dù đã công bố kế hoạch ngừng bán xe mới chỉ chạy xăng vào năm 2035, chính phủ Nhật Bản vẫn coi xe hybrid (lai xăng-điện) là công nghệ quan trọng đối với tương lai giao thông của đất nước thay vì xe điện.
Tiếng nói phản đối xe điện mạnh mẽ nhất có thể kể đến Akio Toyoda, Chủ tịch Toyota và cũng là người đứng đầu Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản.
Trong một cuộc họp báo, ông Toyoda đã thẳng thừng chế giễu ý tưởng thay thế toàn bộ xe hybrid bằng xe điện, cáo buộc truyền thông đã "thổi phồng" tính khả thi của chúng.
Ông nhấn mạnh rằng xe điện "chỉ sạch khi nào nguồn điện cung cấp cho chúng cũng sạch". Chừng nào Nhật Bản còn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện, lợi ích về môi trường của xe điện sẽ chỉ là "ảo ảnh".
Ông nói thêm rằng các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang "bám trụ một cách mong manh". Nếu bị bắt buộc chuyển đổi sang xe điện hoàn toàn — loại xe có ít bộ phận hơn và dễ sản xuất hơn — điều đó có thể khiến hàng triệu người mất việc làm và phá hủy cả một hệ sinh thái các nhà cung cấp phụ tùng ô tô.
Cùng với đó, việc chuyển đổi từ sản xuất xe hybrid sang xe chạy hoàn toàn bằng điện không hề dễ dàng bởi hai loại xe này không thể được sản xuất một cách hiệu quả về chi phí trên cùng một nền tảng.
Nhà phân tích James Edmondson từ IDTechEx cho biết, với doanh số xe hybrid dự kiến tiếp tục tăng đến năm 2027, việc các công ty và nhà quản lý Nhật Bản muốn thu hồi vốn đầu tư khổng lồ vào công nghệ này thay vì chuyển hẳn sang xe điện là điều dễ hiểu.
"Đối với các nhà sản xuất như Toyota, như Nissan, xe hybrid rất phổ biến, kinh doanh đang rất tốt, vì vậy chính phủ tiếp tục thúc đẩy chúng là vì lợi ích của họ," ông nói.
Vấn đề cũng không nằm ở công nghệ hay năng lực. Kota Yuzawa, nhà phân tích tại Goldman Sachs, khẳng định các hãng xe Nhật có công nghệ đẳng cấp thế giới và có thể đầu tư mạnh mẽ vào xe điện.
"Nhưng họ đang chờ đợi thời điểm thích hợp," ông nói. "Câu hỏi lớn nhất với họ vẫn là: Bạn có thể tạo ra một phương tiện cho thị trường đại chúng không? Bạn có thể hòa vốn không?"
Bên cạnh những nguyên do về tính toán lợi nhuận và tính thời điểm, sự chậm trễ của Nhật Bản trong việc áp dụng xe điện còn bắt nguồn từ một "canh bạc" chiến lược từ một thập kỷ trước. Khi đó, các nhà kỹ trị và các hãng xe lớn, dẫn đầu là Toyota, đã quyết định đầu tư mạnh vào công nghệ pin nhiên liệu hydro.
Toyota từ lâu đã là một trong những tiếng nói hoài nghi xe điện lớn nhất, thậm chí còn bị cho là tài trợ cho các quảng cáo gây hiểu lầm và vận động hành lang chống lại các chính sách thúc đẩy xe điện trên toàn cầu.
Tuy nhiên, giấc mơ về một cuộc cách mạng hydro đã không thành hiện thực. "Giờ đây, họ đang tỉnh giấc và nhận ra mình đang bị cuộc chuyển đổi ô tô bỏ lại phía sau," nhà phân tích Corey Cantor của Bloomberg nhận định. "Họ đang tụt hậu, và đó là một rủi ro lớn, ngay khi BYD và các hãng xe Trung Quốc khác đang trỗi dậy."
Văn hóa xe Nhật rất khác
Bên cạnh những toan tính ở tầm vĩ mô, thói quen và tâm lý của người tiêu dùng Nhật Bản cũng là một rào cản lớn.
Đầu tiên là cơ sở hạ tầng sạc điện vẫn còn yếu kém. Nhật Bản chỉ có khoảng 30.000 đầu cắm sạc, tương đương 1 đầu cắm cho 4.000 xe điện, thấp hơn 6 lần so với mật độ ở Mỹ hay châu Âu.
Điều này gây ra "nỗi lo hết pin" thuộc hàng tồi tệ nhất thế giới. Dù chính phủ đã cam kết tăng số trạm sạc lên 10 lần vào năm 2030, nhưng hiện tại đây vẫn là một trở ngại khổng lồ.
Một điều đặc thù khác là việc sạc tại nhà ở Nhật bằng ổ cắm 100V cho xe điện sẽ rất chậm, dễ quá tải, rủi ro hỏa hoạn. Để lắp đặt một ổ cắm 200V chuyên dụng, người dùng phải tốn thêm khoảng 100.000 yên (khoảng 670 USD). Việc này dễ dàng với nhà riêng nhưng lại là vấn đề lớn với người sống ở chung cư, vì cần sự chấp thuận của ban quản lý.
Thứ hai, nỗi lo đặc thù về địa lý và thiên tai. Với 75% diện tích là đồi núi, rất nhiều con đường dốc và quanh co, người tiêu dùng lo ngại xe điện không đủ sức mạnh để đi trên những cung đường đó. Hiệu suất pin suy giảm theo thời gian càng làm nỗi lo này thêm trầm trọng. Hình ảnh bị mắc kẹt trên một con đường quê hẻo lánh với chiếc xe hết pin là một nỗi ám ảnh có thật.
Nhật Bản cũng là quốc gia thường xuyên hứng chịu thiên tai như động đất, bão lũ. Khi thảm họa xảy ra, điện thường bị cắt ngay lập tức, khiến việc sạc xe điện trở nên bất khả thi. Ký ức về trận động đất lớn năm 2011 với tình trạng cắt điện luân phiên kéo dài khiến nhiều người ưu tiên xe xăng hoặc hybrid, vốn có thể tiếp nhiên liệu dễ dàng hơn.
Quan trọng hơn cả, người mua xe Nhật Bản ưa chuộng những chiếc xe đô thị nhỏ gọn, tiết kiệm được gọi là kei car (nghĩa là xe "nhẹ") hơn là những chiếc xe gia đình cỡ lớn, tầm xa của người Mỹ.
Trong khi Tesla chiếm một nửa doanh số xe điện ở Mỹ, thì một nửa thị trường xe điện của Nhật Bản lại thuộc về chiếc Nissan Sakura nhỏ bé. Chiếc Sakura có giá chỉ khoảng 2 triệu Yên (13.300 USD) sau trợ giá, với phạm vi hoạt động khoảng 180 km. Tuy nhiên, rất khó để các nhà sản xuất ô tô tạo ra lợi nhuận từ những chiếc xe điện cỡ nhỏ như vậy.
Một rào cản không thể không nhắc đến là chi phí đắt đỏ. Một chiếc xe điện thường đắt hơn xe xăng cùng kích cỡ tới hơn 1 triệu yên (khoảng 6.700 USD). Mức trợ cấp của chính phủ (khoảng 4.000 - 6.000 USD) không đủ để bù đắp chênh lệch này.
Thêm vào đó, phạm vi hoạt động của xe điện (300-600 km) cũng kém hơn xe xăng (500-800 km) và xe hybrid (có thể lên tới 1.000 km).
Với tất cả những lý do trên, không có gì ngạc nhiên khi xe hybrid được xem là lựa chọn thực tế và hợp lý nhất đối với đa số người dân Nhật Bản ở thời điểm hiện tại.
Tương lai nào cho ngành ô tô Nhật Bản?
Sự miễn cưỡng chuyển đổi sang xe điện có thể khiến các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản phải trả giá đắt. Ông Kazuo Yajima, cựu kỹ sư trưởng của Nissan Leaf, cảnh báo rằng họ có thể đi vào "vết xe đổ" của các công ty điện tử tiêu dùng Nhật Bản, vốn từng thống trị thế giới nhưng đã lụi tàn vì không bắt kịp xu hướng.
Lĩnh vực ô tô được xem là "chiến trường cuối cùng" của ngành công nghiệp Nhật Bản. "Bây giờ Nhật Bản đang chiến thắng," ông Inoue, một nhà thiết kế xe điện, nhận định. "Nhưng tôi nghĩ trong 10 năm nữa, nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội chuyển sang lĩnh vực xe điện, chúng ta có thể sẽ thất bại."