Một buổi chiều ảm đạm tại trạm xăng Sunshine Truck Stop ở Nam California, Ruben Diaz - tài xế xe tải 38 tuổi, đang đắn đo tính toán. Sau khi trừ chi phí thuê xe, bảo hiểm và nhiên liệu, chuyến hàng duy nhất trong ngày chỉ để lại cho anh khoảng 50 USD lợi nhuận.
Từng đều đặn vận chuyển 2 container hàng hóa mỗi ngày giữa các cảng lớn của Los Angeles và Long Beach, giờ đây Diaz khó kiếm nổi 2 chuyến một tuần.
“Tôi chỉ đang sống cầm chừng. Nhưng tôi sẽ không trụ được lâu nữa,” Diaz chia sẻ.
Cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc, với cao trào là thuế quan lên tới 145% trong tháng 4, đã giáng một đòn mạnh vào hệ thống hậu cần và vận tải tại miền Nam California. Dù thỏa thuận tạm ngừng áp thuế vừa đạt được đã hạ mức thuế xuống 30%, nhiều chuyên gia cho rằng hậu quả vẫn còn kéo dài.
Cảng Los Angeles và cảng Long Beach - cụm cảng container bận rộn nhất nước Mỹ, xử lý hơn 1/3 tổng lượng container nhập khẩu của Mỹ, với hơn 50% là hàng hóa từ Trung Quốc. Năm ngoái, lượng hàng Trung Quốc qua cụm cảng này ước tính lên tới 130 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong tháng 5 vừa qua, số chuyến tàu container cập cảng giảm 17% và lượng hàng trên mỗi tàu cũng ít hơn đáng kể. Các hãng vận tải đã hủy hàng chục chuyến tàu từ Trung Quốc vì doanh nghiệp Mỹ hoãn hoặc hủy đơn hàng để tránh thuế.
Khi lượng container giảm, toàn bộ chuỗi cung ứng, từ công nhân bốc xếp, tài xế xe tải đến nhà hàng địa phương, đều chịu ảnh hưởng. Doanh thu của cửa hàng Big Nick’s Pizza ở San Pedro, gần khu vực cảng đã giảm 15%.
Hiệp hội Công nhân Bốc xếp và Nhà kho Quốc tế Mỹ (ILWU) cho biết các công nhân chính thức chỉ làm việc 3-4 ngày/tuần, so với mức 5-6 ngày như thường lệ. Với lao động thời vụ, tình hình còn tệ hơn: hoàn toàn không có việc.
Tại các kho chứa hàng phía bắc cảng, không khí cũng trầm lắng. Nhiều hàng hóa - từ áo phông Việt Nam, nước sốt Ý đến chai nước Trung Quốc, đang nằm chờ xử lý trong kho 1,8ha của Waterfront Logistics, vì nhà kho của các nhà bán lẻ đã đầy ứ. Việc “kẹt hàng” như vậy làm giảm nhu cầu thuê nhân công như lái xe nâng, tài xế và công nhân kho bãi.
Không chỉ ngành logistics, các doanh nghiệp phục vụ gián tiếp cũng bị ảnh hưởng. Santa Fe Importers - chuyên cung cấp thịt nguội và phô mai Ý, đang chứng kiến doanh thu giảm 15-20%, theo chủ doanh nghiệp Vincent Passanisi. Với nguy cơ hàng hoá từ EU phải chịu thuế lên tới, ông lo lắng sẽ không còn khách mua bánh quy hay nước sốt Ý với mức giá bị đội lên quá cao.
Doanh nghiệp của ông đã giảm 20% thời gian làm việc cho khoảng 50 công nhân sản xuất, đồng thời cho nghỉ sớm nhân viên quầy ăn vì khách quen - chủ yếu là công nhân cảng và tài xế, không còn lui tới.
Tại khu vực Inland Empire - trung tâm logistics lớn cách Los Angeles 40 dặm về phía đông - hàng chục nghìn người làm việc trong các nhà kho phục vụ cảng. Từ chỉ 7.340 nhân công vào năm 2002, con số này đã tăng lên 138.480 người năm 2022. Nhưng giờ đây, nhiều người lo ngại nguy cơ bị cắt giảm hoặc sa thải đang hiện rõ.
Vợ của tài xế Diaz, hiện làm việc tại nhà kho của một hãng giày lớn với mức lương 18 USD/giờ, đang lo lắng về khả năng mất việc khi lượng hàng giảm.
Dù việc giảm thuế từ 145% xuống 30% có thể giúp thúc đẩy xuất khẩu từ Trung Quốc trở lại, song giới chức cảng không kỳ vọng vào sự phục hồi hoàn toàn.
“Mức thuế 30% vẫn là rào cản lớn với nhiều nhà nhập khẩu,” Gene Seroka, Giám đốc điều hành cảng Los Angeles cho biết. “Chúng tôi không trông chờ sự hồi phục mạnh trong ngắn hạn.”
Trong khi đó, Stephen Cheung, Giám đốc điều hành của Tổ chức Phát triển Kinh tế Quận Los Angeles, cho biết xung đột thương mại Mỹ - Trung là mối đe dọa lớn nhất đối với khu vực.
“Khi cụm cảng LA - Long Beach xử lý tới 35% lượng hàng nhập khẩu bằng đường biển của cả nước và đối tác thương mại số một là Trung Quốc, rõ ràng chúng tôi là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất,” ông nói. “Chính điều đó khiến tôi mất ngủ mỗi đêm.”
Tham khảo WSJ