Chủ tịch Vietravel: Kinh tế đêm không phải cứ có dịch vụ "nhạy cảm" mới phát triển

Tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) mới đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel chia sẻ thực trạng của ngành du lịch Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel

Doanh nghiệp Việt đủ sức xuất ngoại chỉ đếm trên đầu ngón tay

Ông Kỳ cho biết, năm 2024, Việt Nam có 17,6 triệu lượt khách quốc tế và 110 triệu lượt khách nội địa, đóng góp khoảng 8% GDP và tạo ra 6 triệu việc làm. Mục tiêu đến năm 2030, lượng khách du lịch quốc tế là 35 triệu, nội địa là 160 triệu lượt khách, với 10,5 triệu việc làm và đóng góp 14 đến 15% GDP.

Nhưng so sánh với Thái Lan, họ đã đạt mục tiêu 35 triệu khách vào năm 2025. Mặc dù tỷ lệ đóng góp của ngành du lịch trong GDP Thái Lan hiện chỉ khoảng 7,6 và đến 2030 là 11%, nhưng con số tuyệt đối của họ là rất lớn.

Ngành du lịch Việt Nam đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị năm 2017. Đến nay đã có khoảng 1 luật và 4 nghị định để triển khai Nghị quyết 08. Tuy nhiên, theo ông Kỳ vẫn còn bất cập.

Ông phân tích, ngành du lịch có 4 tiểu ngành: là lữ hành, lưu trú, vận chuyển và dịch vụ. Trong đó, lữ hành được coi là"máy cái" mang lại toàn bộ khách cho ngành du lịch Việt Nam.

Ngành lữ hành Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 150.000 doanh nghiệp, 1/3 là quy mô nhỏ và vừa và siêu nhỏ. Trong đó có những doanh nghiệp chỉ có dưới 50 nhân sự, doanh thu 200 tỷ trở lại. Số này chiếm gần 80%. Ngành lữ hành của chúng ta nó rất nhỏ và không đủ sức vươn ra khai thác, chiếm lĩnh thị trường quan trọng.

"6 tháng đầu năm, chúng ta có 2,7 triệu khách Trung Quốc và 2,2 triệu khách Hàn Quốc nhưng gần như khách Hàn Quốc là doanh nghiệp lữ hành của họ làm hết. Các doanh nghiệp Việt Nam không làm được, không đụng vào được một cái giá trị nào trong đó. Đó là do sự yếu kém của các công ty lữ hành Việt Nam. Doanh nghiệp đủ sức ra nước ngoài mà lấy khách mang về cũng không quá 10 ngón tay", ông Kỳ nêu thực trạng.

Theo vị này, vừa qua, Nhà nước quan tâm đầu tư rất tốt về nhóm bất động sản du lịch, vận chuyển và dịch vụ. Tuy nhiên, lữ hành chưa được quan tâm vì đến giờ này chưa có luật hay nghị định, thông tư nào để phát triển "máy cái" này.

Các gói hỗ trợ đã có nhưng doanh nghiệp lữ hành khó tiếp cận vì quy mô của họ quá nhỏ, không có tài sản thế chấp thì không thể vay vốn, khiến họ đã yếu càng yếu hơn nữa.

Mặt khác, theo ông Kỳ, hiện các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài của Chính phủ phải nằm trong đại sứ quán. Chúng ta hiện không có trung tâm, các tổ chức xúc tiến du lịch ở các nước, đặc biệt là 9 thị trường cơ bản.

Trong khi xúc tiến du lịch là ngoại giao nhân dân, là "mềm" chứ không phải là về chính trị. Ông Kỳ cho rằng nếu tập trung tất cả vào trong đại sứ quán, dẫn đến các cơ quan trung tâm xúc tiến du lịch khó phát triển được.

"Malaysia có 39, Thái Lan có 27 văn phòng xúc tiến du lịch của họ ở các nước. Ngay tại Việt Nam có 14 văn phòng xúc tiến du lịch của 14 nước đang hoạt động. Chúng ta không có một văn phòng nào ở nước ngoài hết. Điều này lý giải tài nguyên chúng ta đứng thứ 26 nhưng xúc tiến quảng bá ra nước ngoài đứng thứ 117 theo số liệu của WTO", ông dẫn chứng.

Kinh tế đêm không phải cứ có dịch vụ "nhạy cảm" mới phát triển

Chủ tịch Vietravel cho biết kinh tế ban đêm hiện chiếm đến 70% doanh thu ngành du lịch. Chúng ta đã có nghị quyết kinh tế ban đêm nhưng hầu như không triển khai được. Kể cả Hà Nội và Sài Gòn. Ban đêm, khách đi ra phố đi bộ xong rồi hết. Bản thân phố đi bộ cũng không đáp ứng được nhu cầu của khách.

"Khách nói đùa là vào chỉ có đi nhậu thôi và đi mát-xa thôi. Đương nhiên cũng hơi quá, nhưng gần như không có các loại hình văn hóa tại Sài Gòn, tại Hà Nội. Các đoàn nghệ thuật buổi tối không hề có giao lưu nhân dân, không đưa văn hóa ra đường phố. Các doanh nghiệp du lịch đưa khách đến Hà Nội còn có múa rối nước, nhưng các thành phố nhỏ thì không có gì hết, tối đến chỉ có đi ngủ thôi", ông Kỳ nói.

Vừa qua, Vietravel cho biết đã phối hợp với Huế tổ chức phố đi bộ, đưa âm nhạc, đưa văn hóa vào hoạt động buổi tối và đã thành công. "Không cứ phải là nhạy cảm mới thành công. Mà nếu chúng ta biết cách làm, có thể đưa văn hóa vào kinh tế ban đêm".

Theo ông Kỳ, Bộ Văn hóa đã ban hành 4 loại hình kinh tế ban đêm, nhưng hầu như các tỉnh không áp dụng được. Đây là sự cách biệt giữa nghị định, thông tư chúng ta đưa ra với thực tế cuộc sống – nó không đi vào cuộc sống. Để phát triển kinh tế ban đêm cần các ngành vào cuộc vì du lịch không thể một mình làm ra hệ thống sản phẩm để bán cho khách.

Đối với vấn đề miễn giảm visa, Chủ tịch Vietravel cho biết Việt Nam miễn giảm đa phương là 26 nước, và visa chúng ta triển khai đến 80 nước. Nhưng các nước xung quanh họ miễn đến 112 nước và 150 nước – ví dụ như Thái Lan.

Ông cho rằng chúng ta đã bỏ qua một cơ hội vàng sau đại dịch để khai thác khoảng trống của thị trường. Thái Lan đã quay trở lại, Singapore quay trở lại, Malaysia quay trở lại bằng các chương trình dịch vụ. Nhưng Việt Nam gần đây mới quay trở lại. Vì thế, một cơ chế đối đẳng để bằng với các nước ASEAN về visa cũng nên được nghiên cứu.

"Chính phủ có thể mở ra đến 70 nước, vừa song phương vừa đơn phương, mà vẫn không ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia – vì visa là rào cản thực sự, hạn chế tự do đi lại", ông kiến nghị.

Một vấn đề nữa là hàng không, vị này cho rằng chúng ta mở rất nhiều sân bay, nếu có sân bay gần nhau thì cần có một đường metro trực tiếp kết nối, ví dụ từ Tân Sơn Nhất đi lên Long Thành. Hoặc metro từ Hà Nội đi lên Nội Bài cũng sẽ hỗ trợ tốt cho tốc độ giao lưu, đi lại của khách du lịch.

"Chúng tôi rất lo lắng là giữa sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất – làm sao đưa khách từ nội địa sang quốc tế đây? Đi 3–4 tiếng đồng hồ từ Tân Sơn Nhất lên Long Thành là trễ chuyến bay khách quốc tế", ông nói.

Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có cảng chuyên dụng đón tàu biển mà đang dùng cảng hàng để đón tàu biển. Hệ thống nhà ga đón tàu biển, dịch vụ đi kèm hoàn toàn là tạm bợ – dùng kho hàng và một số cơ sở tạm thời để đón khách. Với mục tiêu đón khoảng 300.000–400.000 khách tàu biển như hiện nay, ông Kỳ cho rằng thì cần phải có cảng chuyên dụng về tàu biển.

"Chúng tôi đề nghị trong quy hoạch phát triển giao thông đồng bộ của Đảng và Nhà nước, cần quan tâm đến việc là khách du lịch đi như thế nào, họ đi ra sao để hỗ trợ cho họ", Chủ tịch Viettravel đề xuất.