Cởi bỏ tấm áo thạc sỹ trường top, làm nhân viên phát cơm ở căng tin: ‘Tôi thấy vui, nhẹ nhõm đầu óc!’

‘Đừng vì thấy người khác đã nộp bài mà vội vàng viết bừa phần đáp án của mình. Những món quà và câu trả lời mà số phận dành cho bạn, sẽ không thiếu một điều nào cả’ - đó là đúc rút của cô khi tìm thấy ‘đáp án’ của chính mình.

Thời gian trước, mạng xã hội WeChat lan truyền chóng mặt một tin tức: một nữ thạc sĩ tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, Hoàng Tiểu Nghệ, lại đi làm "cô phát cơm" trong căng tin trường.

Người trong cuộc đăng bài chia sẻ rằng, trong thời gian học cao học, cô từng rất mông lung, không biết nên làm công việc gì. Sau đó, cô quyết định ở lại làm việc tại căng tin Đại học Bắc Kinh, với mong muốn mọi người có thể ăn được những bữa cơm rẻ, lành mạnh và ngon miệng.

Cô nói rõ: "Tôi không làm quản lý căng tin, cũng không làm đầu bếp, càng không phải là cô phát cơm." Cô cho biết mình đã mở một gian hàng thực phẩm lành mạnh, bắt đầu từ việc "giảm dầu, giảm muối, giảm đường" trong món ăn.

Phần bình luận trở nên vô cùng sôi động.

Có người bày tỏ sự tán thành, khen ngợi nữ thạc sĩ này là người "tỉnh táo giữa cõi đời", "đã dám cởi bỏ chiếc áo của Khổng Ất Kỷ" (ám chỉ sự thoát khỏi tư tưởng học thuật giáo điều).

Cũng không ít người phản đối, cho rằng đây là sự lãng phí tài nguyên giáo dục, thậm chí nghi ngờ cô đang cố tình tạo chiêu trò. Ngày 10 tháng 4, theo các phương tiện truyền thông đưa tin, Hoàng Tiểu Nghệ - người từng gây tranh luận - đã nghỉ công việc này từ năm ngoái.

Cô cho biết: "Lúc đó tôi chọn ở lại trường cũ để làm việc này, không biên chế, không hộ khẩu, chỉ đơn giản muốn làm một việc có ý nghĩa và giá trị cho mọi người tại nơi mình từng gắn bó."

"Hy vọng sau này mình có đủ năng lực để xây dựng một căng tin lành mạnh mà mình yêu thích". Câu chuyện của Hoàng Tiểu Nghệ, có lẽ sẽ cho chúng ta một vài điều để suy ngẫm.

01. Đừng dùng cùng một thước đo để đánh giá tất cả mọi người

Trong mắt nhiều người, những nhãn mác như thạc sĩ Đại học Bắc Kinh, được tuyển vào các tập đoàn công nghệ lớn, lương năm hàng tỷ đồng, kết hợp lại dường như là một "đường đua vàng" dẫn thẳng đến thành công.

Con đường như thế dường như đã mặc định trở thành một "đáp án tiêu chuẩn", và những ai chạy trên đường đua đó thường bị gán thêm kỳ vọng lớn lao về cái gọi là "thành công".

Thạc sĩ Bắc Đại làm "cô phát cơm" – Hoàng Tiểu Nghệ – lại đưa ra một câu trả lời hoàn toàn khác biệt. Cô rẽ khỏi con đường sự nghiệp hào nhoáng, lao mình vào trung tâm ẩm thực của Bắc Đại, từ việc dậy sớm kiểm hàng rau củ, đứng quầy phát cơm, đến nghiên cứu phát triển các món ăn lành mạnh… Lựa chọn của cô, dường như là một hành động "phản truyền thống".

Trước đây, từng bước đi của Hoàng Tiểu Nghệ gần như được lập trình một cách hoàn hảo. Từ quê nhà Hồ Nam, nỗ lực không ngừng để thi đỗ một trường đại học tại Bắc Kinh, sau đó với thành tích xuất sắc được giữ lại học thạc sĩ tại Bắc Đại. Kinh nghiệm thực tập cũng gần như lý tưởng - từ các cơ quan truyền thông nổi tiếng đến các công ty công nghệ lớn, từng bước đều đi rất đúng nhịp. Thế nhưng, đến gần lúc tốt nghiệp, cô bắt đầu cảm thấy mơ hồ.

Sự lo âu vì lưu lượng trong ngành truyền thông và chủ nghĩa hiệu suất cực đoan trong các công ty công nghệ khiến cô nhận ra: Có lẽ mình vẫn luôn chạy trên đường ray của người khác, mà chưa từng hỏi: "Đây có thực sự là điều mình mong muốn không?". Vậy là cô đưa ra một quyết định táo bạo: Bước ra khỏi khuôn mẫu tưởng như hoàn hảo đó.

Năm 2022, cô từ chối lời mời làm việc lương cao ở tập đoàn lớn, chọn bắt đầu từ vị trí văn thư tại trung tâm ẩm thực của Bắc Đại.

Có người đoán: "Chắc là căng tin có biên chế chăng?"

Nhưng Hoàng Tiểu Nghệ thẳng thắn đáp: "Công việc này không có biên chế, không có hộ khẩu, lương cũng không gắn với hiệu quả. Tôi chọn công việc này chỉ vì không muốn bị KPI thúc ép. Lao động chân tay khiến tôi thấy vui, tan làm là thực sự tan làm."

Những lời nói đơn giản, nhưng toát ra một sự tỉnh táo hiếm có. Chẳng bao lâu sau, cô nhận ra muốn hiểu rõ hoạt động của căng tin, phải thực sự bước vào tuyến đầu. Thế là tháng 7 năm 2023, cô chủ động xin làm quản trị tập sự, bắt đầu vòng quay luân chuyển các vị trí công việc.

Bốn giờ sáng, khi phần lớn mọi người còn đang say giấc, cô đã bắt đầu kiểm hàng thực phẩm; Ban ngày, cô phát cơm ở quầy, trực tiếp trò chuyện với thầy cô và sinh viên; Thời gian rảnh, cô suy nghĩ cách tạo ra những món ăn lành mạnh và ngon miệng hơn. Cô cười nói: "Chỉ khi tự mình trải nghiệm sự vất vả của các chú bác trong bếp, mới có thể đưa ra quyết định quản lý phù hợp thực tế."

Hoàng Tiểu Nghệ nói: "Thay vì nói tôi đã cởi bỏ chiếc áo dài của Khổng Ất Kỷ, chi bằng nói viên đạn của số phận đã bắn trúng giữa trán tôi."

Câu nói ấy như là sự tổng kết cho chặng đường đời đã qua của cô.

Trước đây, từng bước của cô đều như thể đang tuân theo một lộ trình định sẵn, bước đi vững vàng theo kỳ vọng của xã hội: từ việc học hành, thực tập, tất cả đều dọn sẵn một con đường "thênh thang" trong mắt người khác. Nhưng đến ngã rẽ của cuộc đời, cô mới phát hiện, đó không phải là điều cô thực sự muốn. Và chính bằng hành động, cô đã không ngừng tự hỏi và thực hành những suy ngẫm sâu sắc về "con đường", "giá trị cuộc sống" và "lựa chọn".

Lựa chọn của cô, tuy khác biệt với con đường "thành công" trong quan niệm truyền thống, nhưng niềm vui và sự mãn nguyện cô có được lại vô cùng chân thật.

Có lẽ, trong lòng mỗi người đều có một "chiếc thước" riêng, để đo đạc cuộc đời của chính mình.

Tiến gần tới cái gọi là "thành công" trong thế tục dĩ nhiên rất đáng mừng, nhưng những người trẻ dám khám phá lối đi mới, xây dựng mô hình mới, và không ngừng dùng hành động để củng cố niềm tin trong tim họ - cũng rất xứng đáng được cổ vũ. Đó là một loại dũng khí hiếm có.

02. Giúp trẻ tìm được "múi giờ" của riêng mình, đó cũng là thành công của giáo dục

Ngày nay, chúng ta đã quá quen với đủ loại "khuôn mẫu thành công". Từ những lớp học năng khiếu cho trẻ mẫu giáo, đến các kỳ thi toán nâng cao ở tiểu học, rồi chạy nước rút vào các trường danh tiếng trong kỳ thi đại học — dường như mỗi bước đi đều cần được lên kế hoạch cẩn thận, và mỗi lựa chọn đều phải được xác định một cách nghiêm ngặt.

Thế nhưng, nếu chúng ta nhìn xa hơn một chút, sẽ thấy rằng có những người không hoàn toàn phù hợp với các "khuôn mẫu" ấy, nhưng họ vẫn sống một cuộc đời vô cùng rực rỡ.

Lý lịch của Đồng Khiết Quỳnh có thể nói là "đỉnh cao của học bá" tại trung Quốc: du học Canada, thạc sĩ Thanh Hoa, từng đứng trên sân khấu của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nghiên cứu biến đổi khí hậu — chuẩn mực của một người chiến thắng trong cuộc đời.

Thế nhưng đến năm 2024, tổ chức nơi cô công tác tái cơ cấu, cô bị cắt giảm vị trí. Theo lẽ thường, chuyện như vậy với bất kỳ ai cũng sẽ khiến người ta ủ rũ một thời gian. Nhưng cô lại ngay lập tức tự sắp xếp cho mình một "hành trình tái sinh" — đến trường kỹ thuật Lam Tường học nấu ăn.

Tại sao lại chọn Lam Tường? Đồng Khiết Quỳnh nói, đây là một hành trình khám phá kỹ năng.

Cô luôn cảm thấy nấu ăn không chỉ phục vụ cuộc sống, mà còn tăng cường sự gắn kết tình cảm, và hơn nữa là một hình thức thiền định. Ngoài ra, các khóa học nấu ăn của Lam Tường rất chú trọng đến căn bản, điều này rất hợp với mong muốn của cô. Thế là cô kéo vali đến nhập học, trở thành học viên nữ duy nhất trong lớp.

Những ngày ở Lam Tường, Đồng Khiết Quỳnh sống rất trọn vẹn và vui vẻ. Từ việc luyện dao bắt đầu bằng cách thái cà rốt, đến kỹ thuật lắc chảo, kiểm soát nhiệt độ dầu - mỗi ngày là một thử thách mới. Mặc dù lúc đầu lắc chảo khiến tay cô đau nhức, nhưng cô vẫn kiên trì không bỏ cuộc.

Cuối cùng, cô học được 60 món ăn, trở thành "bếp trưởng" trong gia đình, tự tay nấu bữa cơm giao thừa với 16 món ăn, khiến cả nhà hết lời khen ngợi. Bạn bè cô cũng bị tay nghề nấu ăn của cô "chinh phục", liên tục gửi lời tán dương.

Nhưng Đồng Khiết Quỳnh không phải là người bốc đồng. Cô hiểu rõ mục tiêu của mình — học nấu ăn chỉ là lựa chọn trong thời gian "nghỉ giữa chừng", còn lĩnh vực mà cô thực sự yêu thích vẫn là biến đổi khí hậu.

Cô nói: "Cuộc đời giống như lắc chảo, muốn làm gì thì cứ làm, lắc mãi rồi cũng sẽ thành hình dạng mà mình mong muốn."

Tốt nghiệp đại học Thanh Hoa không phải là điều gì to tát — mỗi người đều có quyền trải nghiệm những cuộc sống khác nhau, để tìm ra giá trị đích thực của mình.

Tương tự như hành trình của Đồng Khiết Quỳnh, Vương Dục Hoành từng vì tai nạn mà gần như mất đi 2/3 thị lực. Nhưng bằng sự quan sát và trí tưởng tượng siêu phàm, anh đã trở nên nổi bật trong chương trình "Bộ não siêu phàm". Từ nhỏ, anh đã đam mê cây cỏ, côn trùng, sách cổ, nhưng lại không hứng thú với việc học trên lớp. Dù từng chịu đựng bạo lực học đường, anh không bị đánh gục, mà tìm thấy niềm vui và sự bình yên trong việc quan sát thiên nhiên.

Sau này, bằng trí tuệ và sức sáng tạo của mình, Vương Dục Hoành giành được hơn 100 bằng sáng chế, trở thành một "nhà phát minh kiếm tiền trong im lặng". Thành công của anh không đến từ kiểu "nỗ lực truyền thống", mà xuất phát từ việc khai phá thiên bẩm và kiên trì với đam mê.

Giáo dục thành công không phải là khiến trẻ cật lực chạy trong "múi giờ của người khác", mà là giúp chúng tìm ra "múi giờ" của chính mình, và theo nhịp độ riêng để viết nên câu chuyện đời mình.

Giống như lời nhà giáo dục Tào Hành Chi từng nói: "Cuộc sống chính là giáo dục, xã hội chính là trường học."

Ý nghĩa thật sự của giáo dục không nằm ở việc đào tạo ra những "người thành công" rập khuôn, mà là nuôi dưỡng những tâm hồn độc lập, tự tin và đầy yêu thương.

03. Lao động không phân sang hèn, giá trị nằm ở sự lựa chọn

Trong mắt một số người, bằng cấp, chức vụ, mức lương thường được xem là thước đo đánh giá một người có thành công hay không. Tuy nhiên, luôn có những người dám trở thành người đầu tiên vượt khỏi khuôn mẫu.

Cái tên Lục Bộ Hiên từng gây ra vô số tranh cãi. Anh là một tài tử của Đại học Bắc Kinh, chuẩn "học bá", nhưng lại chọn một con đường khác biệt — bán thịt heo. Khi thông tin Lục Bộ Hiên bán thịt heo được lan truyền, lập tức gây nên làn sóng chấn động. Có người cho rằng anh "phí phạm nhân tài", "lãng phí nguồn lực giáo dục". Nhưng chính Lục Bộ Hiên lại nói: "Bán thịt heo thì sao? Đó chẳng phải cũng là một hình thức lao động sao?"

Lao động không có sang hèn, điều quan trọng là thái độ của chúng ta đối với công việc, đó mới là yếu tố quyết định giá trị của nó. Mà việc bán thịt heo của Lục Bộ Hiên không chỉ đơn giản là dựng quầy buôn bán.

Anh nghiên cứu chất lượng thịt, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, thậm chí xây dựng thương hiệu riêng. Quầy thịt của anh trở thành "quầy nổi tiếng" trong khu vực, lúc nào cũng đông khách.

Anh đã dùng kiến thức chuyên môn và sự nỗ lực không ngừng để đưa một công việc tưởng chừng bình thường trở nên xuất sắc, đó chính là "bức tường chuyên môn" thực sự!

Phùng Duệ, bé gái 11 tuổi mà ngay cả tờ Nhân Dân Nhật Báo nổi tiếng của Trung Quốc cũng từng dành lời khen ngợi. Cô bé đang học lớp 5 tiểu học, đã có thể tự tay làm hàng chục loại bánh ngọt hấp dẫn. Phùng Duệ không chỉ khéo tay, mà còn có kỹ năng giao tiếp và đầu óc kinh doanh khiến người lớn cũng phải nể phục. Trong kỳ nghỉ hè, từ làm bánh đến bày bán, em đều tự mình thực hiện tất cả các công đoạn, một ngày có thể thu về tối đa 500 tệ.

Thấy con gái say mê với việc làm bánh như vậy, mẹ em chân thành cảm thán: "Tôi không hâm mộ bảng điểm toàn điểm giỏi của con nhà người ta. Vì ngoài điểm số không phải toàn giỏi, cô bé của tôi mọi thứ đều là toàn giỏi."

Phùng Duệ đã dùng sự nỗ lực và đam mê của mình để biến những việc nhỏ thành điều phi thường. Trong thế giới bánh ngọt nhỏ bé đó, em đã tìm thấy sân khấu thuộc về mình.

Thực ra, mỗi người đều có thiên phú riêng. Chỉ cần tìm được hướng đi phù hợp với bản thân, biết nỗ lực bền bỉ và không ngừng hoàn thiện, thì ai cũng có thể xây dựng được "bức tường chuyên môn" của riêng mình.

Lao động không phân sang hèn, nhưng giá trị lại khác nhau tùy theo lựa chọn. Sự cao quý thực sự không nằm ở ánh hào quang của chức danh, mà ở cách chúng ta đối mặt và trân trọng công việc hiện tại. Dù là công việc bình thường, cũng có thể tạo nên điều phi thường!

04

Đôi khi, chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng bởi những tiếng nói bên ngoài, bị ràng buộc bởi các tiêu chuẩn của thế tục. Chúng ta thường lo lắng rằng mình đang "tụt lại phía sau" chỉ vì nhìn thấy người khác thành công.

Nhưng thực ra, mỗi người đều có múi giờ của riêng mình, mỗi người đều có nhịp điệu riêng.

Giống như câu nói của Hoàng Tiểu Nghệ:

"Tôi nghĩ, hơn hai mươi năm giáo dục cuối cùng dạy tôi một điều, không phải ai cũng nhất định phải thay đổi thế giới, mà là trong hành trình sống hòa hợp với chính mình, hãy tôn trọng mọi lựa chọn xuất phát từ niềm vui nội tâm."

Khi ta cảm thấy mông lung và hoang mang trên đường đời, chi bằng hãy dừng lại một chút và tự hỏi:

"Đây có thực sự là điều mình mong muốn không?"

Có lẽ, trong múi giờ của riêng mình, không tồn tại khái niệm "đến muộn".

Đừng vì thấy người khác đã nộp bài mà vội vàng viết bừa phần đáp án của mình.

Những món quà và câu trả lời mà số phận dành cho bạn, sẽ không thiếu một điều nào cả.

Không cần vội, cứ từ từ mà sống nhé…