Gặp chàng trai Việt được mời thuyết trình tại ĐH Y Harvard: Có bố mẹ làm ở Viện Nghiên cứu Hạt nhân, dạy con theo cách không ai ngờ tới

Thành tích của Tuấn Việt siêu ấn tượng, và cách anh chàng đam mê khoa học cũng không phải ai cũng làm được.

Thời điểm được chọn thuyết trình tại ĐH Y Harvard, chàng trai Nguyễn Minh Tuấn Việt (SN 1993, Đà Lạt) nhận nhiều sự chú ý với dòng trạng thái đầy tự hào:

"Lưu lại một khoảnh khắc mà 14 năm trước, có lẽ mình chưa từng dám mơ ước. Được chọn thuyết trình tại ĐH Y Harvard về cách photon (PV - quang tử) ánh sáng tác động đến chức năng não bộ thông qua phân tử Melanopsin. Cảm ơn vì những khoảnh khắc đẹp".

Nói là "chưa từng dám mơ ước", bởi vì cách đây 14 năm, Tuấn Việt từng tự ti rất nhiều về thành tích học tập của mình. Anh từng rất buồn vì không được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi Toán Quốc gia, tiếng Anh thì yếu, chỉ dám nghĩ đến chuyện cố gắng thi đậu đại học - chưa từng dám mơ đến chuyện ra nước ngoài học, chứ đừng nói gì đến chuyện học Harvard.

"Mình chưa bao giờ là số 1 hay thủ khoa này kia. Hồi đó mình nghĩ mọi thứ chấm hết rồi, cảm giác bản thân sẽ không làm được chuyện gì tốt đẹp trong tương lai. Mỗi giai đoạn của mình lại luôn có khó khăn riêng, nhưng giờ nghĩ lại, khi trải qua rồi mới thấy mọi chuyện đơn giản hơn thế nào", Tuấn Việt kể lại đầy tự hào về câu chuyện của mình.

Nguyễn Minh Tuấn Việt

Nguyễn Minh Tuấn Việt (SN 1993)

- Tốt nghiệp ngành Bác sĩ Đa khoa tại ĐH Y dược TP.HCM

- Tiến sĩ Y khoa ở ĐH Y nha Tokyo (Nhật Bản)

- Nghiên cứu Hậu Tiến sĩ, Trung tâm Sinh học Thần kinh Kirby, ĐH Y Harvard và Bệnh viện Nhi khoa Boston.

- Bộ phận Y học Giấc Ngủ, Đại Học Y Harvard.

- Học bổng ĐH Y dược cho sinh viên Y khoa

- Học bổng MEXT của Chính phủ Nhật Bản.

Khoảnh khắc đầy tự hào ở trường ĐH Y Harvard

Ngôi trường ĐH Harvard dành cho những người có thành tích học tập xuất sắc, và nhắc đến Y Harvard, còn đáng nể và ấn tượng hơn nữa. Đại học Y Harvard (Mỹ) là một trong những cái tên không bao giờ thiếu trong danh sách những "lò" đào tạo bác sĩ tốt nhất thế giới. Theo Bảng xếp hạng 500 trường đào tạo ngành Y tốt nhất thế giới năm từ 2011-2025 của QS, Đại học Y Harvard tiếp tục (bang Massachusetts, Mỹ) đứng thứ nhất.

Hiện tại, Tuấn Việt đang làm Nghiên cứu Hậu Tiến sĩ tại Trung tâm Sinh học Thần kinh Kirby (ĐH Y Harvard) và Bệnh viện Nhi khoa Boston. Anh chàng tập trung nghiên cứu về não bộ và cách não bộ ảnh hưởng đến cơ thể con người.

Chia sẻ thêm về màn thuyết trình tại ĐH Y Harvard, Tuấn Việt tâm sự anh mất 1 tháng để chuẩn bị cho bài thuyết trình này. Tuy nhiên, những dữ liệu và kiến thức để xây dựng nên bài thuyết trình thì mất đến 4 năm học tập và nghiên cứu ở ĐH Y Harvard.

Tuấn Việt tâm sự: "Đây là lần đầu tiên mình mang những kết quả nghiên cứu ra chia sẻ với các giáo sư và nhà khoa học hàng đầu ở Harvard, nên hồi hộp lắm! Nhưng điều mình lo nhất không phải là mình nói có hay hay không, mà là làm sao kể câu chuyện khoa học sao cho mọi người hiểu được rõ nhất vì khoa học mà chỉ mình hiểu thì chưa đủ.

May mắn là sau phần trình bày, mọi người đều rất ủng hộ. Có những giáo sư hàng đầu ở ĐH Harvard đến khen và trò chuyện thêm. Mình còn bất ngờ hơn nữa vì biết con dâu của một giáo sư cũng là người Việt Nam và thầy kể về bạn ấy với vẻ rất tự hào. Mình nghe mà vui lắm, cảm giác như mang một phần Việt Nam đến Harvard vậy đó".

Hiện tại, Tuấn Việt đang làm Nghiên cứu Hậu Tiến sĩ tại Trung tâm Sinh học Thần kinh Kirby (ĐH Y Harvard) và Bệnh viện Nhi khoa Boston.

Về quy trình được chọn thuyết trình ở ĐH Y Harvard, anh chàng cho biết chương trình do ban tổ chức lựa chọn, dành cho các giáo sư, nhà khoa học trẻ như nghiên cứu sinh Tiến sĩ và hậu Tiến sĩ. Mỗi người sẽ gửi bài tóm tắt nghiên cứu của mình, rồi hội đồng sẽ xem xét và chọn ra những đề tài nổi bật để mời thuyết trình.

"Mình thấy tiêu chí không phải ai giỏi nhất, mà họ muốn chọn đa dạng đề tài, từ những nghiên cứu rất cơ bản đến những hướng đi mới, có tính ứng dụng cao hay có cách tiếp cận độc đáo.

Bài nghiên cứu của mình tập trung vào cách ánh sáng - cụ thể là photon, màu sắc ánh sáng, có thể tác động đến nhiều chức năng của não bộ thông qua một phân tử đặc biệt tên là Melanopsin. Có thể chính cái "lạ" và hướng đi mới đó khiến ban tổ chức thấy thú vị và chọn bài của mình để trình bày" - Việt chia sẻ thêm.

Đằng sau chương trình Hậu Tiến sĩ ở ĐH Y Harvard

Trước khi trở thành Nghiên cứu Hậu Tiến sĩ ở ĐH Harvard, Tuấn Việt từng có nhiều năm học tập với ngành Y. Thế nhưng, những trải nghiệm ở giai đoạn này vẫn rất đặc biệt với anh.

"Đến giai đoạn Hậu Tiến sĩ, quá trình không còn giống như nộp hồ sơ thi tuyển nữa, mà dựa vào chất lượng nghiên cứu, định hướng khoa học và khả năng làm việc độc lập. Giai đoạn này cũng là lúc mình cảm thấy được thực sự sống cùng khoa học - vừa học hỏi, vừa sáng tạo, vừa rèn luyện kỹ năng như viết báo khoa học, trình bày hội nghị, hướng dẫn các bạn sinh viên..." - Việt cho hay.

Tuấn Việt chọn nghiên cứu về ngành Thần kinh học vì nhiều lý do. Anh tâm sự: "Ngày xưa mình chỉ biết thi vào Y vì… khó, nên muốn thử sức và chinh phục xem sao. Nhưng khi bắt đầu học, đặc biệt lúc học giải phẫu não trong năm đầu tiên thì mọi thứ thay đổi.

Có quá nhiều khái niệm, tên gọi nghe lạ hoắc như “hồi hải mã”, “thể hạnh nhân”, “đồi thị”… những thứ trước giờ chưa từng nghe. Vậy mà không hiểu sao, càng học lại càng cuốn. Từ đó đến nay, mình tập trung nghiên cứu về não bộ – cụ thể là cách mà ánh sáng tác động đến não, ảnh hưởng đến giấc ngủ, trí nhớ, cảm xúc… và cả những bệnh về lão hóa như Alzheimer nữa. Mỗi lần khám phá được điều gì mới về bộ não, mình lại thấy phấn khích như lần đầu vậy”.

Trước khi trở thành Nghiên cứu Hậu Tiến sĩ ở ĐH Harvard, Tuấn Việt từng có nhiều năm học tập với ngành Y.

Anh chia sẻ cụ thể về chương trình Hậu Tiến sĩ ở ĐH Y Harvard: “Giai đoạn làm Hậu Tiến sĩ khá khó và không rõ ràng. Bởi không có một cái program nào đó cụ thể và đăng lên để mình apply vào đó như chương trình tiến sĩ hoặc chương trình đại học.

Ở trong giai đoạn Hậu Tiến sĩ này, mình sẽ tự thiết kế những nghiên cứu, đề tài mà mình muốn làm và sẽ tự lên phương án để có thể là mua thiết bị và hóa chất để đi sâu vào hướng nghiên cứu. Thầy ở thời điểm này chỉ gọi là cái người Advisor hoặc là người cố vấn để xem hướng đi của mình có tốt hay cần cải thiện gì không?”.

Được học tập giữa những người giỏi sẽ thế nào?

Sau gần 4 năm làm chương trình Hậu Tiến sĩ, Tuấn Việt thấy rằng dù học ở trường Harvard, song ai cũng có áp lực. Đó là hội chứng là impostor syndrome (PV - có nghĩa là nhiều người ở đây cảm thấy hình như mình không xứng đáng ở đây).

“Vào học hương trình Tiến sĩ của Harvard thì đều rất khó và cạnh tranh - 1.000 người thì chỉ lấy khoảng 20 người. Nhưng khi các bạn được chấp nhận vào chương trình rồi, còn là Thần kinh học, thì các bạn cũng rất lo lắng, luôn cố gắng để chứng minh năng lực. Mĩnh nghĩ đâu đó rất nhiều bạn học ở Harvard cảm thấy liệu khả năng của mình có đúng ở đây hay không, hay chỉ may mắn thôi.

Còn khi làm lâu rồi, mọi người đều dần quen và hiểu ra: Danh tiếng của Harvard chủ yếu do con người tạo ra. Những con người ở đây có năng lực, khả năng và khi có điều kiện làm việc cùng nhau, có điều kiện phát triển thì chất lượng công việc sẽ tạo ra danh tiếng đó” - Việt tâm sự.

Theo Tuấn Việt, có nhiều lầm tưởng mà mọi người vẫn thường nghĩ khi nhìn vào ĐH Harvard nói chung, và ĐH Y Harvard nói riêng.

Việt tâm sự thêm: “Mình nghĩ nhiều người sẽ thấy ĐH Y Harvard phải toàn những “học bá” thành tích xuất sắc. Song thực tế, không phải ai cũng quá xuất sắc. Và một điều nhiều người cũng không biết, đó là: Lúc nào mình cũng cơ hội để học tập và làm việc ở môi trường này.

Tức là khi học hết cấp 3, mình có thể học ở Harvard. Kể cả giai đoạn học xong đại học rồi, học ở một trường bình thường, cũng vẫn có thể apply vào chương trình Thạc sĩ ở Harvard. Điều này cũng tương tự với giai đoạn chương trình Tiến sĩ, hậu Tiến sĩ hay giảng viên thậm chí vị trí Giáo Sư. Có nghĩa là Harvard luôn mở cửa ra cơ hội ở bất kì giai đoạn nào.

Họ không quan tâm mình đến từ đâu, học trường nào. Điều quan tâm nhất là chất lượng công việc, bài trình, cách trình bày, tư duy, hướng đi… mà họ cảm thấy phù hợp thì sẽ được nhận. Nhờ thế ở Harvard, background của mọi người rất đa dạng, từ khắp mọi nơi trên thế giới, chứ không chỉ những bạn tốt nghiệp ở ngôi trường này được học các chương trình và trở thành giảng viên”. 

Sau gần 4 năm làm chương trình Hậu Tiến sĩ, Tuấn Việt thấy rằng dù học ở trường Harvard, song ai cũng có áp lực.

Cách giáo dục con cái đặc biệt trong gia đình toàn “học bá”

Một điều thú vị là gia đình Tuấn Việt có truyền thống nghiên cứu khoa học, và thành viên nào cũng rất giỏi! 

Ba mẹ của Tuấn Việt là những nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt. Ba anh là người làm kỹ sư của lò phản ứng hạt nhân, vật lý hạt nhân. Còn mẹ anh là Tiến sĩ về Đồng vị Phóng xạ. Trong khi đó, em gái của anh trước đây cũng từng đạt giải nghiên cứu khoa học Quốc Tế, hiện cũng đang học chương trình Bác sĩ nội trú ở ĐH Y Hà Nội.

Mặc dù sinh ra trong gia đình có nền tảng học thuật rất tốt, song ba mẹ Tuấn Việt giáo dục cả 2 anh em theo cách rất tâm lý.

Việt chia sẻ về cách giáo dục con cái đặc biệt trong gia đình mình: “Điều quan trọng mà ba mẹ làm cho 2 anh em mình là cảm giác về khoa học từ rất nhỏ. Bởi ba mình đam mê với Vật lý hạt nhân nên lúc nào ba cũng nói chuyện về hạt này, hay lượng tử kia. 

Ba cũng thích mình đi theo con đường chuyên Vật lý giống ba, nhưng ngày xưa mình thích Toán hơn. Thế là mình thi Toán, nhưng ba cũng không tạo  nhiều áp lực là phải bắt học hay điểm cao. Điều ba quan tâm là mỗi ngày đi học về mình học được cái gì mới. Và chỉ vậy thôi!”.

Trải qua quãng thời gian dài theo đuổi ngành Y - một ngành khoa học cần rất nhiều sự học hỏi và kiên nhẫn trong thời gian dài. Việt tâm sự lời khuyên mà anh tâm đắc nhất là: Mình thích cái gì khi cứ theo đuổi đến cùng.

Một điều thú vị là gia đình Tuấn Việt có truyền thống nghiên cứu khoa học, và thành viên nào cũng rất giỏi!

“Khi học trường Y, thứ mà duy nhất mình thích là não bộ, và mình chỉ học về não bộ thôi. Dù học Y rất bận rộn, nhưng mình vẫn dành những buổi tối học đến 1-2h sáng, học thêm những khoá online về não bộ. Mình nuôi dưỡng ước mơ của mình, mỗi ngày một chút và không bỏ dở” - Việt chia sẻ lời khuyên.

Hiện tại, Việt đã hoàn tất các kỳ thi chứng chỉ Y khoa tại Mỹ và đang tìm kiếm chương trình nội trú phù hợp. “Mục tiêu của mình là trở thành một bác sĩ có thể vừa làm lâm sàng, vừa có phòng lab riêng để nghiên cứu và ứng dụng trực tiếp kết quả lên bệnh nhân – để rút ngắn khoảng cách giữa khoa học và thực tế điều trị” - anh chàng chia sẻ về dự định trong tương lai.

Ảnh: NVCC