GDP của quốc gia hơn 200 triệu dân bất ngờ tăng 30%

Sau lần điều chỉnh GDP đầu tiên trong hơn một thập kỷ, Nigeria vẫn duy trì vị thế nền kinh tế lớn thứ 4 châu Phi.

Quy mô kinh tế Nigeria bất ngờ tăng thêm 30% sau khi quốc gia Tây Phi này lần đầu điều chỉnh phương pháp tính GDP trong hơn một thập kỷ.

Theo cách tính mới nhất, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2024 của Nigeria hiện đạt 372.820 tỷ naira (244 tỷ USD), cao hơn nhiều so với con số 187,76 tỷ USD do Ngân hàng Thế giới ước tính trước đó.

Động thái này đến từ việc Cục Thống kê Quốc gia Nigeria (NBS) chuyển năm gốc tính GDP từ 2010 sang 2019, nhằm phản ánh chính xác hơn các ngành kinh tế mới nổi như dịch vụ kỹ thuật số, quỹ hưu trí và đặc biệt là khu vực lao động phi chính thức – nơi sử dụng 90% lực lượng lao động Nigeria.

Việc các nền kinh tế mới nổi thường xuyên tính toán lại GDP được các chuyên gia phát triển khuyến khích, nhằm phản ánh đúng quy mô và cơ cấu nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng.

Nigeria – quốc gia đông dân nhất châu Phi với hơn 230 triệu người – từng tính lại GDP vào năm 2014. Khi đó, quy mô kinh tế được nâng mạnh, giúp nước này vượt Nam Phi để trở thành nền kinh tế lớn nhất lục địa. Tuy nhiên, đến năm 2023, Nigeria đã để mất vị trí này.

Với lần điều chỉnh mới nhất, Nigeria hiện là nền kinh tế lớn thứ tư tại châu Phi, sau Nam Phi, Ai Cập và Algeria.

“Việc tính lại GDP lần này là rất đúng lúc,” ông Michael Famoroti – chuyên gia kinh tế và trưởng bộ phận nghiên cứu của công ty dữ liệu Stears tại Lagos nhận định.

“Ở các nước đang phát triển, nền kinh tế có thể biến đổi đáng kể chỉ sau một thập kỷ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số bùng nổ mạnh mẽ như hiện nay.”

Một trong những tác động trực tiếp của việc nâng quy mô GDP là tỷ lệ nợ công/GDP của Nigeria giảm mạnh – từ 52% xuống còn khoảng 40%. Con số này không chỉ đạt ngưỡng mục tiêu mà chính phủ Nigeria tự đặt ra, mà còn thấp hơn mức khuyến nghị 55% của IMF và Ngân hàng Thế giới.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo tỷ lệ nợ/GDP thấp hơn có thể khiến chính phủ lơi lỏng kỷ luật tài khóa. “Con số mới có thể khiến chính phủ lạc quan thái quá về dư địa vay nợ, trong khi bản chất vấn đề không thay đổi", ông Famoroti cảnh báo.

Trong buổi họp báo tại thủ đô Abuja, ông Adeyemi Adeniran – Tổng cục trưởng NBS – cho biết đợt điều chỉnh lần này là “toàn diện nhất từ trước đến nay”. Theo ông, đây là lần đầu tiên hoạt động kỹ thuật số, quản lý quỹ hưu trí và kinh tế phi chính thức được tính vào GDP quốc gia.

Tham khảo: FT