Giáo viên lâu năm nói thẳng: Cha mẹ nên dừng nói câu này với con, nghe thì vui nhưng tai hại vô cùng!

Với vai trò là giáo viên, tôi hy vọng các bậc phụ huynh đừng tiếp tục sử dụng câu nói này, bởi tác động tiêu cực của nó lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng.

*Bài viết thể hiện quan điểm của một giáo viên lâu năm tại Trung Quốc:

"Con nhà tôi rất thông minh, chỉ là không chịu học hành nghiêm túc". Không biết bạn có thấy câu nói này quen thuộc không? Với tôi, từ nhỏ đến lớn, dạng "lời khen kiểu này" tôi đã nghe không ít. Giờ đây, khi đã trở thành giáo viên, tôi vẫn thường xuyên nghe các bậc cha mẹ nhắc đến câu nói ấy.

Khi còn nhỏ, tôi từng nghĩ đó là một lời khen ngợi. Nhưng khi trưởng thành và trở thành người đứng lớp, tôi lại có cách nhìn khác. Với vai trò là giáo viên, tôi hy vọng các bậc phụ huynh đừng tiếp tục sử dụng câu nói này, bởi tác động tiêu cực của nó lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng.

01

Cha mẹ thường vô tình hay hữu ý truyền đạt thông điệp này cho con cái trong hai tình huống phổ biến:

Khi con thi không tốt: Khi điểm thi không đạt như mong đợi, tâm trạng của trẻ vốn đã rất buồn bã. Với mong muốn động viên, cha mẹ thường nói: "Con rất thông minh, lần này chỉ do không tập trung nên mới thi không tốt". 

Ý tốt là để an ủi, xây dựng lòng tin cho con. Thế nhưng, nếu nghe nhiều lần, trẻ sẽ dần hình thành suy nghĩ: "Mình thông minh rồi, chỉ cần cố gắng một chút là sẽ đạt điểm cao". 

Điều đáng nói là, thay vì cùng con phân tích nguyên nhân thất bại, cha mẹ chỉ đơn giản quy kết việc học không tốt là do con chưa "chăm chỉ". Đây thực sự là một cách tiếp cận thiếu trách nhiệm.

Ảnh minh hoạ

Khi trao đổi với giáo viên: Sau mỗi kỳ thi, tôi thường mời phụ huynh của những học sinh có kết quả biến động lớn để cùng thảo luận. Tuy nhiên, phản ứng của phụ huynh rất khác nhau. Có người vừa gặp giáo viên đã vội "chống chế", ca ngợi con thông minh, chăm chỉ, và đổ lỗi cho sự "cẩu thả" dẫn đến kết quả không như ý. 

Nếu lúc đó trẻ cũng có mặt, mục đích buổi gặp gỡ ban đầu - cùng phân tích và tìm giải pháp - không những không đạt được mà còn phản tác dụng.

Khi trẻ quen nghe những lời biện minh như vậy, chúng cũng tự an ủi bản thân: "Mình chỉ bất cẩn thôi". Ngược lại, có những phụ huynh sẵn sàng ngồi xuống, trao đổi khách quan như những người bạn, cùng giáo viên tìm ra nguyên nhân thực sự dẫn tới sự sa sút trong học tập.

02

Vậy khi con cái thi không tốt, cha mẹ nên làm gì để giúp con xây dựng lại sự tự tin?

Đừng vội mắng mỏ hay tìm lý do hộ con: Câu nói "điểm số là sinh mệnh của học sinh" không phải ngẫu nhiên mà ra. Sau mỗi lần thi, áp lực từ việc bị trách mắng, thậm chí bị phạt, khiến không khí gia đình nặng nề hơn. Thay vì vậy, khi biết điểm số của con, cha mẹ nên bình tĩnh, không vội trách cứ hay bao biện. Hãy đối diện với thực tế, chấp nhận nó và cùng con tìm giải pháp cải thiện.

Cùng con phân tích nguyên nhân: Điểm số phản ánh trung thực nhất tình trạng học tập. Các bài kiểm tra định kỳ là cơ hội để lộ ra những thiếu sót. Chương trình học ngày nay được chia thành từng phần, có sự liên kết mật thiết. Một phần kiến thức không vững chắc sẽ thể hiện rõ trên bài kiểm tra.

Khi nhận đề thi, cha mẹ nên cùng con phân tích kỹ càng: Phần nào con chưa nắm vững? Do độ khó tăng lên? Hay vì thầy cô giảng nhanh quá? Hay do những yếu tố bên ngoài? Nếu con đã lên cấp trung học, dù phụ huynh không trực tiếp hỗ trợ việc ôn luyện, cũng nên thường xuyên trò chuyện để tìm hiểu xem con có gặp khó khăn gì.

Chỉ khi xác định đúng nguyên nhân mới có thể đề ra phương án khắc phục hiệu quả.

Lập kế hoạch cải thiện điểm số: Sau khi tìm ra nguyên nhân, phụ huynh có thể cùng con xây dựng kế hoạch học tập bổ sung những chỗ còn thiếu. Với trẻ nhỏ, cha mẹ cần hỗ trợ cụ thể; còn những học sinh lớn hơn đã có khả năng tự lập kế hoạch, phụ huynh chỉ cần làm nhiệm vụ giám sát.

Chú trọng cách thức động viên: Điều quan trọng nhất là: mỗi lời khen, lời chê phải cụ thể, chi tiết. Nhiều phụ huynh thường khen "Con giỏi quá", "Con thông minh quá", hoặc chê "Sao con ngốc vậy", nhưng với trẻ nhỏ, những từ ngữ chung chung này khó tạo ra ảnh hưởng sâu sắc. Khi con tiến bộ, cần chỉ ra cụ thể con đã làm tốt ở đâu. Khi con thụt lùi, cần phân tích rõ nguyên nhân thay vì chỉ trích nặng nề.

Tăng cường phối hợp với giáo viên: Nhiều phụ huynh ngại trao đổi với giáo viên. Nhưng thực tế, nếu muốn con tiến bộ, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường là vô cùng cần thiết. Bởi thời gian con ở trường nhiều hơn ở nhà, và đôi khi giáo viên lại hiểu con sâu sắc hơn. Đặc biệt, khi nghe phụ huynh thuật lại lời nhận xét tích cực từ giáo viên, tác động đến trẻ sẽ lớn hơn rất nhiều so với lời khen trực tiếp từ cha mẹ.

Hãy thôi để sự tự lừa dối che mắt những đứa trẻ.