Họp lớp 20 năm, lúc chia tiền, lớp trưởng tặng 1 "món quà" khiến tôi lập tức đứng dậy ra về, không quay đầu lại

Có thể tôi không đi họp lớp nữa. Nhưng tôi không hối hận vì mình đã đứng dậy ra về hôm đó.

* Chia sẻ của chị Tiểu Liên (Trung Quốc)

20 năm rồi tôi mới gặp lại cả lớp. Tưởng đâu sẽ là một buổi tối vui vẻ, nhưng chỉ vì một câu nói tưởng như "tốt bụng", tôi đã lặng lẽ rời khỏi bàn tiệc khi món tráng miệng còn chưa kịp dọn ra.

Tôi đã mong chờ buổi họp lớp ấy

Tôi không phải người giỏi tụ tập. Làm giáo viên tiểu học ở một trường làng, lại là mẹ đơn thân nuôi hai con, thú thật tôi đã đắn đo rất nhiều trước khi quyết định đi họp lớp. Vừa tốn tiền, vừa ngại giao tiếp. Nhưng rồi trong nhóm chat, bạn bè cứ réo mãi, nào là "20 năm mới có một lần", "đi cho biết mặt bạn bè bây giờ ra sao", tôi nghĩ thôi thì cứ đi, coi như một lần cho mình được ăn diện, được cười nói một chút.

Tôi mua một chiếc váy mới - không đắt, nhưng là cái váy đẹp nhất tôi từng mặc suốt mấy năm qua. Cũng trang điểm nhẹ, dặn hai con ngủ sớm, bắt xe buýt lên thành phố cho kịp giờ.

Ảnh minh hoạ

Nhưng rồi tôi nhận ra mình lạc lõng.

Nhà hàng họp lớp là nơi sang trọng. Tôi đến muộn 5 phút, cả bàn đã đông đủ. Người nào cũng bóng bẩy, xe đẹp đậu kín bãi. Có người đi cùng vợ chồng, có người khoe con học trường quốc tế, có người show ảnh nhà đang xây 3 tầng.

Tôi ngồi đó, cười nhiều, nói ít. Dường như mọi người không còn nhớ cô bạn học gầy gò, nhút nhát ngày xưa là ai. Họ lịch sự, có phần xã giao. Tôi không trách. Ai cũng có đời sống riêng. Nhưng trong lòng tôi bắt đầu cảm thấy lạc lõng.

Rồi đến lúc chia tiền, lớp trưởng - hiện là giám đốc công ty xây dựng - đứng lên cười nói:

"Mỗi người 400 tệ nha. Ai có vợ/chồng thì nhân đôi. À mà Tiểu Liên khỏi đóng, tụi này bao cho, coi như món quà nhé. Dù gì… cậu cũng đang vất vả mà".

Câu đó khiến cả bàn khựng lại. Tôi cười không nổi.

Khỏi đóng? Bao cho? Tôi không xin. Tôi đi họp lớp với tư cách bạn học, không phải người nhận từ thiện. Anh nói câu đó trước mặt bao nhiêu người, với ánh mắt vừa thương hại vừa… trịch thượng.

Tôi không nhớ rõ lúc ấy mình đã phản ứng thế nào. Chỉ biết tay siết chặt quai túi, tim đập nhanh. Tôi đứng dậy, nhẹ nhàng nói một câu:

"Cảm ơn. Nhưng mình vẫn tự trả được phần ăn của mình".

Rồi tôi đi. Không ngoảnh lại.

Tự trọng không phải là thứ để mang ra "thương hại"

Tối đó, trong nhóm chat lớp, có vài tin nhắn hỏi tôi về sớm làm gì. Tôi chỉ trả lời đúng một dòng: "Tớ đi họp lớp để gặp lại bạn cũ, không phải để bị thương hại".

Không ai trả lời thêm. Có lẽ họ hiểu. Cũng có thể không.

Nhưng tôi thì rõ ràng hơn bao giờ hết: một câu nói tưởng như tốt bụng có thể làm tổn thương lòng tự trọng của người khác sâu hơn cả những lời mỉa mai.

Tôi không giàu. Tôi không có nhà to, xe đẹp, hay con học trường quốc tế. Nhưng tôi đủ sức tự trả vài trăm nghìn cho một bữa ăn. Và tôi còn giữ được thứ quý giá hơn cả tiền bạc: lòng tự trọng.

Có thể tôi không đi họp lớp nữa. Nhưng tôi không hối hận vì mình đã đứng dậy ra về hôm đó.

Tôi mong những buổi họp lớp - dù sau 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa - sẽ là dịp để chúng ta gặp lại nhau như những người bạn cũ, không hơn không kém. Không so đo địa vị, không kể lể thành công hay chì chiết thất bại. Chỉ cần một ánh mắt thân quen, một cái bắt tay thật lòng, một câu hỏi "dạo này cậu sao rồi?" thế là đủ ấm lòng.

Và nếu muốn giúp ai đó, hãy giúp một cách tế nhị. Tốt bụng không đồng nghĩa với việc phải nói lớn lên trước bàn tiệc rằng ai đang thiếu thốn. Sự tử tế thực sự luôn đi kèm với sự tinh tế. Vì đôi khi, thứ khiến người ta tổn thương nhất không phải là lời xúc phạm… mà chính là ánh mắt thương hại tưởng như đang giúp đỡ.