Đã bao giờ bạn được ai đó khen ngợi kiểu: “Làm tốt lắm!” hay “Ấn tượng đấy!” và bạn đáp lại bằng câu như “Tôi gặp may thôi” hoặc “Chuyện nhỏ mà”?
Nếu bạn thường xuyên phủ nhận lời khen như vậy, rất có thể bạn đang vô tình tự làm chậm bước tiến sự nghiệp. Không chỉ trong công việc, việc phản ứng sai với lời khen cũng có thể làm giảm kết nối trong các mối quan hệ cá nhân.
Jessica Chen là nhà sáng lập kiêm CEO của một nền tảng đào tạo kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp, cho rằng nhiều người cảm thấy ngại khi nhận lời khen, vì sợ bị cho là khoe khoang hoặc tự cao.
Tuy nhiên, trong cuốn sách “Smart, Not Loud: How to Get Noticed at Work for All the Right Reasons” của Jessica Chen, cô nhấn mạnh rằng: Việc đón nhận lời khen một cách đúng đắn chính là chìa khóa tạo dựng kết nối sâu sắc hơn.
Ảnh minh hoạ.
Trước hết, hãy thay đổi tư duy về lời khen
Thay vì thấy lúng túng hoặc phủ nhận, hãy tập chuyển sang “tư duy hiện diện”, tức là chủ động cho người khác thấy giá trị, đóng góp và sự hiện diện tích cực của bạn.
Tại nơi làm việc, điều này giúp mọi người nhận ra tác động thực sự bạn đang tạo ra, thay vì mặc định rằng “công việc sẽ tự nói lên tất cả”. Đây không phải là khoe mẽ, mà là chiến lược khôn ngoan để xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp. Với bạn bè, người thân, việc nhận lời khen đúng cách cũng thể hiện rằng bạn trân trọng cảm xúc và sự ghi nhận từ họ.
Ảnh minh hoạ.
Vậy nên nói gì khi được khen? Hãy ghi nhớ 3 bước đơn giản dưới đây
1. Bày tỏ lời cảm ơn chân thành
Hãy nghĩ về một lời khen như món quà mà ai đó đã chọn lựa kỹ lưỡng dành cho bạn. Nếu một người bạn tặng quà và bạn từ chối thẳng thừng, sẽ ra sao? Thật thất lễ và khiến người ấy tổn thương.
Lời khen cũng vậy, xứng đáng được đón nhận bằng sự cảm kích. Bạn có thể nói: “Cảm ơn nhé!”; “Tôi trân trọng lời khen này.”; “Thật vui khi được công nhận như vậy.”; “Cảm ơn bạn, điều đó có ý nghĩa lắm với tôi.”
Điều quan trọng là bạn cần giữ giọng điệu ấm áp, chân thành và đừng quên mỉm cười.
2. Chia sẻ góc nhìn hoặc bối cảnh
Tại nơi làm việc, sau khi cảm ơn, hãy chia sẻ thêm một chút về quá trình bạn làm việc, điều này giúp người khác hiểu rõ năng lực và nỗ lực của bạn.
Ví dụ: “Hoàn thành kịp deadline của khách hàng là một thử thách lớn, nhưng thật mừng khi mọi thứ diễn ra suôn sẻ.” hay “Tôi thực sự rất vui khi có cơ hội trình bày kết quả của nhóm trước ban lãnh đạo. Cả nhóm đã làm việc rất chăm chỉ.”
Trong đời sống cá nhân, bạn cũng có thể chia sẻ nhẹ nhàng để khơi gợi trò chuyện sâu sắc hơn.
Ví dụ, nếu ai đó khen món ăn bạn nấu, thay vì nói “Chỉ là món đơn giản thôi mà”, hãy nói: “Cảm ơn nhé! Dạo này tôi đang thử nghiệm nhiều hương vị mới, rất vui vì bạn thích!”.
3. Ghi nhận nỗ lực của người khác
Khi bạn nhận lời khen một cách thông minh, bạn có cơ hội thể hiện tinh thần đồng đội và sự hợp tác, điều mà bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng đánh giá cao.
Ví dụ: “Thật sự là công sức của cả nhóm. Tôi may mắn khi có những cộng sự tuyệt vời.”
Trong những tình huống ngoài công việc, việc nhắc đến người khác cũng giúp bạn tăng sự ảnh hưởng xã hội, bởi nó thể hiện sự tôn trọng, gắn kết và tinh tế. Đây chính là EQ (trí tuệ cảm xúc) trong hành động và là cách tuyệt vời để tạo ra một môi trường tích cực, nơi mọi người đều được ghi nhận.
Ảnh minh hoạ.
Lời khen là cơ hội
Một lời khen không chỉ là một khoảnh khắc dễ chịu. Nó có thể là cánh cửa mở ra cơ hội, sự công nhận, và những cuộc trò chuyện có chiều sâu, nếu bạn biết cách đón nhận đúng cách.
Dù là trong công việc hay cuộc sống cá nhân, việc học cách phản hồi lời khen thông minh chính là kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp mà ai cũng nên rèn luyện.
Theo CNBC