Trong công sở, khi nhận được lời cảm ơn từ đồng nghiệp hay cấp trên, câu đáp lại phổ biến nhất thường là: “Không có gì” - ngắn gọn, lịch sự, dễ nói. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó, rất có thể bạn đã bỏ lỡ một cơ hội thể hiện bản thân.
Thực tế cho thấy, những người có EQ cao thường không bao giờ chỉ đáp lại bằng “Không có gì”. Bởi lẽ, mọi cuộc trò chuyện với cấp trên đều là một cơ hội để thể hiện sự chuyên nghiệp, tinh tế và thái độ làm việc có trách nhiệm. Đó đều là những yếu tố then chốt giúp bạn được đánh giá cao và có cơ hội thăng tiến nhanh hơn.
Trong các doanh nghiệp vừa và lớn, mỗi bộ phận thường có hàng chục người. Trong môi trường như vậy, nếu không chủ động tạo dấu ấn, việc chăm chỉ, tận tâm sẽ rất dễ bị lu mờ. Lãnh đạo không thể thấy hết sự nỗ lực của từng nhân viên nếu những nỗ lực đó không được thể hiện một cách khéo léo và hợp lý.
Một ví dụ điển hình: Một nhân viên làm việc rất tốt, chỉn chu và trách nhiệm. Tuy nhiên, vì phòng ban quá đông, người này không biết cách thể hiện bản thân với cấp trên nên mãi vẫn không được ghi nhận. Trong khi đó, người được thăng chức lại là người biết “nói đúng lúc” và tận dụng tốt các tương tác nhỏ để gây ấn tượng.
Việc phản hồi một lời cảm ơn từ cấp trên không đơn thuần chỉ là phép lịch sự, mà còn là dịp để cho thấy bạn làm việc có tâm, có trách nhiệm, và luôn sẵn sàng hỗ trợ. Một câu “không có gì” nghe có vẻ đúng mực, nhưng quá nhạt nhòa, không để lại ấn tượng, và cũng không thể hiện được thái độ làm việc chuyên nghiệp.
EQ cao là biết tận dụng lời cảm ơn để ghi điểm
Vậy nên trả lời thế nào khi sếp nói “cảm ơn”? Dưới đây là những cách đáp khéo léo, được đánh giá cao trong môi trường công sở, giúp bạn ghi điểm trong mắt cấp trên và mọi người:
1. “Đây là việc tôi nên làm. Nếu anh/chị thấy điểm nào cần điều chỉnh, cứ nói với tôi, tôi sẽ sửa ngay.”
Câu trả lời này không chỉ thể hiện sự lịch sự, mà còn cho thấy bạn chủ động tiếp nhận phản hồi, cầu thị và luôn muốn hoàn thiện công việc tốt hơn. Thay vì chỉ nói “không có gì”, bạn đang khẳng định với cấp trên rằng mình là người chịu trách nhiệm đến cùng với công việc.
2. “ Đây là điều tôi nên làm mà. Anh/chị cứ tiếp tục công việc, tôi không làm phiền nữa.”
Đây là một câu nói đơn giản nhưng rất tinh tế. Nó thể hiện bạn là người biết quan tâm đến thời gian của người khác, hiểu rằng sếp đang bận và không kéo dài cuộc trò chuyện không cần thiết. Thay vì khiến sếp mất thời gian, bạn chủ động kết thúc bằng một thái độ lịch sự và chuyên nghiệp, một chi tiết nhỏ nhưng ghi điểm lớn.
3. “Trong quá trình làm, tôi thấy cách này hiệu quả hơn. Sau này tôi dự định sẽ…”
Một câu trả lời mang tính chia sẻ không chỉ cho thấy bạn hoàn thành nhiệm vụ, mà còn chứng tỏ bạn dành nhiều thời gian và nghiên cứu sâu vào công việc, có suy nghĩ và hoạch định rõ ràng cho tương lai. Đây là điều mà mọi nhà lãnh đạo đều đánh giá cao. Việc này thể hiện bạn là một nhân viên có tư duy hệ thống, không chỉ làm việc theo chỉ đạo, mà còn biết sáng tạo, cải tiến.
Mỗi cuộc trò chuyện là một cơ hội
Trong môi trường làm việc cạnh tranh, chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ thôi là chưa đủ. Bạn cần được cấp trên nhận ra và công nhận sự nỗ lực của mình. Mỗi lời cảm ơn từ sếp, nếu được phản hồi đúng cách, sẽ là một lần bạn “ghi điểm” trong mắt người đánh giá mình. Ngược lại, nếu cứ mãi chỉ trả lời bằng những cụm từ vô thưởng vô phạt như “không có gì”, bạn sẽ mãi là cái tên mờ nhạt giữa tập thể.
Chìa khóa nằm ở sự chủ động, tinh tế và biết nắm bắt từng chi tiết nhỏ để thể hiện thái độ làm việc chuyên nghiệp. Những người được trọng dụng và thăng tiến nhanh trong môi trường công sở không chỉ là người giỏi, mà còn là người biết nói điều cần nói vào đúng thời điểm.
Nếu bạn đang mong muốn có một bước tiến xa hơn trong sự nghiệp, đừng để câu “không có gì” vô tình trở thành rào cản. Thay vào đó, hãy để từng lời nói đều mang theo thông điệp: “Tôi là người đáng tin cậy và xứng đáng được trọng dụng.”
(Theo 163 news)