Đứng đầu về khu công nghiệp, cảng biển của tỉnh Đồng Nai
Là "cửa ngõ" giao thương kinh tế giữa Tp.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu, Nhơn Trạch được định hình trở thành cực tăng trưởng mới, tạo động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Nai.
Hiện nay, Nhơn Trạch là địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất của tỉnh Đồng Nai, với 10 khu công nghiệp (KCN). Trong đó, 9 KCN đang hoạt động, thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài (FDI). 2 tập đoàn FDI có vốn đầu tư vào tỉnh lớn nhất là Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) và Formosa (Đài Loan) đều nằm trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.
Năm 1997, KCN Nhơn Trạch I được chính thức thành lập, là KCN đầu tiên trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Trong vòng hơn 10 năm sau đó, huyện đã phát triển được 9 KCN. Vào tháng 8/2024, theo điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã phê duyệt điều chỉnh chức năng đất tại phân khu dịch vụ hậu cần cảng và cảng Phước An sang đất công nghiệp để xây dựng mới KCN Phước An.
Theo quy hoạch phát triển tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, Nhơn Trạch sẽ định hướng trở thành thành phố công nghiệp dịch vụ đô thị hiện đại, đồng bộ về hạ tầng và logistics.
Theo UBND huyện Nhơn Trạch, đến nay, các KCN trên địa bàn đã thu hút 447 dự án FDI với số vốn trên 11,2 tỷ USD và 174 dự án đầu tư trong nước với số vốn trên 66 ngàn tỷ đồng. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm trên 81% cơ cấu kinh tế của địa phương. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất cho thuê 9 KCN trên địa bàn đạt hơn 88%, tạo công ăn, việc làm cho hơn 130.000 lao động.
Bên cạnh phát triển công nghiệp, cảng biển cũng là một thế mạnh lâu nay của huyện Nhơn Trạch. Đây cũng đang là địa phương có nhiều cảng biển nhất của tỉnh. Trong đó, cảng Phước An đang giữ vị trí là cảng biển lớn nhất của Đồng Nai. Với tổng diện tích 735 ha bao gồm khu cảng và khu dịch vụ hậu cần, cảng biển Phước An là một trong những dự án hạ tầng giao thông, logistics trọng điểm không chỉ của Đồng Nai mà của khu vực phía Nam.
Dự án có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phục vụ nhu cầu thông quan và lưu trữ hàng hóa cho các KCN đang hoạt động trên địa bàn huyện Nhơn Trạch cũng như các KCN tại các huyện Long Thành, Thống Nhất và Tp.Biên Hòa.
Có vị trí giao thương trực tiếp với Tp.HCM, Nhơn Trạch được xem là cực tăng trưởng của tỉnh Đồng Nai. Ảnh: NĐ
Nằm ở phía Tây Nam tỉnh Đồng Nai, Nhơn Trạch cũng là huyện duy nhất của tỉnh có ba mặt giáp sông, được bao bọc bởi 4 con sông là Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh và Thị Vải. Nơi đây được xem như "dấu gạch nối" giữa ba trung tâm kinh tế lớn ở phía Nam, bao gồm TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong tương lai, khu vực được kỳ vọng trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai.
Liên tục đón tin vui hạ tầng
Nếu khu Tây TP.HCM có Long An là điểm nhấn nhờ liên tục đầu tư hạ tầng, thì khu Đông nổi bật với Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai) – hai địa phương đón nhận nhiều tín hiệu tích cực về phát triển hạ tầng giao thông.
Ngoài dự án sân bay Long Thành đang được đẩy nhanh để khai thác giai đoạn 1 vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm khác cũng đang hoàn thiện và xúc tiến đầu tư tại Nhơn Trạch, hứa hẹn tạo bước đột phá cho kinh tế - xã hội và thị trường bất động sản khu vực.
Mới đây nhất, cầu Nhơn Trạch nối Tp.HCM với Nhơn Trạch (Đồng Nai) chính thức thông xe kỹ thuật và dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong tháng 6/2025. Đây là hạ tầng thuộc dự án thành phần 1 công trình đường Vành đai 3 Tp.HCM, kết nối liên thông từ đầu tuyến phía Đồng Nai qua cầu Nhơn Trạch sang bờ Tp.HCM và kết nối vào đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Khi toàn bộ dự án Vành đai 3 Tp.HCM hoàn thành sẽ tạo một hành lang giao thông chiến lược giúp xe cộ lưu thông thuận lợi hơn từ Tp.HCM đến sân bay Long Thành, kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành, đồng thời giảm áp lực cho cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây và tuyến quốc lộ 51.
Cầu Nhơn Trạch nối Tp.HCM với Đồng Nai đã thông xe kỹ thuật vào ngày 19/4/2025.
Tương tự, Bộ xây dựng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Nhân dân Tp.HCM làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án tuyến đường sắt 3,5 tỉ USD nối Thủ Thiêm (Tp.HCM) đến Long Thành (Đồng Nai). Hiện, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đang được hoàn thiện để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 10/2025. Nếu được thông qua, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành dự kiến được xây dựng từ cuối năm 2026 đến năm 2029, khai thác thương mại vào năm 2030.
Tuyến đường sắt này có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm thuộc phường An Phú, Tp.Thủ Đức (Tp.HCM); điểm cuối tại Ga S20 - Long Thành trong Cảng hàng không quốc tế Long Thành (nhà ga T3, T4), thuộc xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt sẽ kết nối trung tâm Tp.HCM với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ, đặc biệt là cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Khi tuyến đường sắt được triển khai, các khu vực như Thủ Thiêm (Tp.HCM), Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) sẽ thu hút các nhà đầu tư do khả năng kết nối thuận lợi với sân bay Long Thành và Tp.HCM. Việc kết nối đi lại thuận lợi sẽ thúc đẩy sự phát triển của các khu đô thị cao cấp, khu phức hợp thương mại và dịch vụ lân cận sân bay. Từ đó gia tăng giá trị đầu tư cũng như nhu cầu về nhà ở.
Ngoài hạ tầng trung ương như Vành đai 3 Tp.HCM, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu... thì các tuyến đường tỉnh kết nối vào hệ thống giao thông trọng điểm cũng được Nhơn Trạch liên tục xúc tiến đầu tư trong thời gian gần đây.
Một dự án hạ tầng trọng điểm khác tại Đồng Nai phải kể đến cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu đã thông xe kỹ thuật 19,5km vào ngày 19/4 vừa qua. Đây là dự án dài gần 54 km, quy mô 4-6 làn xe, với tổng mức đầu tư 17.800 tỷ đồng dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Trong cuộc họp mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu hoàn thành trước khi sân bay Long Thành hoạt động.
Khi hoàn thành, dự án cao tốc này sẽ thúc đẩy mạnh kinh tế của 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Đặc biệt là khi kết hợp cùng sân bay Quốc tế Long Thành và cảng biển Cái Mép-Thị vải. Đồng thời dự án sẽ giảm tải cho Quốc lộ 51, tạo liên kết nhanh về mạng lưới giao thông của các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai với Tp.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bên cạnh đó, Vành đai 3 Tp.HCM, đoạn qua Đồng Nai, cao tốc Bến Lức – Long Thành cũng là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang đẩy mạnh đầu tư, tác động tích cực đến bộ mặt đô thị khu vực Nhơn Trạch, Long Thành nói riêng, Đồng Nai nói chung.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng đã tập trung ưu tiên nguồn vốn để triển khai đầu tư các dự án đường tỉnh 25B, 25C, đường liên cảng nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cho Nhơn Trạch. Trong đó, tuyến đường 25B và 25C với tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng đang được đẩy mạnh thi công để hoàn thành vào tháng 8/2025. Đây là các hạ tầng giao thông trọng điểm tại Nhơn Trạch, kết nối trực tiếp với Vành đai 3 Tp.HCM, sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Việc hình thành các tuyến hạ tầng đã tác động tích cực đến hoạt động của thị trường bất động sản Nhơn Trạch. Một số dự án có vị trí gần sân bay Long Thành và các tuyến hạ tầng sắp triển khai tại khu vực nhận được sự quan tâm đáng kể từ người mua. Chẳng hạn, dự án căn hộ FIATO Airport City của Thang Long Real Group dù chỉ mới giới thiệu ra thị trường quý 2/2025 nhưng thanh khoản ghi nhận tích cực. Lượng khách hàng đổ về khu nhà mẫu dự án tham quan tăng lên hàng tuần. Đây là dự án chỉ cách sân bay Long Thành khoảng 10 phút di chuyển, cũng là nguồn cung căn hộ hiếm hoi tại Nhơn Trạch ở giai đoạn này.
Cùng khu vực, một chủ đầu tư nước ngoài chuẩn bị bung dự án KĐT quy mô 40ha (chưa tiết lộ tên dự án). Dù chỉ mới "manh nha" nhưng dự án đã gây xôn xao trên thị trường. Ngay ở giai đoạn khu vực đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông, tâm lý người mua với bất động sản khá tích cực.
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Tài nguyên và môi trường Tp.HCM đánh giá, khi hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, Nhơn Trạch sẽ có rất nhiều thời cơ để bứt phá phát triển. Theo quy hoạch tỉnh, Nhơn Trạch thuộc đoạn 5 của hành lang sông Đồng Nai. Đây là khu vực được định hướng phát triển các đô thị ven sông, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. "Tuy nhiên, Nhơn Trạch cần chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ và dịch vụ cao cấp", vị này nhấn mạnh.