Loại hạt của Mỹ khiến người Trung Quốc mê mệt, chuộng hơn đồ nội địa "nổi lên" giữa thương chiến

Mất đi thị trường lớn như Trung Quốc "thực sự đáng sợ", William Bourdeau, một nông dân Mỹ nhận định với WSJ.

Trung Quốc: Thị trường "sống còn" của hạt dẻ cười Mỹ

Ngành hạt dẻ cười của Mỹ, vốn tập trung chủ yếu ở California, đang trải qua những biến động mạnh mẽ do các chính sách thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, WSJ đưa tin.

Khi cựu Tổng thống Trump tái khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, nhiều nông dân trồng hạt dẻ cười ở Thung lũng Trung California đã lo lắng về tương lai thị trường. Trong bối cảnh hàng rào thuế quan giữa hai quốc gia ngày càng gia tăng, những người trồng trọt bắt đầu chứng kiến giá cả biến động mạnh và nguy cơ mất thị trường chủ chốt.

Hạt dẻ cười vốn là 1 "câu chuyện thành công", trở thành loại nông sản có giá trị xuất khẩu cao thứ 3 ở bang nông nghiệp lớn nhất nước Mỹ - California, chỉ xếp sau hạnh nhân và sản phẩm từ sữa. 

Hiện nay, Trung Quốc tiêu thụ tới gần một phần ba sản lượng hạt dẻ cười, trị giá 3 tỷ USD, của Mỹ. Và những người nông dân Mỹ trồng hạt dẻ cười đã trở nên phụ thuộc vào thị trường này.

Giá cả hạt dẻ cười vốn đã chịu áp lực khi nhiều nông dân California quyết định tham gia vào lĩnh vực này do ưu điểm chịu hạn và giá trị kinh tế cao. 

William Bourdeau, một nông dân ở Fresno County, nhận xét: "Thật khó để duy trì lợi nhuận khi có quá nhiều người tham gia vào thị trường". Bourdeau cũng bày tỏ lo ngại về khả năng Trung Quốc giảm nhập khẩu trong tương lai. Anh cho rằng, mất đi thị trường lớn như Trung Quốc "thực sự đáng sợ".

William Bourdeau, một nông dân ở Fresno County. Ảnh: WSJ

Hạt dẻ cười từ lâu đã là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Mỹ. Giá trị xuất khẩu hạt dẻ cười sang Trung Quốc tăng vọt từ 42 triệu USD vào năm 2017 lên 842 triệu USD vào năm ngoái. Sự gia tăng này phản ánh mức độ ưa chuộng của người tiêu dùng Trung Quốc đối với hạt dẻ cười, được gọi bằng một cái tên đặc biệt: "hạt hạnh phúc".

Vì sao người Trung Quốc chuộng hạt dẻ cười?

Người Trung Quốc có sự yêu thích đặc biệt đối với hạt dẻ cười. Loại hạt này được coi là biểu tượng của sức khỏe, sự hạnh phúc và may mắn, thường được dùng làm quà tặng mỗi dịp lễ tết. 

Tuy nhiên, loại hạt này còn được ưa chuộng bởi hương vị và cả lợi ích sức khỏe. 

Theo nghiên cứu của PW Consulting, ý thức về sức khỏe ngày càng tăng của người tiêu dùng Trung Quốc đã ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu về hạt dẻ cười, biến chúng từ một món ăn nhẹ thành một loại thực phẩm chính trong chế độ ăn uống hướng đến sức khỏe. 

Hạt dẻ cười được xem như một loại siêu thực phẩm. Giàu protein, chất xơ và chất béo lành mạnh, loại hạt này đang được công nhận vì những lợi ích tiềm năng của chúng trong việc kiểm soát cân nặng và sức khỏe tim mạch. Reuters dẫn 1 thử nghiệm từ Tây Ban Nha cho biết, ăn hạt dẻ cười có thể giảm nguy cơ tiểu đường.

Hạt dẻ cười. Ảnh: Reuters

PW Consulting dẫn nguồn khảo sát cho biết, hơn 60% người tiêu dùng thành thị ở Trung Quốc hiện coi các loại hạt, đặc biệt là hạt dẻ cười, là thành phần thiết yếu của chế độ ăn uống cân bằng.

Ngoài ra, các nền tảng truyền thông xã hội đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nhận thức của người tiêu dùng Trung Quốc. Những người có sức ảnh hưởng và chuyên gia dinh dưỡng thường quảng bá lợi ích sức khỏe từ hạt dẻ cười, tạo nên tiếng vang trong nhóm người trẻ tuổi. 

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng ưa chuộng hạt dẻ cười nhập khẩu từ California hơn so với hạt dẻ cười nội địa hoặc từ Thổ Nhĩ Kỳ, theo nghiên cứu của các tác giả từ Đại học California và Đại học Nhân dân Trung Quốc (thực hiện tại Bắc Kinh). Điều này phản ánh sự tin tưởng vào chất lượng và an toàn thực phẩm của sản phẩm Mỹ.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hạt dẻ cười lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 10% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu. Sự gia tăng tầng lớp trung lưu và nhận thức về sức khỏe đã thúc đẩy nhu cầu đối với loại hạt này.

Hy vọng từ thỏa thuận mới

Trong khi nhiều nông dân Mỹ đang chuẩn bị tinh thần đối mặt với khó khăn, 1 tin tốt đã xuất hiện. Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận mới, Bắc Kinh chấp nhận giảm thuế quan từ mức 125% xuống còn 10%. 

Stuart Woolf, chủ tịch Woolf Farming Co., một công ty trồng hạt dẻ cười ở Fresno County, nhận xét: "Đây thực sự là tin tốt. Cuộc sống sẽ tốt hơn nếu có ít bất ổn hơn, nhưng với tình hình hiện tại, nông dân chắc chắn cảm thấy lạc quan hơn."

Dẫu vậy, không phải ai cũng lạc quan hoàn toàn. Dave Puglia, chủ tịch Western Growers – một nhóm thương mại chuyên hỗ trợ các nông dân trồng hạt dẻ cười và các loại cây trồng khác – cho biết: "Chúng tôi hy vọng điều này sẽ trở thành điều kiện thương mại lâu dài chứ không chỉ là giải pháp tạm thời". 

Tuy các loại thuế đã được giảm bớt, một số người vẫn lo ngại rằng những thay đổi chính sách thương mại khác trong tương lai có thể tiếp tục gây ảnh hưởng tới ngành công nghiệp này.

 (theo Wall Street Journal, PW Consulting)