Loài rắn đặc hữu hiếm gặp của Việt Nam
Rắn lục sừng (Protobothrops cornutus) là một trong những loài rắn độc đặc hữu hiếm gặp của Việt Nam, nổi bật với cặp "sừng" nhỏ phía trên mắt. Loài rắn lục sừng này từng được xếp trong chi Trimeresurus, nhưng các nghiên cứu gần đây đã chuyển nó sang chi Protobothrops do đặc điểm di truyền và hình thái.
Theo tạp chí Herpetology Notes, loài rắn lục sừng đã từng được mô tả khoa học lần đầu tiên vào năm 1930, nhưng suốt nhiều thập kỷ sau đó gần như bặt âm vô tín. Mãi đến đầu thế kỷ 21, các nhà khoa học Việt Nam mới bất ngờ tìm thấy những cá thể rắn có hình thái lạ như mô tả của loài đã "biến mất" kia. Sự tái hiện độc đáo này đã làm rộn ràng giới khoa học quốc tế, thu hút nhiều nhà nghiên cứu đổ về Việt Nam.
Rắn lục sừng (Protobothrops cornutus) là một trong những loài rắn độc đặc hữu hiếm gặp của Việt Nam. (Ảnh: iNaturalist)
Theo , chúng được tìm thấy trong các khu rừng thường xanh ẩm trên nền núi đá vôi hoặc các mỏm đá granit, ở độ cao khoảng 250 – 2.000 m so với mực nước biển. Môi trường sống này với nền đá và thảm thực vật rừng nhiệt đới cung cấp nơi ẩn nấp và ngụy trang lý tưởng cho rắn lục sừng.
Tại Việt Nam, loài rắn này được phân bố tại Lào Cai (Sa Pa, Văn Bàn), Hà Giang (Khau Ca), Cao Bằng (Hạ Lang), Ninh Bình (Hoa Lư), Quảng Bình (vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng), Thừa Thiên Huế (vườn quốc gia Bạch Mã). Đây là một loài rắn hiếm gặp, có sinh cảnh sống bị chia cắt và rải rác.
Đây là một loài rắn hiếm gặp, có sinh cảnh sống bị chia cắt và rải rác. (Ảnh: Đời sống & Pháp luật)
Ngoài phạm vi Việt Nam, loài này hầu như không xuất hiện ở nơi khác; chỉ có duy nhất một ghi nhận tại khu tự trị dân tộc Dao Ruyuan ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Đặc điểm sinh học và hành vi
Đặc điểm nhận dạng: Rắn lục sừng thuộc nhóm rắn lục cỡ nhỏ. Cơ thể trưởng thành dài khoảng 50 – 80 cm, cá thể lớn có thể đạt tới ~90 cm, với thân hình khá mảnh. Chúng có đầu hình tam giác lớn, phân biệt rõ rệt với cổ thon nhỏ. Trên mắt mỗi bên có một vảy nhô cao tạo thành "sừng" nhỏ sắc nhọn hướng lên trên, đây là đặc điểm nổi bật nhất và cũng là nguồn gốc tên gọi của loài rắn này. Vảy trên đỉnh đầu nhỏ mịn, hai bên đầu có hõm má (cơ quan cảm nhiệt đặc trưng của rắn lục) giúp chúng nhận biết nhiệt độ con mồi.
Màu sắc tổng thể của rắn lục sừng là tông nâu xám hoặc xám xanh nhạt phối với các đốm hình zigzag màu sậm dọc theo lưng, bụng màu trắng nhạt lốm đốm nâu. Kiểu hoa văn này giúp chúng ngụy trang hiệu quả trên nền lá khô, đá phủ rêu trong rừng, giúp chúng ẩn mình khó bị phát hiện bởi con mồi hay kẻ thù tự nhiên.
Kiểu hoa văn này giúp loài rắn lục sừng này ngụy trang hiệu quả. (Ảnh: Khoa học & Cuộc sống)
Tập tính sinh thái: Rắn lục sừng là loài hoạt động về đêm. Chúng có lối sống khá ẩn dật: ban ngày thường trú ẩn trong các hốc cây, khe đá hoặc dưới tán lá rừng rậm rạp để tránh những kẻ săn mồi. Nhờ có hõm cảm biến nhiệt ở hai bên đầu, loài rắn này định vị được con mồi máu nóng trong bóng tối một cách chính xác. Thức ăn của rắn lục sừng khá đa dạng, chủ yếu là các loài động vật nhỏ như chuột và động vật gặm nhấm nhỏ khác, chim, thằn lằn và ếch nhái.
Phương thức sinh sản cụ thể của rắn lục sừng hiện vẫn chưa được ghi nhận đầy đủ trong các tài liệu khoa học chính thống. Tuy nhiên, do thuộc chi Protobothrops, nhiều nhà nghiên cứu giả định rằng loài này có thể sinh sản bằng cách đẻ con như phần lớn các loài cùng chi. Các dữ liệu chi tiết về chu kỳ sinh sản, kích thước lứa, hoặc thời gian phát triển phôi hiện vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu.
Độc tính và mức độ nguy hiểm
Khi bị loài rắn này tấn công, nạn nhân thường trải qua cảm giác đau nhức dữ dội kèm theo tình trạng sưng tấy nhanh chóng tại vùng bị cắn. (Ảnh: ZOOINSTITUTES)
Rắn lục sừng thuộc phân họ rắn lục Crotalinae, do đó nọc độc của chúng thuộc dạng độc tố máu (hemotoxin) rất nguy hiểm. Vết cắn của loài rắn này có thể gây triệu chứng nghiêm trọng cho con người. Khi bị loài rắn này tấn công, nạn nhân thường trải qua cảm giác đau nhức dữ dội kèm theo tình trạng sưng tấy nhanh chóng tại vùng bị cắn. Nọc độc của rắn có thể làm rối loạn chức năng đông máu, khiến máu khó ngưng chảy. Nếu không được điều trị y tế kịp thời, vết thương có nguy cơ bị hoại tử nghiêm trọng và thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Mặc dù có nọc độc nguy hiểm, trên thực tế số vụ rắn lục sừng cắn người rất hiếm.
Tình trạng bảo tồn của loài rắn quý hiếm
Rắn lục sừng được xem là loài quý hiếm do phạm vi phân bố hẹp và số lượng ít. Các khảo sát cho thấy loài này có mật độ rất thấp ở những khu vực sinh cảnh biệt lập. Hiện nay, rắn lục sừng đang đứng trước các mối đe dọa chính là mất và suy thoái môi trường sống. Điều này dẫn đến sinh cảnh sống vốn đã phân mảnh nay càng chia cắt, hạn chế khả năng tìm kiếm thức ăn và sinh sản của loài.
Bên cạnh đó, do hình thái đẹp và hiếm, một số cá thể có thể bị săn bắt trái phép bởi những người sưu tầm, mặc dù trường hợp này không nhiều. Tất cả các yếu tố trên khiến loài rắn này bị đe dọa suy giảm số lượng ngoài tự nhiên.
Rắn lục sừng được xem là loài quý hiếm do phạm vi phân bố hẹp và số lượng ít. (Ảnh: Flickr)
Về tình trạng bảo tồn, theo đánh giá toàn cầu của IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế), rắn lục sừng hiện được xếp hạng sắp bị đe dọa (Near Threatened). Tại Việt Nam, rắn lục sừng đưa vào Sách Đỏ Việt Nam và xếp vào mức "dễ bị tổn thương" (VU – Vulnerable), tức loài hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng nếu môi trường tiếp tục xấu đi.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành các quy định bảo vệ loài này: rắn lục sừng thuộc danh mục cấm săn bắt, mua bán dưới mọi hình thức. Việc khai thác hay nuôi nhốt loài này cũng bị quản lý chặt chẽ bởi pháp luật.
Giá trị nghiên cứu hoặc ứng dụng y học
Theo Khoa học & Đời sống, với hình thái đặc biệt, rắn lục sừng không chỉ là một loài đại diện cho tính đa dạng của hệ sinh thái Việt Nam, mà còn được xét là mắt xích quan trọng trong nghiên cứu tiến hóa, địa sinh và y dược (do cấu trúc nọc độc đặc biệt).
Nọc độc của rắn lục sừng chứa các hợp chất sinh học có tiềm năng phục vụ nghiên cứu y học, đặc biệt trong lĩnh vực đông máu và tim mạch. (Ảnh: Sohu)
Nọc độc của rắn lục sừng chứa các hợp chất sinh học có tiềm năng phục vụ nghiên cứu y học, đặc biệt trong lĩnh vực đông máu và tim mạch. Dù hiện chưa có sản phẩm dược nào được chiết xuất từ loài này, nhưng các nhà khoa học đánh giá cao khả năng ứng dụng của nó, tương tự như cách nọc độc của các loài rắn lục khác đã từng được sử dụng để phát triển thuốc điều trị cao huyết áp và chống đông máu.
Nhờ những đề xuất từ Việt Nam, loài rắn tưởng như đã lãng quên này đang trở lại với vị thế đối tượng nghiên cứu quốc tế hàng đầu.
(Theo iNaturalist, , Reptilefact)