Một loại cây rất đáng trồng trong nhà: NASA bảo chứng khả năng “nuốt” chất độc gây ung thư

Loại cây cỏ nhỏ nhắn, thường được đặt trong nhà để trang trí, lại có khả năng “nuốt” sạch những chất độc hại – trong đó có cả các chất gây ung thư.

Loại cây có khả năng lọc không khí được nhắc tới chính là cây dây nhện.

Theo nhà khoa học Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cây dây nhện – còn được biết đến với các tên gọi khác như cỏ lan chi, lục thảo trổ, hay cây lục thảo – có tên khoa học Chlorophytum comosum, thuộc họ Măng tây (Asparagaceae), có nguồn gốc từ Nam Phi.

Cây có hình dáng mềm mại, xanh mát và dễ trồng. Loại cây này từ lâu đã trở thành lựa chọn yêu thích của giới chơi cây cảnh, thường được dùng để trang trí bàn làm việc, phòng khách hoặc đặt trong không gian kín.

Ông Sáng cho biết, tuy có vẻ ngoài mảnh mai, cây dây nhện lại sở hữu khả năng thanh lọc không khí mạnh mẽ.

Theo nghiên cứu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), cây có thể hấp thụ hiệu quả các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) như formaldehyde, xylene – những tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Đặc biệt, loại cây này có khả năng chuyển hóa formaldehyde – một chất gây ung thư – thành đường và amino acid, góp phần làm sạch không khí tự nhiên.

Cây dây nhện (Ảnh minh hoạ).

Formaldehyde trong nhà chủ yếu phát sinh từ vật liệu xây dựng như ván ép, gỗ công nghiệp, sơn và keo dán. Ngoài ra, đồ nội thất mới, thảm, rèm, đệm mút, giấy dán tường và quần áo chống nhăn cũng là nguồn thải formaldehyde. Các sản phẩm gia dụng như chất tẩy rửa, mỹ phẩm chứa chất bảo quản formalin, cùng với khói thuốc lá và bếp gas cũng là tác nhân sinh ra formaldehyde. Chất này dễ bay hơi trong không khí, gây kích ứng mắt, mũi, họng và có thể dẫn đến ung thư khi tiếp xúc lâu dài, đặc biệt trong không gian kín, kém thông gió.

Nghiên cứu của NASA cho thấy, một cây dây nhện được trồng trong chậu 3,8 lít có thể loại bỏ từ 31.220 đến 62.440 microgam formaldehyde chỉ trong 6 giờ. Để đảm bảo hiệu quả lọc không khí toàn diện trong một không gian sống tiêu chuẩn, cần từ 8 đến 15 cây dây nhện kích thước tương tự.

Ngoài ra, một nghiên cứu được công bố trên hệ thống cơ sở dữ liệu PubMed đã kiểm chứng rằng, cây dây nhện có thể duy trì khả năng hấp thụ formaldehyde hiệu quả ngay cả sau khi đã tiếp xúc lâu dài với khí độc. Các chỉ số sinh lý của lá cây được phục hồi hoàn toàn chỉ trong 15 ngày, chứng tỏ cây có thể tự tái tạo và duy trì chức năng thanh lọc bền vững.

“Cây dây nhện không chỉ loại bỏ chất gây ung thư mà còn giúp cho không gian gia đình trở nên xanh, sạch hơn, mang lại cảm giác thư thái…”, ông Bùi Đắc Sáng nói.

Ông Sáng cho biết thêm, ngoài formaldehyde, NASA cũng ghi nhận khả năng hấp thụ khí carbon monoxide (CO) và nitrogen dioxide (NO₂) của loại cây này. Trung bình, một cây dây nhện có thể loại bỏ khoảng 3.300 microgam CO và 8.500 microgam NO₂ mỗi giờ trong môi trường kín.

Cách trồng và chăm sóc cây dây nhện

Để có thể trồng cây dây nhện, đất cần xốp, thoát nước tốt, lý tưởng nhất là hỗn hợp gồm đất thịt, tro trấu, phân hữu cơ hoặc xơ dừa. Nên thay đất định kỳ 12–18 tháng/lần để cây sinh trưởng khỏe mạnh.

Cần lưu ý: cây dây nhện ưa ẩm nhưng tránh tưới quá nhiều vì dễ bị thối rễ. Cân nhắc bón phân 1 lần/tháng bằng NPK loãng hoặc phân hữu cơ tan chậm. Tránh bón quá liều.

Cây dây nhện ưa ánh sáng gián tiếp, nên đặt gần cửa sổ có rèm hoặc nơi có ánh sáng tán xạ. Tuy cây chịu bóng tốt nhưng nếu quá thiếu sáng sẽ khiến cây chậm phát triển. Tránh đặt dưới ánh nắng gắt để không bị cháy lá, bạc màu.

Ông Sáng cho biết, vị trí đặt cây dây nhện lý tưởng là ở những nơi có bức xạ điện từ như gần tivi, máy tính, lò vi sóng hoặc gần bình gas, để phát huy tối đa khả năng hấp thụ khí độc và cải thiện chất lượng không khí trong không gian sống.