Nhận cuộc gọi yêu cầu huỷ gói bảo hiểm, cụ bà suýt mất gần 500 triệu trong trạng thái ‘như bị thôi miên’, công an lập tức can thiệp

Nhờ sự can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng, bà cụ đã thoát khỏi chiêu trò của vụ lừa đảo dưới vỏ bọc "huỷ gói bảo hiểm".

The Paper trích dẫn thông tin từ Công an quận Hồng Khẩu, Thượng Hải, Trung Quốc chiều ngày 11/10, Trung tâm chống lừa đảo đã phát hiện bà Tằng - một cư dân tại khu Giang Loan, có dấu hiệu đang bị lừa đảo qua điện thoại với chiêu trò liên quan đến việc mở/huỷ gói bảo hiểm. Cảnh sát nhanh chóng gọi điện cho bà nhưng không thể liên lạc, do đó lập tức tới tận nhà.

Khi đến nơi, bà Tằng đang nghe điện thoại và ra hiệu yêu cầu cảnh sát chờ vì bà “đang xử lý việc quan trọng”. Qua giọng nói vọng từ điện thoại, cảnh sát nghe được những câu như “bà đã mở gói bảo hiểm này rồi”,  nhận ra đây là thủ đoạn quen thuộc của các đối tượng lừa đảo.

Ngay sau khi yêu cầu bà Tằng kết thúc cuộc gọi, cảnh sát nhận thấy bà có biểu hiện lơ mơ như bị “thôi miên”, không nhớ rõ mình vừa làm gì. Lo ngại tài sản có thể bị đe dọa, lực lượng chức năng đã mời bà Tằng về trụ sở Công an phường Giang Loan để làm rõ sự việc.

Nhận cuộc gọi từ người tự xưng là "nhân viên chăm sóc khách hàng", bà Tằng đã để lộ thông tin 3 tài khoản ngân hàng (Ảnh minh hoạ).

Theo lời kể, vào khoảng 13h cùng ngày, bà Tằng nhận được một tin nhắn từ số 1068xxxx với nội dung thông báo dịch vụ “thành viên đã được kích hoạt, sẽ tự động gia hạn”. Lo sợ bị trừ tiền oan, bà gọi đến số điện thoại trong tin nhắn.

Một người tự xưng là “nhân viên chăm sóc khách hàng của công ty bảo hiểm” cho biết bà Tằng đã vô tình kích hoạt một hợp đồng bảo hiểm, mỗi tháng bị trừ 2.000 tệ, tổng cộng lên tới 70.000 tệ/năm. Khi bà Tằng phủ nhận, người này nhẹ nhàng giải thích có thể do bà từng “giúp bạn bấm vào phiếu giảm giá” nên mới kích hoạt và hôm nay là “ngày cuối để hủy”.

Qua lời dụ dỗ, bà Tằng làm theo hướng dẫn: mở phần mềm thanh toán, đăng nhập ứng dụng ngân hàng, cung cấp thông tin tài khoản và mật khẩu. Trong suốt 2 tiếng đồng hồ, kẻ gian liên tục thay đổi “nhân viên chăm sóc khách hàng” để giữ máy, nhằm ngăn bà nghe điện thoại từ ngân hàng hay cơ quan công an.

Ngay khi biết bà Tằng đã để lộ 3 tài khoản ngân hàng có tổng số dư hơn 1,4 triệu tệ, cảnh sát lập tức tiến hành thao tác phong tỏa toàn bộ tài khoản. Sau đó, cán bộ Trung tâm chống lừa đảo trực tiếp đưa bà đến các ngân hàng liên quan để đổi mật khẩu và kiểm tra lịch sử giao dịch trong ngày.

Rất may, do phát hiện sớm và xử lý nhanh chóng, toàn bộ số tiền vẫn còn nguyên. Bà Tằng không bị thiệt hại gì về tài chính.

Công an Thượng Hải cho biết chỉ cần nghe các từ khóa như “bảo hiểm trừ tiền”, “hỗ trợ hủy dịch vụ”, người dân cần ngừng liên lạc ngay lập tức và báo cho cơ quan chức năng. Mục đích chính của kẻ gian là kéo dài cuộc gọi để ngăn người bị hại tiếp cận thông tin cảnh báo từ ngân hàng và công an.

Theo The Paper